Bắt buộc phải thi

Chủ trương của ngành giáo dục xem môn văn là cần thiết nên bắt buộc thí sinh phải thi trong các kỳ thi quan trọng. Trong khi đó, đối với nhiều học sinh, nếu được lựa chọn sẽ không chọn môn văn.

Thăm dò ý kiến của học sinh lớp 12, nhiều học sinh cho rằng nếu cho em được lựa chọn môn thi để dự kỳ thi quốc gia thì không chọn môn văn

Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết theo quy định, mỗi tổ hợp 3 môn xét tuyển vào ĐH phải có ít nhất một trong 2 môn bắt buộc là toán hoặc văn. Vì vậy, theo thống kê đề án tuyển sinh 2015 của hơn 300 trường ĐH, CĐ, môn thi được các trường lựa chọn nhiều nhất là toán và văn.

Trong phương án tuyển sinh của Trường ĐH Kinh tế quốc dân năm 2015 vừa công bố, đến 15 ngành đào tạo có sự xuất hiện của môn văn, ngoài khối D cũ. Một số trường ĐH phía nam đã đưa môn văn vào xét tuyển cho các ngành kỹ thuật. Đề án tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng đưa môn văn vào tổ hợp các môn để xét tuyển khoa vật lý...

Như vậy, trên thực tế các trường đã bắt đầu quan tâm đến tầm quan trọng của môn văn. Nhưng dư luận xã hội và đối tượng chính là thí sinh còn chưa thuận lòng, vẫn xem như bị ép buộc, vẫn còn nhìn môn văn với một khoảng cách...

Nếu không bắt buộc, thí sinh sẽ không chọn thi môn văn

Nếu không bắt buộc, thí sinh sẽ không chọn thi môn văn

Thăm dò ý kiến của học sinh lớp 12, nhiều học sinh cho rằng nếu cho em được lựa chọn môn thi để dự kỳ thi quốc gia thì không chọn môn văn. Nhiều học sinh chọn thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH theo khối mình chọn có yêu cầu môn văn. Học sinh chọn xét tuyển vào ĐH khối A, khối B thì hầu như quay lưng với môn văn.

Dạy văn chưa đạt, dạy ngữ cũng chưa xong

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghịch lý trên. Do quan niệm đã hằn in trong suy nghĩ của mọi người từ trước đến nay rằng đây là môn không khoa học, thiếu thực tế, thiếu chính xác... Vì thế cả phụ huynh và học sinh đều không xem trọng, chỉ thật sự đầu tư môn văn khi chọn khối thi vào ĐH có môn này... Với cách ứng xử như thế, môn văn chỉ được xem là môn phải học để thi chứ chưa phải là môn cần phải học vì những hữu ích cần có của nó.

Điều này cũng là hệ lụy của cả một quá trình thi cử. Trước năm 2014, đề thi tốt nghiệp và tuyển sinh quá chú trọng yêu cầu làm văn, không có phần đọc hiểu (phần ngữ). Vì vậy khi dạy và học ở THPT, phần kiến thức về ngữ (tiếng Việt) ít được giáo viên và học sinh quan tâm. Hệ quả là môn văn bị đẩy ra xa hơn với thực tế cuộc sống.

Sau nhiều lần thay đổi chương trình - sách giáo khoa, môn văn vẫn chưa cho thấy được ích lợi cần thiết của nó, vẫn còn nặng về nhiều mục đích khác. Chẳng hạn 2 mục đích chính của môn văn là bồi dưỡng tâm hồn và rèn luyện kỹ năng ứng dụng xã hội chưa được phát huy triệt để. Có học sinh cho rằng thay vì học văn thì học sử thích hơn, vì nhiều bài học văn nhưng toàn bàn chuyện sử, mà không cụ thể, sinh động bằng sử. Kỹ năng ứng dụng xã hội của môn văn cũng chưa được học trò ý thức đầy đủ. Những nhắc nhở về luyện rèn chữ viết thì được ỷ lại vào công cụ bàn phím, những kỹ năng tạo lập văn bản thì có biện hộ vào mẫu sẵn...

Ngoài ra, còn những bất cập của dạy và học, giữa chương trình và sách giáo khoa, giữa văn học với cuộc sống... Bao nhiêu tác giả có tác phẩm trong chương trình sách giáo khoa vẫn sống sờ sờ ra đấy mà chẳng bao giờ giáo viên và học sinh được gặp mặt. Người dạy, người học tác phẩm dường như có một khoảng cách với chính cuộc đời của tác giả. Việc học văn càng quá xa rời đời thực.

Việc đưa môn văn là một trong những môn bắt buộc trong kỳ thi quốc gia, là môn cốt lõi để xét tuyển vào ĐH, CĐ hy vọng sẽ là động lực để thay đổi việc dạy và học, thiết kế chương trình giúp môn học này trở về đúng vị trí của nó, xóa đi những nghịch lý tồn tại lâu nay.

Theo Thanh niên, http://www.thanhnien.com.vn/pages/20141027/neu-duoc-chon-khong-chon-mon-van.aspx