>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, điểm chuẩn đại học, điểm sàn

Dự kiến điểm chuẩn kỷ lục của Trường ĐH Y Hà Nội: 27,5 điểm vẫn trượt!

Mỗi thí sinh đạt 9 điểm mỗi môn, thậm chí hai điểm 9 và 9,5 cũng vẫn trượt đại học như thường. Mới đây, ngành Bác sĩ đã khoa của ĐH Y Hà Nội dự kiến lấy điểm chuẩn ở mức 28, với mức điểm này rất nhiều thí sinh đạt 27,5 điểm sẽ trượt đại học.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo ĐH Y Hà Nội cho biết, trường đã hoàn thiện thống kê điểm của thí sinh, tính cả điểm ưu tiên. Theo đó, có 718 em đạt từ 27 điểm trở lên, 568 em từ 27,5 trở lên và 407 em từ 28 điểm trở lên. Từ 26 - 27,5 điểm, trường có khoảng 600 em.

Nếu lấy điểm trúng tuyển 27,5 điểm sẽ thừa 112 chỉ tiêu, 28 điểm thì thiếu khoảng 40 chỉ tiêu (số lượng chỉ tiêu này thuộc phạm vi cho phép nếu trường không lấy). Vì vậy, điểm dự kiến của ngành này là 28. Với mức điểm này, hàng trăm thí sinh được khoảng 9 điểm một môn sẽ trượt đại học.

Ngành bác sĩ đa khoa đại học Y Hà Nội dự kiến lấy 28 điểm

Ngành bác sĩ đa khoa đại học Y Hà Nội dự kiến lấy 28 điểm

Được biết, năm nay, chỉ tiêu ngành Bác sĩ đa khoa của ĐH Y Hà Nội là 550. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ, trường phải nhận hồ sơ tuyển thẳng của tất cả học sinh được giải nhất, nhì, ba quốc gia. 81 em có hồ sơ tuyển thẳng vào trường thì 79 em đăng ký ngành Bác sĩ đa khoa. Số lượng xét tuyển thẳng là 15 em cũng đều chọn ngành này. Vì vậy, chỉ tiêu còn lại của Bác sĩ đa khoa dành cho các thí sinh dự thi chỉ khoảng 456 chỉ tiêu.

Lãnh đạo nhà trường cho biết, trường lấy điểm chuẩn theo ngành học chứ không lấy điểm sàn vào trường. Vì vậy, thí sinh nếu trượt Bác sĩ đa khoa vẫn không được chuyển sang ngành học khác dù ngành đó có điểm chuẩn thấp hơn.

Ngay sau khi công bố điểm, để cứu những thí sinh được điểm cao, trường đã có công văn gửi Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế xin thêm 150 chỉ tiêu đào tạo hệ ngoài ngân sách. Với phương án này, trường sẽ lấy từ cao xuống thấp và cứu được những thí sinh đạt khoảng 9 điểm mỗi môn. Bộ Y tế đồng tình với giải pháp này và trường đang chờ trả lời từ phía Bộ GD&ĐT.

Thủ khoa ĐH Y Hà Nội không muốn đi bộ đội

Theo Thông tư 13 giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Quốc phòng, trường hợp công dân nhận được lệnh gọi nhập ngũ và Giấy báo nhập học vào các trường trong cùng một thời điểm thì phải chấp hành Lệnh gọi nhập ngũ và không thuộc đối tượng được xét tạm hoãn gọi nhập ngũ.

Hoàn cảnh trên đang rơi vào trường hợp của em Nguyễn Hữu Tiến  -Thủ khoa ĐH Y Hà Nội. Mong ước học trường y, sau sớm ra trường cùng bố mẹ lo trả số nợ “khổng lồ” nhưng ngày 31/7 Tiến và cả gia đình không khỏi buồn và lo lắng khi Tiến nhận được thông báo trúng tuyển sức khỏe thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2013.

Trong thông báo của Ban chỉ huy quân sự huyện Ứng Hòa (Hà Nội) còn yêu cầu Tiến phải thường xuyên có mặt tại gia đình, địa phương nơi cư trú từ ngày trúng tuyển đến hết ngày 15/9/2013 để nhận lệnh gọi nhập ngũ và bàn giao cho đơn vị quân đội.

Trao đổi với báo chí, Trung tá Nguyễn Trí Thanh – Phó Ban chỉ huy quân sự huyện Ứng Hòa cho biết: “Thông tư 13 ra đời nhằm nâng chất lượng và trình độ văn hóa trong lực lượng quân đội. Công tác khám tuyển, gọi thanh niên đi nhập ngũ cần đảm bảo công bằng, dân chủ đối với mọi công dân”.

Yêu cầu về quân số mỗi xã trên địa bàn phải đảm bảo đáp ứng đủ. Mỗi xã, thị trấn có thể vận dụng linh hoạt quy định này. Nếu xã Phương Tú (nơi Tiến thường trú)  nguồn tuyển dồi dào thì có thể xem xét tạo điều kiện để các cháu học giỏi, có chí như Tiến được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự mà đi học ngay. Gia đình Tiến cần có đơn nêu lý do, xin được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự và được Ban chỉ huy quân sự địa phương nhất chí, đồng ý” Trung tá Thanh cho biết.

Theo Báo giáo dục Việt nam