>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015 >> Điểm chuẩn đại học 2015


Mức điểm ưu tiên không còn phù hợp
1
Do việc thi và xét tuyển năm nay khác trước nên việc áp dụng điểm ưu tiên như trước đây gây ra nhiều bất hợp lý - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Cơ chế “chen ngang”

Ông Nguyễn Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, nhận định: "Năm nay có thể là dồn toa cho những bức xúc của những năm trước.
Điểm khuyến khích tối đa là 3,5 điểm có thể chiếm tỷ trọng lớn quá so với tổng điểm thi. Giả sử giờ quy định mỗi thí sinh (TS) được ưu tiên không quá 10% số điểm mà mình đạt được thì sự ưu ái chỉ là một chút, nó sẽ dễ dàng hơn, còn nếu cứ đồng loạt lùi 0,5 rồi 1 điểm cho đến tối đa 3,5 điểm nó sẽ đội điểm lên". Thứ hai, theo ông Tùng, năm nay điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng là không cao. Do đề thi 2 trong 1 nên người ra đề phải tính toán giúp cho tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt đến mức tương đối đại trà. Với đề thi ĐH mọi năm, dẫu cho được cộng điểm ưu tiên thì rất nhiều TS đã không đạt tới điểm sàn để có thể xét tuyển ĐH. Còn năm nay khi mà hạ yêu cầu đề thi, phần lớn TS chưa cần cộng điểm ưu tiên đã đạt điểm ngang sàn, dẫn đến số lượng được hưởng lợi từ điểm ưu tiên rất lớn.
Ông Tùng cho rằng cách xét tuyển đợt 1 vừa rồi tạo cơ chế xếp hàng trong xét tuyển, nhưng lại cho phép “chen ngang”, nghĩa là ai có thêm điểm khu vực thì được chen ngang vào. Tất nhiên đối tượng “chen ngang” ở đây là hợp pháp, vấn đề là số lượng này lớn quá, nên đẩy những người không được ưu tiên ra sau nhiều quá, gây tâm lý bức xúc.
Cùng quan điểm, GS Hà Huy Bằng, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhận định: “Do yêu cầu đề thi 2 trong 1 mà năm nay có đến 60% câu hỏi dễ. Như vậy, trên lý thuyết cuộc đua vào ĐH của TS chỉ diễn ra ở 4 điểm cuối cùng trong bài thi”.
Với cách ra đề thi như vậy, theo GS Bằng, phần lớn mỗi TS bước vào xét tuyển ĐH, CĐ đều có “vốn lận lưng” 15 điểm/3 môn. Thực tế là dù đã phân hóa đến 0,25 điểm nhưng nhiều trường đã phải đưa ra tiêu chí phụ để xét điểm vì số TS bằng điểm nhau ở mức 0,25 nhiều quá. “Vậy mà những em được cộng điểm khu vực thì cứ lên luôn 0,5 điểm, ưu tiên đối tượng thì lên hẳn 1 điểm. Với một số lớn chỉ vì thiếu 0,25 điểm thôi cuộc đời đã rẽ sang ngả khác thì việc rất nhiều những bạn khác được cộng 0,5, 1, thậm chí tới 3,5 điểm thì đúng là mức độ cộng điểm ưu tiên cực kỳ bất hợp lý”, GS Bằng nhận xét.

Cần rút ngắn mức điểm

GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng việc cộng điểm ưu tiên đối với các đối tượng chính sách là cần thiết nhưng với cách thi THPT quốc gia và xét tuyển như năm nay thì lẽ ra Bộ GD-ĐT cần phải xem lại mức độ ưu tiên như thế nào là phù hợp và điều chỉnh quy chế ngay từ trước kỳ thi.
GS Thi nhấn mạnh tới việc không nên đánh đồng điểm ưu tiên cho đối tượng chính sách với điểm khu vực. Theo GS Thi, về lâu dài, cùng với nỗ lực xóa bỏ khoảng cách vùng miền thì cũng nên bỏ mức chênh lệch về điểm đầu vào của TS giữa các vùng miền. “Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chỉ có thể thực hiện được điều đó ở tương lai xa”, GS Thi nói.
Mặc dù vậy, ông Thi cũng đề nghị Bộ cần phân tích, nghiên cứu một cách nghiêm túc để điều chỉnh về mức độ cộng điểm ưu tiên cũng như mức độ chênh lệch trong quy định điểm chuẩn với TS các vùng miền khác nhau.
Đề xuất này cũng được các trường ĐH tán thành. PGS-TS Nguyễn Đăng Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Dược Hà Nội, khẳng định: “Thời điểm này chưa nên đặt vấn đề bỏ việc cộng điểm ưu tiên nhưng mức độ điểm ưu tiên thì Bộ cần nghiên cứu để điều chỉnh, không để quá chênh lệch như hiện nay, gây bức xúc lớn trong xã hội”.
Ông Nguyễn Trường Tùng đề xuất có thể quy định trong tổng số chỉ tiêu của trường này thì sẽ phải dành bao nhiêu đó để ưu tiên phát triển đào tạo nguồn nhân lực vùng sâu vùng xa; còn lại tất cả phải cạnh tranh bình đẳng.
Ông Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, cũng cho rằng điểm ưu tiên nên duy trì nhưng cần phải thu hẹp mức độ lại. Hiện nay, một học sinh có thể được cộng ưu tiên tối đa tới 3,5 điểm thì sắp tới nên điều chỉnh chỉ là 1,5 .

