>> Giáo dục, tuyển sinh, hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, học đường.

Khi giảng viên đại học buộc phải có học hàm, học vị, thì họ cũng phải có cả kinh nghiệm, cũng như những đóng góp cho nghệ thuật, được đánh giá, phong hàm nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân - PGS.TS.NGƯT Phan Thị Bích Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM.

Nên có cơ chế riêng cho khối ngành nghệ thuật

Thưa bà, bà đánh giá thế nào về tình trạng rất nhiều trường đại học, trong đó có các trường nghệ thuật, không được tuyển sinh trong năm nay vì lý do cơ cấu nhân sự không đủ tỉ lệ giảng viên là thạc sĩ trở lên?

- Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) muốn các trường phải đạt quy chuẩn là đúng, vì đã giảng dạy đại học thì phải có trình độ thạc sĩ trở lên. Ở góc độ đào tạo, tôi nhất trí với Bộ, nhưng đối với các trường nghệ thuật thì lại khác. Trường nghệ thuật, điều kiện tiên quyết của người thầy là phải làm nghệ thuật sáng tạo, phải có năng khiếu, những thứ không phải học mà nên. Năng khiếu đó còn phải được đào tạo bài bản như thế nào.

Người thầy không chỉ biểu diễn ở nhà hát, các đoàn nghệ thuật, mà còn phải chuyển trao kiến thức cho học sinh, có phương pháp, trình độ sư phạm, nắm vững lý thuyết và thực hành. Người dạy thực hành phải thị phạm, có kinh nghiệm diễn xuất, quay phim, sáng tạo...

Như vậy, khi giảng viên đại học buộc phải có học hàm, học vị, thì họ cũng phải có cả kinh nghiệm, cũng như những đóng góp cho nghệ thuật, được đánh giá, phong hàm nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân. Vì vậy, trong lúc giáo dục nghệ thuật chưa đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, nên chăng Bộ quy đổi danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân sang học hàm học vị, nhưng không phải vì thế mà các thầy cô không tiếp tục học lên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ?

Chúng ta phải nhìn nhận bây giờ không còn kiểu nghề truyền nghề như ngày xưa nữa. Trong lúc chuyển giao, các thầy cô phải tiếp tục trau dồi việc học. Việc quy đổi danh hiệu NSƯT, NSND ở mảng thực hành là cần thiết, cũng như chủ trương phải được mềm hóa, linh động. Ở các trường đại học chưa có tiến sĩ, thạc sĩ, người ta vẫn đào tạo ra những nghệ sĩ lành nghề đó thôi.

Trong khi đó, thạc sĩ, tiến sĩ nếu không có thời gian cọ xát với thực tế thì không đưa lại hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực nhạy cảm là giảng dạy nghệ thuật, vì rằng sinh viên sẽ không phục thầy cô nếu họ không chứng tỏ được tài năng qua thực tế. Theo tôi, chủ trương trên thì đúng, nhưng Bộ GD-ĐT nên xét theo từng chuyên ngành, từng mảng để đưa ra quyết sách linh hoạt hơn.

Cũng có ý kiến cho rằng quyết định nói trên đã khuyến khích bùng phát căn bệnh chạy theo thành tích, chạy theo học vị mà không đúng thực chất, bà nghĩ thế nào về điều này?

- Không biết với ngành khác thì thế nào, chứ chúng tôi từng phải học rất vất vả mới có được học vị tiến sĩ. Nhiều người ham danh nhưng không đủ sức, mới đẻ ra tiến sĩ giấy, mua bán bằng. Nhưng trong ngành của chúng tôi thì đòi hỏi cao: Đầu tiên phải có trình độ ngoại ngữ, rồi học xong các chuyên đề… Tiêu cực thì ngành nào cũng có, nhưng chỉ nhìn tiêu cực để đổ hết cho việc toàn mua bán bằng cấp là hơi oan cho ngành giáo dục, cho những ai vất vả mới có được tấm bằng đích thực. Ai muốn học thực sự thì phải trung thực.

Ảnh hưởng của quy định mới nói trên đối với các trường đại học nói chung và Trường Sân khấu và Điện ảnh TP.HCM như thế nào, thưa bà?

- Có thể nói ảnh hưởng rất nhiều. Các em thí sinh vẫn thường ước mơ, khao khát và đầy tâm huyết khi chọn trường, thì nay bị phân tâm, lao đao, không biết nên chọn ngành nghề nghệ thuật hay không. Bản thân gia đình các em cũng muốn con em mình vào học ngành chắc chắn, đang được tuyển sinh. Như vậy, sẽ có không ít trường mất đi một lượng học sinh đáng kể. Có những trường nghệ thuật bị ngưng tuyển sinh 15/16 ngành. 207 ngành học của các trường đại học hạng Top, thuộc ngành hot bị ngưng tuyển sinh.

Một quyết định đúng, cần phải làm, nhưng quan trọng là vào thời điểm nào (tốt nhất là từ tháng 9, còn đến thời điểm này cận tuyển sinh, thí sinh chưa chuẩn bị kịp tâm lý), nếu không sẽ có hiệu quả ngược. Đầu vào đại học đã khó, giờ sẽ khó hơn, vì khi nhiều ngành học không được tuyển thí sinh, các em sẽ đi tìm những cơ sở không chính danh, chính thống mọc ra để đáp ứng nhu cầu. Các trường chính thống mà chưa đạt chuẩn thì các cơ sở này khó đảm bảo đạt chuẩn, có khi còn là cơ sở chui, khiến chất lượng đào tạo còn xuống cấp hơn.

Xin cảm ơn bà!

