Bất cập trong tuyển sinh

Theo thống kê của VIPUA, từ khoảng 2 năm trở lại đây và nhất là trong mùa tuyển sinh năm 2012, việc tuyển sinh của các trường ngoài công lập cũng như một số trường công lập ở địa phương gặp nhiều khó khăn, hầu hết các trường đều không thực hiện được kế hoạch tuyển sinh.

Giáo sư Trần Hồng Quân cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình trên, trong đó nguyên nhân trực tiếp là vài năm gần đây chủ trương tuyển sinh gây trở ngại.

Theo đánh giá của VIPUA lý do chính khiến phần lớn các trường này không tuyển được sinh viên là do nguồn tuyển sinh đã thực sự cạn kiệt. Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH của VIPUA, nêu rõ rằng các chính sách đối với giáo dục ĐH hiện manh mún và chưa chặt chẽ, dẫn đến cơ chế xin - cho. Chính vì xin - cho nên tăng quy mô tuyển sinh của các trường công lập một cách bất hợp lý, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, bóp nghẹt nguồn tuyển của các trường trong hệ thống này.

 

Mức điểm sàn nào hợp lý với đại học ngoài công lập năm 2013


Cũng theo phân tích của VIPUA, từ năm 2012 Bộ đã cho phép các trường được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh nên tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường công lập đã đạt con số kỷ lục là 504.000, vượt tổng chỉ tiêu tuyển sinh của toàn ngành (cả công lẫn ngoài công lập) trước đó 3 năm là 502.000. Việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường công lập đã làm hẹp cửa tuyển sinh cho các trường ngoài công lập vì trường công sẽ vét hết thí sinh...

Một nguyên nhân khác là do điểm sàn của Bộ trong kỳ thi “ba chung” chưa hợp lý. Đó là chưa kể, để tuyển đủ thí sinh, các trường ĐH công lập trong đó có cả những trường thuộc tốp trên xác định điểm chuẩn vào trường sát với điểm sàn của Bộ.

 

Sẽ có các mức điểm sàn khác nhau?

Mặc dù Bộ GDĐT khẳng định không thể bỏ điểm sàn vì nó sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, nhưng dự định thay đổi cách tính điểm sàn của Bộ GDĐT đang là vấn đề nóng khi mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay bắt đầu. Bởi lẽ, “điểm sàn” đang bị nhiều trường ĐH, CĐ cho là rào cản lớn nhất để các trường có thể tuyển sinh đủ chỉ tiêu, duy trì sự tồn tại của nhà trường.

Khi bắt đầu thực hiện kỳ thi “3 chung” vào năm 2002 thì không có khái niệm điểm sàn. Vào thời điểm đó, các trường muốn xác định điểm trúng tuyển thì lại phải lên bộ báo cáo và chỉ khi được phê duyệt thì mới được công bố. Để xóa cơ chế “xin - cho” như vậy, năm 2004 Bộ GDĐT mới đưa ra điểm sàn để hiệu trưởng các trường chủ động công bố điểm trúng tuyển.

 

 


Bạn đọc có thể để lại ý kiến và câu hỏi về nội dung bài viết tại ô bên dưới!

Kenhtuyesinh

Theo: Lao Động - Thanh Niên