TUYỂN SINH - TUYỂN SINH 2013 - THÔNG TIN TUYỂN SINH - BÁO GIÁO DỤC

>> Giáo dục Việt Nam đang ngồi trên "ghế nóng"?

Ưu tiên hàng đầu nâng cao chất lượng giáo viên

Ngày 15-11, hơn 700 nhà giáo đã dự Lễ tuyên dương khen thưởng các điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu của ngành GD-ĐT Thủ đô năm 2012 và chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11.

Tại buổi lễ, đồng chí Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chúc mừng 5 nhà giáo của Thủ đô vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cùng nhiều tập thể, giáo viên được tặng thưởng Huân chương Lao động, Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2012, ngành GD-ĐT Hà Nội có nhiều tấm gương tiêu biểu với những cống hiến sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy như cô giáo Nguyễn Thị Thu, giáo viên trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có nhiều thành tích trong giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi môn Hoá với 9 giải quốc gia, 1 giải Olympic môn hoá Quốc tế; cô giáo Kim Phương Hà, trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, với kết quả bồi dưỡng 20 em đoạt giải học sinh giỏi cấp thành phố, 6 em đạt cấp quốc gia, 1 em đoạt Olympic môn hoá Quốc tế; thầy giáo Mai Xuân Thắng, trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam có nhiều thành tích trong giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi đội tuyển Toán, đạt 4 giải quốc gia, 1 HCB Olympic toàn Quốc tế. Năm nay, Hà Nội có 125 giải quốc gia với 10 giải Nhất, 12 giải quốc tế, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông cao hơn năm trước, đạt 98,24%, kết quả thi ĐH đứng thứ 3 toàn quốc với 59 học sinh đỗ Thủ khoa.

Chúc mừng các nhà giáo tiêu biểu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nhấn mạnh: “Ngành giáo dục Thủ đô cần tập trung ưu tiên hàng đầu cho việc đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên về chuyên môn nghiệp vụ, sự tâm huyết với nghề, cũng như nâng cao chất lượng trường học đạt chuẩn”.

Chuyện rơi nước mắt của những giáo viên hợp đồng

Câu nói của Tiến sĩ Hồ Thiệu Tùng,  nguyên Phó trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy TP.HCM: “nguyện vọng giáo viên sống được bằng lương là nguyện vọng xứng đáng và rất tối thiểu trong khi đó “mấy đời Bộ trưởng của ngành quốc sách hàng đầu chưa ai làm được và chưa biết đến bao giờ mới làm được” đã để lại nhiều suy nghĩ trong chúng ta nhất là khi ngày tôn vinh những người thầy đang đến rất gần.

Lương giáo viên không đủ sống, lương giáo viên không bằng lương tạp vụ, không bằng lương tài xế đó là thực tế của ngành giáo dục.  Đặc biệt là những giáo viên ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, và những giáo viên hợp đồng thì mức thu nhập của họ hiện nay là những câu chuyện rơi nước mắt.

Cay đắng giáo viên hợp đồng

Sắp đến ngày 20-11, ngày tôn vinh các thầy cô giáo. Tuy nhiên trong niềm vui của ngày trọng đại này, với những thầy cô chưa được bước chân vào cảnh cửa biên chế không tránh khỏi nỗi chạnh lòng. Cùng là nghề giáo, cùng đứng trên bục giảng, cùng đảm nhận những công việc như nhau nhưng giữa giáo viên biên chế và hợp đồng luôn có khoảng cách lớn. Cô giáo Nguyễn Thị Đào, xã Phương Công, huyện Tiền Hải, Thái Bình cho biết đến nay đã 5 năm đứng lớp nhưng cô vẫn chưa được vào biên chế và đành phải bỏ dở giấc mơ.

Mức lương khởi điểm năm 2006 cô nhận là hơn 500.000 đồng/tháng. Sau tăng lên 700.000 đồng, rồi 900.000 đồng. Số tiền ấy không đủ để trang trải cuộc sống sinh hoạt của một gia đình nhỏ với hai con. Chồng cô lại không có công việc ổn định nên mọi khoản chi tiêu trong nhà đều trông chờ vào đồng lương giáo viên hợp đồng ít ỏi đó. Tiền lương không đủ sống, cánh cửa vào biên chế ngày càng trở nên xa vời.