NGND Lê Đăng Thực – nguyên hiệu trưởng trường ĐH SKĐA: “Đây là trường dạy nghề đặc biệt

”NGND Lê Đăng Thực cho biết: “Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi thành lập trường, chúng tôi đã thống nhất quan điểm với bộ BD-ĐT về công tác đào tạo những ngành có tính chất đặc thù này. Vậy mà không hiểu tại sao bây giờ “đánh đùng” một cái lại thay đổi... Phải hiểu trường ĐH SKĐA là trường dạy nghề - nhưng là nghề đặc biệt. Mà đã dạy nghề thì phải có người làm nghề giỏi. Thầy dạy ở trường này không dạy theo lối xong phần việc rồi thì thôi, mà đòi hỏi cả một quá trình từ khi tuyển sinh cho đến khi ra trường. Trong quá trình dạy người thầy còn có trách nhiệm phát hiện ra cá tính nghệ thuật (hay còn gọi là tạng) của học trò để giúp họ phát huy được sở trường của họ. Chúng tôi vẫn nói rằng, trường không đào tạo được tài năng, mà chỉ giúp được các tài năng phát triển theo sở thích và tạng của họ”.

Phó chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN Vũ Huyến:“Thầy của tôi chính là những người chả có bằng cấp gì”

Nhà nhiếp ảnh Vũ Huyến không chỉ là người có rất nhiều năm cầm máy và lăn lộn trong lĩnh vực nhiếp ảnh báo chí, ông còn là cộng tác viên tích cực viết bài cho hàng chục tờ báo, tạp chí. Không chỉ chuyên sâu về nhiếp ảnh, ông còn là một cây viết lý luận phê bình nhiếp ảnh, bút ký sắc sảo. Mặc dù cũng đồng tình với việc rà soát và chuẩn hóa đội ngũ giảng viên ở các trường ĐH nói chung, nhưng ông cho rằng, không thể chuẩn hóa một cách cứng nhắc như thế được, bởi đào tạo các ngành sáng tác nó phải có đặc thù riêng. Ông bức xúc: “Bây giờ đi đâu tôi cũng có rất nhiều học trò, được gọi là thầy, nhưng thầy của tôi lại chính là những nhà nhiếp ảnh không có chữ nào của kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ - những nhà nhiếp ảnh “đẻ” ra những bức ảnh để cho lịch sử đất nước này, để bây giờ được Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh - đấy là thầy tôi! Đây là một quyết định sẽ thông minh nếu ngày mai sửa nó đi, còn để thế này nó là vớ vẩn, một thứ sản phẩm của những người không hiểu gì về VHNT...”

NSND Lê Tiến Thọ,Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu:“Thước đo của người thầy là sáng tạo nghệ thuật”

Là người đã từng có nhiều năm đứng trên sân khấu biểu diễn, trước khi làm quản lý (nguyên Thứ trưởng bộ VHTTTDL), NSND Lê Tiến Thọ cho rằng để đổi mới toàn diện đào tạo đối với nghệ thuật phải có sự chuẩn bị kỹ từ việc lập đề án cũng như lộ trình với những bước đi thích hợp. Quyết định tạm dừng tuyển sinh này là quá vội vàng, sẽ làm đứt đoạn việc đào tạo nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống - vốn đang rất khó khăn ngay từ khâu tuyển sinh. Một tiến sĩ chỉ làm nhiệm vụ đúc kết và ghi chép tổng hợp, nhưng với giảng viên nghệ thuật thì thước đo lại bằng sáng tạo nghệ thuật, bằng việc truyền thụ những kinh nghiệm thực tiễn chứ không thể truyền dạy bằng lý thuyết là đủ... Không thể cứ có học vị là có thể trở thành tài năng nghệ thuật.

Nghệ sĩ Hoài Oanh:“Thầy của tôi là một người làm nghề giỏi...”

Hoài Oanh là nghệ sĩ uốn dẻo nổi tiếng từ những năm 1980, 1990 của thế kỷ trước. Đã từng đoạt nhiều giải trong nước cũng như quốc tế, đặc biệt là cúp nghệ thuật tại CHDCND Triều Tiên - một nước có nghệ thuật xiếc nổi tiếng thế giới, chị cho rằng: Tùy từng nghề, nhưng với người thầy dạy trong các trường nghệ thuật thì theo tôi cần nhất là phải là người làm nghề giỏi, có kinh nghiệm và có phương pháp sư phạm. “Tôi được học nghệ sĩ Xuân Mai - bà là nghệ sĩ biểu diễn bình thường (theo nghĩa không có học hàm, học vị...) nhưng bà là một người làm nghề giỏi, một nhà giáo có phương pháp sư phạm tốt. Bà đã đào tạo ra nhiều nghệ sĩ thành danh...” - Hoài Oanh nhấn mạnh.

Ông Đào Hùng, vụ trưởng Vụ đào tạo Bộ VHTTDL cho biết:

Ngày 10.2, Bộ VHTTDL cũng đã có công văn gửi Bộ GD-ĐT đề nghị xem xét lại tính chất đặc thù của việc đào tạo các ngành nghệ thuật. Ông Hùng cũng cho rằng, việc rà soát, nâng cao chất lượng đào tạo, giảng dạy là cần thiết, thế nhưng tiêu chuẩn để đánh giá đội ngũ giảng viên đối với các trường nghệ thuật phải khác với các trường KHXH. Giảng viên các trường nghệ thuật có thể ví như những nghệ nhân truyền nghề, do vậy phải dựa trên tiêu chí tài năng, tác phẩm, kinh nghiệm và uy tín nghề nghiệp. “Tôi tin rằng bộ GD-ĐT sẽ có xem xét những tính chất đặc thù của việc đào tạo nghệ thuật và sẽ có những chỉnh sửa cho phù hợp” - ông bổ sung.


Theo tác giả K.Anh, báo Lao động