Để các trường tự chủ áp dụng chính sách ưu tiên ?

Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng Bộ nên làm một khung quy định về điểm ưu tiên thống nhất nhưng nên tùy đặc điểm từng vùng miền, nhân lực địa phương, các trường sẽ sử dụng mức ưu tiên khác nhau. Chẳng hạn, có những trường ở vùng sâu vùng xa vẫn cần áp dụng mức ưu tiên này, nhưng có những trường đặc thù, có thể chỉ vận dụng phân nửa mức điểm. Cần để các trường phát huy sự tự chủ của mình hơn trong việc áp dụng chính sách ưu tiên tuyển sinh.
Tương tự, nhiều ý kiến đề xuất cộng điểm ưu tiên chỉ nên là quy định bắt buộc đối với các trường ĐH vùng, nơi có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực cho các vùng khó khăn. Còn lại, những trường tốp đầu thì nên được quyền tự chủ trong quá trình tuyển sinh. Căn cứ vào tình hình thực tế, các trường này có thể áp dụng chính sách ưu tiên hoặc hạn chế.
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết: “Bộ sẽ phân tích thực trạng về cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh và đưa ra các giải pháp trình Chính phủ xem xét”.

Ít nhất có 38 trường ĐH tuyển sinh đợt 2

Theo kết quả tổng hợp số liệu xét tuyển của Bộ GD-ĐT vào tối qua (25.8), hiện nay còn 38 trường ĐH vẫn tuyển thiếu chỉ tiêu nên cần tuyển bổ sung trong đợt 2 với tổng số khoảng 31.000 chỉ tiêu ĐH, 8.200 CĐ. Còn một số trường chưa tách được số liệu nên trên thực tế ước tính còn hàng chục ngàn chỉ tiêu ĐH, CĐ nữa được tuyển bổ sung trong đợt 2 này.
Cũng theo kết quả tổng hợp này, trong số 127 trường ĐH, CĐ đã gửi báo cáo về kết quả xét tuyển đợt 1 cho Bộ, mới có 41 trường đã tuyển đủ 100% chỉ tiêu.
Quý Hiên
Ưu ái cả trong đào tạo
Không chỉ ưu tiên về điểm số đầu vào, trong quá trình đào tạo các TS diện ưu tiên còn được ưu ái về thời gian học. Cụ thể, điều 6 Quy chế đào tạo ĐH và CĐ hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ của Bộ GD-ĐT ban hành năm 2007 ghi rõ, các đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên theo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy không bị hạn chế về thời gian tối đa để hoàn thành chương trình.
Tuy vậy, trong quy chế đào tạo riêng của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, các đối tượng này chỉ được kéo dài thêm 1 học kỳ so với sinh viên không được hưởng ưu tiên. Đại diện trường cho biết việc hạn chế thời gian đào tạo với sinh viên này là hợp lý vì nếu thời gian học tập quá dài, sinh viên sẽ quên đi kiến thức đã học thời gian đầu.
Đại diện Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng nói việc quản lý đào tạo nhiều sinh viên thuộc diện ưu tiên cũng khó khăn hơn.
Hà Ánh
Ý kiến:
3,5 điểm là quá nhiều
Với độ phân hóa mạnh của đề thi THPT quốc gia năm nay, khi TS giỏi cạnh tranh nhau từng 0,25 điểm thì mức điểm ưu tiên tối đa 3,5 điểm là quá nhiều. Vì vậy, nên chăng khoảng cách các mức điểm ưu tiên ở mức 0,25 thay vì 0,5 như hiện nay. Đặc biệt nên cân nhắc phân chia khu vực ưu tiên giữa các vùng miền cho hợp lý hơn.
Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ
(Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM)
Nên rút ngắn khoảng cách
Quy chế hiện nay quy định mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1 và giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5. Trong khi đó, điểm chuẩn năm nay tính chi li đến 0,25 điểm. Chưa kể có nhiều TS cùng điểm nên rất nhiều trường phải tính thêm cả tiêu chí phụ. Khoảng cách này tạo ra lợi thế khá lớn cho các TS được ưu tiên. TS tại khu vực 2 và 3 hiện nay không còn cách biệt quá nhiều. Vì vậy cần rút ngắn khoảng cách này lại.
Thạc sĩ Dương Tôn Thái Dương
Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM)
Cần khảo sát toàn diện về đối tượng ưu tiên
Với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, vẫn nên áp dụng chính sách ưu tiên cộng điểm trong tuyển sinh 2015. Tuy nhiên, năm nay điểm chuẩn tính đến 0,25 điểm vì vậy cũng là lúc cần có khảo sát toàn diện hơn về đối tượng ưu tiên và không ưu tiên để đưa ra những kết luận và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Trưởng phòng đào tạo một trường kinh tế tại TP.HCM

Theo Thanh Niên, tin gốc: http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/muc-diem-uu-tien-khong-con-phu-hop-601131.html