Không thể chờ đợi mãi, cô đã xin vào làm công nhân tại nhà máy may gần nhà với mức lương 4 triệu đồng/tháng. “Những khó khăn về kinh tế có thể chắt chiu, chịu đựng được, nhưng những mặc cảm, đau buồn về thân phận hợp đồng là một gánh nặng tâm lý rất lớn. Nhiều đêm ngồi soạn bài mà rơi nước mắt”, cô tâm sự. Nhưng nếu cứ gắn bó với nghề thì không đủ sống. Đành phải đi làm công việc khác. Nhưng đến khi làm công việc khác thì lại nhớ trường, nhớ lớp, nhớ học sinh. Thành ra lúc nào cũng cảm thấy không có hưng phấn với công việc mới. Cô giáo Đào tâm sự: “Cực chẳng đã mới phải chuyển nghề, chứ chúng em đã xác định theo nghề giáo thì mấy ai muốn bỏ”.

Chuyện những thầy cô giáo bỏ nghề đi làm công nhân đã không còn là chuyện lạ. Dù tốt nghiệp đại học sư phạm khoa sử nhưng sau 4 năm làm giáo viên hợp đồng tại một trường cấp 3 tỉnh Bắc Giang, quá chán nản vì không biết bao giờ mới vào được biên chế, cô Nguyễn Thị Hà đã quyết định vào làm tại khu công nghiệp Quang Minh. “Thời buổi này, muốn xin việc gì cũng phải mất tiền, chỉ có xin làm công nhân là không mất gì”, Hà nói. Trong công ty của cô cũng có vài người là giáo viên chuyển nghề. Mặc dù rất buồn vì ước mơ làm cô giáo được đứng trên bục giảng mãi vẫn chỉ là mơ ước”. Hà cho biết cay đắng và tủi thân  nhất là khi mọi người hỏi sao học đại học lại ra làm công nhân.  4 năm theo học đại học, bố mẹ Hà đã phải nợ nần, chắt bóp cho con nuôi mơ ước của mình đến khi ra trường, 2 năm thất nghiệp, 4 năm làm giáo viên hợp đồng, lương không đủ ăn, giờ 30 tuổi cũng vẫn chỉ là con số không tròn trĩnh.

Làm việc trong điều kiện… “không tương lai”

Giáo viên hợp đồng cũng đảm trách công việc như giáo viên đã biên chế nhưng mức lương chỉ bằng 1/3 đến 1/5. Thêm vào đó, giáo viên hợp đồng không được hưởng phụ cấp đứng lớp. Thu nhập thấp và quá chênh lệch khiến giáo viên hợp đồng không chỉ thiệt thòi mà luôn cảm thấy tủi thân, mặc cảm. Tuy nhiên những bất hợp lý về thu nhập không phải là điều mà  những giáo viên hợp đồng nản chí. Điều khiến họ lo ngại là sự tuyệt vọng vì khả năng họ được tuyển vào biên chế rất mong manh.

Khi tổ chức thi tuyển công chức, tỷ lệ chọi rất cao. Các đối tượng chính sách như con liệt sĩ, con thương binh, người dân tộc thiểu số… được ưu tiên cộng tới 30 điểm, trong khi giáo viên đang dạy hợp đồng lại không được ưu tiên về thời gian giảng dạy và kết quả hoàn thành nhiệm vụ..  Điều này dẫn đến việc nhiều giáo viên điểm thi công chức cao nhất nhì nhưng không được cộng điểm ưu tiên cũng vẫn trượt như thường. Đấy là còn chưa nói tới các chuyện tiêu cực trong việc tuyển công chức, khiến cho những giáo viên hợp đồng phải “chen chân” với cả những “chỉ tiêu tiêu cực” và cơ hội của họ ngày càng hẹp đi nếu như họ không có những mối quan hệ cần thiết.

Thầy Nguyễn Viết Thịnh, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Nhà giáo sinh vì nghiệp, tử vì nghiệp. Nếu giáo viên hợp đồng phải làm việc nhiều năm trong tình trạng không “tương lai” thì khó có những nhà giáo thực sự tốt. Ngược lại, đối với những người đã vào biên chế thì dễ nảy sinh tư tưởng ỷ lại, không chịu phấn đấu. Rõ ràng cơ chế công chức - viên chức đối với ngành giáo dục đã không còn phù hợp và gây ra không ít tiêu cực".

Ở đâu cũng thừa giáo viên

Hiên nay, trên cả nước rất nhiều tỉnh, thành phố đang thừa giáo viên. Định mức giáo viên (giáo viên có biên chế, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước) cho mỗi trường phổ thông công lập được xác định theo Thông tư số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư số 28 của Bộ GD-ĐT. Ở mỗi tỉnh, thành phố, định mức cụ thể do UBND tỉnh, thành phố qui định. Đối với trường THCS, THPT định mức này thường là từ 2,0 - 2,2 giáo viên/lớp. Tuy nhiên lượng sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm hàng năm lại quá lớn dẫn đến tình trạng ở đâu cũng thừa giáo viên.

