>>  Giáo dục, đào tạo, khoa giáo, tuyển sinh

Vụ “luộc” đề tài tại ĐH Bách khoa Hà Nội: Ngang nhiên gian lận lý lịch khoa học

Hơn một tháng rưỡi sau khi Báo Lao Động phanh phui “Công nghệ “luộc” đề tài nghiên cứu khoa học” tại Trường ĐH Bách khoa HN (số 172 ra ngày 29.7), đến nay Trường ĐH Bách khoa HN, Sở KHCN TP.Hà Nội và Bộ GDĐT vẫn “án binh” bất động. Trong khi đó, điều tra của PV Báo Lao Động cho thấy vị PGS-TS hàng đầu của ĐH Bách khoa HN không chỉ “đạo văn” mà còn ngang nhiên gian lận lý lịch khoa học.

“Đạo”, “luộc” cả của nghiên cứu sinh

Trong bản giải trình của PGS-TS Vũ Thị Hồng Khanh (Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Dệt may - Da giày và Thời trang thuộc Trường ĐH Bách khoa HN) gửi Vụ Khoa học - Công nghệ, Bộ GDĐT sau khi nghi vấn “đạo văn”, “luộc đề tài” bị báo chí phanh phui, bà Khanh chỉ thừa nhận đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vải kháng khuẩn chống thấm dùng trong lĩnh vực y tế” mã số 01C-01/13-2007-3 “có kế thừa một số kết quả từ đề tài bộ (đề tài của PGS-TS Lê Hữu Chiến), chiếm khoảng 10-15% tổng toàn bộ nội dung nghiên cứu thực nghiệm mới của đề tài”.

Ngang nhiên gian lận lý lịch khoa học tại đại học Bách Khoa Hà Nội

PGS-TS Vũ Thị Hồng Khanh ngang nhiên gian lận lý lịch khoa học.

Thế nhưng theo những thông tin, chứng cứ của nhiều nhà khoa học của Trường đại học Bách khoa Hà Nội được gửi tới Văn phòng Tư vấn pháp luật - Bạn đọc Báo Lao Động, PGS-TS Vũ Thị Hồng Khanh đã “đạo” tới... 100%.

Cụ thể, ngoài 5 phần sao chép kết quả nghiên cứu kháng khuẩn từ đề tài do PGS-TS Lê Hữu Chiến làm chủ nhiệm, PGS-TS Khanh còn sao chép kết quả chống thấm từ luận văn thạc sĩ “Nghiên cứu xử lý hoàn tất kháng khuẩn chống thấm cho vải PE/CO dùng trong y tế” (được bảo vệ năm 2006) với 9 phần sao chép.

Theo tìm hiểu của PV, là người hướng dẫn khoa học cho Luận văn thạc sĩ của nghiên cứu sinh Nguyễn Anh Tuấn, PGS-TS Vũ Thị Hồng Khanh có quyền sử dụng kết quả nghiên cứu của nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, PGS-TS Khanh cũng có nghĩa vụ chỉ dẫn xuất xứ kết quả nghiên cứu của thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn trong phần “Tài liệu tham khảo”.

Thế nhưng, cũng tương tự như trường hợp sử dụng đề tài của PGS-TS Lê Hữu Chiến mà không chỉ dẫn xuất xứ, PGS-TS Khanh cũng “quên” không đưa luận văn của thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn vào phần “Tài liệu tham khảo”.

Nghiêm trọng hơn, với việc sử dụng kết quả nghiên cứu kháng khuẩn của PGS-TS Lê Hữu Chiến và kết quả nghiên cứu chống thấm của thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn thì đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vải kháng khuẩn chống thấm dùng trong lĩnh vực y tế” mã số 01C-01/13-2007-3 của PGS-TS Vũ Thị Hồng Khanh chỉ mất công... biên soạn và đánh máy lại.

Với công việc này, PGS-TS Khanh cùng lắm cũng chỉ tiêu tốn vài triệu đồng chứ không thể “giải ngân” hết 500 triệu đồng tiền tài trợ đề tài từ nguồn ngân sách của TP.Hà Nội(!).

Ngang nhiên gian lận

Tháng 3.2009, PGS-TS Vũ Thị Hồng Khanh tham gia đề tài “Nghiên cứu so sánh vi cấu trúc xenlulô trong xơ bông VN với xenlulô trong xơ bông ngoại nhập nhằm làm sáng tỏ những tính chất đặc trưng và khả năng công nghệ của xơ bông VN” của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted).

Trong bản Thuyết minh đề cương nghiên cứu cơ bản, phần lý lịch khoa học của các thành viên nghiên cứu chính tham gia đề tài, PGS-TS Vũ Thị Hồng Khanh đã tự khai là chủ trì (chủ nhiệm đề tài) 8 đề tài khoa học, thế nhưng có đến 4 đề tài khoa học bị phát hiện do các nhà khoa học khác làm chủ nhiệm đề tài.

Cụ thể, đối chiếu với cuốn kỷ yếu 50 năm Khoa Công nghệ Dệt may và Thời trang 1956 - 2006, thì đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của nguyên liệu và các thông số công nghệ dệt tới tính dạt của vải tơ tằm VN” mã số T2004-73(2004) và đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ và thương mại hóa sản phẩm vải và quần áo kháng khuẩn phục vụ các ngành y tế, công nghiệp thực phẩm, dược phẩm và dân dụng” mã số B2005-28-219TĐ (2005-2006) được công bố đều do PGS-TS Lê Hữu Chiến là chủ nhiệm đề tài, nhưng PGS-TS Khanh vẫn nhận là do mình làm chủ trì(?!).

Tương tự với đề tài mã số T2005-53(2005) do thạc sĩ Bùi Mai Hương làm chủ nhiệm đề tài và đề tài mã số B 2006-01-41(2006) do thạc sĩ Phạm Đức Dương làm chủ nhiệm đề tài cũng bị PGS-TS Khanh nhận là của mình(?!).

Để kết thúc bài viết này, PV xin không bình luận mà dẫn một ý kiến tâm huyết của một bạn đọc trên Lao Động điện tử: “Nếu Nhà nước có quy định những người đã có học hàm, học vị mà gian dối trong nghiên cứu khoa học phải bị tước học hàm, học vị đã có thì may ra chúng ta mới có được những giáo sư, tiến sĩ đúng nghĩa và đáng được tôn trọng... Tôi đề nghị việc “đạo văn”, “luộc đề tài” của PGS-TS Vũ Thị Hồng Khanh (Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Dệt may - Da giày và Thời trang thuộc Trường ĐH Bách khoa HN) phải được xử lý nghiêm minh nhằm ngăn chặn những sự việc tương tự xảy ra trong tương lai”.

Theo báo Lao Động