>> Tuyển sinh > Điểm thi tốt nghiệp 2014 > điểm thi

PGS. Văn Như Cương vừa chia sẻ một điều thú vị mà có lẽ khiến người lớn đọc cũng phải ngẫm nghĩ.

Hài hước với tư duy suy luận môn văn của học sinh lớp 5

Trên trang cá nhân của mình, thầy Văn Như Cương chia sẻ, hôm nay là ngày mà hơn 3.500 em học sinh lớp 5 dự thi vào lớp 6 với đề Ngữ văn được đưa ra để học sinh hoàn thiện lại. Và dưới đây là đề thi và phần trả lời của một số học trò mà thầy Cương chia sẻ.

Ở đó, có rất nhiều điều mà người lớn phải suy nghĩ, ngành giáo dục phải quan tâm.

Đề có dạng: Câu 3 (1 điểm). Điền các cặp từ trái nghĩa vào các chỗ trống để hoàn thành các câu ca dao, tục ngữ sau:

a) Trống đánh …kèn thổi …

b) Khi vui muốn ….buồn tênh lại …

c) Bóc … cắn….

d) Tháng năm chưa nằm đã …. . Tháng mười chưa cười đã ….

Hài hước với tư duy suy luận môn văn của học sinh lớp 5

Hài hước với tư duy suy luận môn văn của học sinh lớp 5

Trước các câu thành ngữ, ca dao, tục ngữ này nhiều em học sinh có tư duy một cách thật như đếm:

Một số em viết trả lời rằng: “Trống đánh cao, kèn thổi thấp” hay “Trống đánh to, kèn thổi bé” hoặc “Trống đánh nhanh, kèn thổi chậm”.

Về mặt suy luận, các câu trả lời của học sinh đều có ý nghĩa nhất định, tuy nhiên xét trong hoàn cảnh đúng của đáp án thì nhiều người cho rằng “phải chăng các em chưa từng đọc hoặc nghe các câu ca dao theo đề ra thi đây là cách tự tư duy để trả lơi theo ý hiểu.... đó là hay”.

Hoặc có em làm đáp án với câu khác rằng: “Khi vui muốn cuời, buồn tênh lại khóc” hay có em ghi “Khi vui muốn đứng, buồn tênh lại nằm”.

Với câu hỏi “Bóc … cắn….”? Có em nghĩ ra từ “Bóc vỏ cắn ruột” hoặc có em viết thực dụng ngô nghê “Bóc lạc cắn khoai” và  “Bóc ít cắn nhiều”.

Câu thành ngữ “Tháng năm chưa nằm đã sáng. Tháng mười chưa cười đã tối” được các em học sinh biến thể hồn nhiên thành “Tháng năm chưa nằm đã đứng. Tháng mười chưa cười đã ngồi”.

Nhiều người băn khoăn với dạng đề như thế này thì tiêu chí chấm sẽ như thế nào? Chấm đúng hay chấm tính sáng tạo trong tư duy? Đó là câu hỏi khiến chúng tôi và nhiều phụ huynh thắc mắc.

Trước những băn khoăn này, phóng viên cố gắng liên hệ với PGS. Văn Như Cương nhưng chưa được giải đáp.

Trên trang cá nhân của PGS. Văn Như Cương con số lượt bình luận tiếp tục tăng để bày tỏ quan điểm về dạng đề này. Có người nói rằng tuy các em không thuộc tục ngữ, ca dao...nhưng đáp án này chứng tỏ các em có tư duy và cần được khích lệ.

Rõ ràng việc thay đổi các ra đề thi ở các cấp học trong thời gian qua đã chứng minh một điều cách dạy và cách học hiện nay cần phải thay đổi.

Theo Báo Giáo dục