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo thì hiện nay cả nước dư thừa khoảng  30.000 giáo viên bậc THCS và THPT. Thành phố Hồ Chí Minh từng là địa phương có nhu cầu lớn về tuyển giáo viên vào các trường công lập trong thời gian dài, nhưng năm nay thành phố này cũng đã dư thừa, không bố trí được 1.400 cử nhân ngành sư phạm. Tại tỉnh Phú Yên cũng có đến gần 3.000 giáo viên ra trường phải ngồi ở nhà chơi. Các tỉnh như Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Thanh Hóa…cũng trong tình trạng dôi thừa khá lớn giáo viên. Tình trạng dư thừa giáo viên đang trở thành bài toán nan giải, đau đầu đối với các nhà quản lý giáo dục ở nhiều địa phương. Việc hàng trăm giáo viên bị sa thải tại Yên Bình, Yên Bái vừa qua cũng là hệ quả của tình trạng dư thừa giáo viên. Trong hai năm 2010-2011, UBND huyện Yên Bình đã tuyển vượt biên chế, vượt quy mô hợp đồng lên đến 212 người trong các cơ sở giáo dục so với chỉ tiêu được giao.

Trả lời báo chí, bà Ngô Thị Chinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - cho biết biên chế giáo viên của Yên Bình đã tương đối đủ, nên nhiều năm qua tỉnh ngừng cấp biên chế mới cho địa phương. Do đó, việc tuyển dụng cùng lúc quá nhiều chỉ tiêu không nằm trong kế hoạch khiến chính UBND tỉnh cũng bị bất ngờ. Hướng giải quyết là hàng trăm giáo viên đã sở hữu hợp đồng dài hạn, ngắn hạn, thậm chí đã nhận được quyết định tuyển dụng vào biên chế đều buộc phải hủy quyết định, gạt ra hoặc bị điều chuyển vị trí, đây thực sự là thông tin gây sốc với những thầy cô đang làm “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.

Cần có chính sách hợp lý

Hiện nay, Nhà nước vẫn có chính sách ưu đãi sinh viên sư phạm. Theo đó, sinh viên theo học các trường sư phạm không phải đóng học phí. Nguồn kinh phí đào tạo lấy từ ngân sách Nhà nước để đào tạo nhân lực phục vụ ngành giáo dục, nhưng ra trường họ lại không có cơ hội để phục vụ ngành, gây lãng phí Ngân sách không nhỏ. Để được tuyển vào biên chế, các sinh viên mới ra trường lại phải đối đầu với cuộc chạy đua “mua suất biên chế” mà số tiền có thể lên tới hàng trăm triệu, một số tiền quá sức với những gia đình nông thôn.

Không thể vào biên chế, giáo viên phải làm hợp đồng. Nhưng hiện nay, đời sống của hàng vạn giáo viên hợp đồng rất khó khăn. Dư luận cho rằng cần có chính sách tăng thu nhập cho những giáo viên hợp đồng như được hưởng phụ cấp đứng lớp để bảo đảm sự công bằng. Bên cạnh đó, Bộ GD- ĐT khi tuyển giáo viên biên chế cần ưu tiên đến thời gian công tác, kinh nghiệm giảng dạy và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của giáo viên đang dạy hợp đồng. Chỉ tiêu tuyển sinh của trường sư phạm nên ở mức vừa phải, bám sát vào nhu cầu thực tế theo từng giai đoạn, không thể ham tuyển sinh ồ ạt khi đã quá dư thừa. Và quan trọng là phải tạo sự công bằng trong tuyển dụng, không để tình trạng “chạy biên chế” “mua suất biên chế” chen chân trong ngành giáo dục. Có như vậy mới chọn được những giáo viên thực sự có tài có tâm huyết với nghề và tránh để “chảy máu” chất xám như hiện nay.

Những nội dung đang được quan tâm nhiều nhất:

LUYỆN THI - TỈ LỆ CHỌI - TỈ LỆ CHỌI 2013 - TỶ LỆ CHỌI 2013

TUYỂN SINH - TUYỂN SINH 2013 - ĐIỂM THI ĐẠI HỌC - TRƯỜNG QUỐC TẾ

ĐẠI HỌC QUỐC TẾ - CAO ĐẲNG QUỐC TẾ - DU HỌC - BÁO GIÁO DỤC - TIẾNG ANH

Kênh Tuyển Sinh

Theo An Ninh Thủ Đô