Một trường cao đẳng, ba cơ quan quản lý

Theo quyết định của Chính phủ, giáo dục nghề nghiệp sẽ thống nhất một cơ quan chủ quản là Bộ LĐTB&XH. Tức toàn bộ các trường CĐ và TCCN đang trực thuộc Bộ GD&ĐT từ năm 2017 sẽ về “đầu quân” tại Tổng cục dạy nghề. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT vẫn quản lý hệ thống các trường TC, CĐ và các khoa sư phạm. TS Vũ Hoài An, trường CĐ Hải Dương cho biết từ năm 2017, trường sẽ trực thuộc 2 bộ: Bộ GD&ĐT quản lý khoa sư phạm, Bộ LĐTB&XH quản lý tất cả các khoa còn lại.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, trước đây, mỗi tỉnh, thành phố đều có một trường CĐ sư phạm. Sau vì nhu cầu thực tế, các trường CĐ sư phạm chuyển lên đào tạo đa ngành.

Vì vậy, đến giờ, theo số liệu của Cục Nhà giáo và Quản lý cán bộ, Bộ GD&ĐT, cả nước còn 33 trường CĐ sư phạm. Các trường CĐ còn lại có khoa sư phạm sẽ trực thuộc hai Bộ. Không những thế, đây đều là trường CĐ địa phương nên còn trực thuộc UBND các tỉnh. Trong đó, hai Bộ quản lý chuyên môn, chương trình, UBND các tỉnh quản lý nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất. Như vậy, với các trường CĐ địa phương, trung cấp địa phương có khoa sư phạm thì từ năm 2017, các trường sẽ được 3 cơ quan quản lý. TS Vũ Hoài An cho rằng cũng không ảnh hưởng nhiều vì trước đây, trường cũng đã làm việc với Tổng cục dạy nghề. “Được hai “ông bố” quan tâm thì tốt quá.  Bây giờ quy định rồi, trường biết làm thế nào”,  TS An nói.

Lúng túng chuyển đổi chương trình

Theo một chuyên gia gắn bó với giáo dục, hiện nay các trường CĐ, TCCN đang trực thuộc Bộ GD&ĐT sẽ rất lúng túng về chuyển đổi chương trình đào tạo để phù hợp với chương trình khung của Bộ LĐTB&XH. “Ví dụ, quy định của Bộ GD&ĐT, chương trình khung môn chính trị ở bậc TCCN đối với những học sinh tốt nghiệp THCS là 75 tiết, tốt nghiệp THPT là 90 tiết còn quy định của Bộ LĐTB&XH ở bậc trung cấp nghề là 30 tiết. Đối với hệ CĐ, Bộ GD&ĐT quy định 15 đơn vị học trình, tương đương 225 tiết thì Bộ LĐTB&XH quy định là 90 tiết. Đi vào chi tiết môn học cũng sẽ thấy hai chương trình của hai Bộ khác nhau rất nhiều. Như môn vật liệu, CĐ nghề là kỹ thuật trộn bê tông, các mác bê tông. Còn CĐ thuộc Bộ GD&ĐT sẽ dạy  silicat là gì, xi măng là gì, kết cấu chịu ứng lực là gì…” – vị chuyên gia lấy ví dụ.

“Chương trình đào tạo hai bộ khác nhau. Chương trình của Bộ GD&ĐT số tiết học lý thuyết cao hơn thực hành. Sang bên Bộ LĐTB&XH  thì đảo ngược lại toàn bộ”.

Lãnh đạo một trường CĐ trên địa bàn Hà Nội

Đại diện lãnh đạo một trường CĐ trên địa bàn Hà Nội  thì cho rằng cái khó của các trường CĐ bây giờ là phải thay đổi toàn bộ, gần như “lột xác”. Chương trình đào tạo hai bộ khác nhau. Chương trình của Bộ GD&ĐT số tiết học lý thuyết cao hơn thực hành. Sang bên Bộ LĐTB&XH  thì đảo ngược lại toàn bộ. Thứ hai là chuẩn đội ngũ giáo viên, chuẩn cơ sở vật chất cũng khác nhau. Một loạt chứng chỉ cũng khác nhau.

“Giảng viên ở Bộ GD&ĐT thì yêu cầu chứng chỉ sư phạm, giờ sang Bộ LĐTB&XH thì yêu cầu chứng chỉ sư phạm nghề. Rất bất hợp lý vì các thầy cô vẫn đang giảng dạy bình thường. Lo nhất của các trường còn là thay đổi tư duy, định hướng thời gian tới. Trường tôi thời gian này đang họp rất nhiều để “thông tư tưởng cho toàn bộ cán bộ, giảng viên trong trường” – vị lãnh đạo này nói.

Còn theo TS Vũ Hoài An, CĐ Hải Dương thì trường hiện có rất nhiều khung chương trình, nên khả năng đáp ứng yêu cầu của Bộ LĐTB&XH rất cao. Có chương trình lên đến 183 đơn vị học trình, có chương trình 150 đơn vị học trình, có chương trình lại là 162 đơn vị học trình.

Lo dư thừa giáo viên

Theo phân tích của vị chuyên gia trên, từ sự vênh nhau về chương trình sẽ dẫn tới nguy cơ thừa giảng viên. Vị chuyên gia này cho hay, hệ thống các trường CĐ trực thuộc Bộ GD&ĐT còn đào tạo các môn khoa học cơ bản như Toán, Lý, Hóa, nhưng chương trình của Bộ LĐTB&XH không có, đội ngũ giảng viên này sẽ giải quyết như thế nào? Hiện có khoảng hơn 200 trường CĐ vậy số giảng viên dạy các môn này có thể dư đến hàng nghìn. Đó còn chưa kể với các môn trùng nhau nhưng thời lượng dạy khác nhau cũng ảnh hưởng đến số lượng đội ngũ giảng viên.

“Chương trình khung là xương sống của các đơn vị đào tạo nên nó liên quan đến tổ chức bộ máy, phòng ban, xưởng thí nghiệm… Đây là vấn đề có thể nhìn thấy ngay mà Bộ LĐTB&XH nói chung và Tổng cục dạy nghề cần giải quyết. Theo tôi, Bộ LĐTB&XH cũng như Tổng cục dạy nghề nên dàn xếp trên cơ sở chuẩn đầu ra chung. CĐ nghề thiếu cái gì thì bổ sung cái đó còn CĐ của bộ GD&ĐT thừa cái gì thì phải bớt, thiếu cái gì thì phải thêm” - vị chuyên gia này cho hay.

Chiều 23/11, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTB&XH cho biết Tổng cục đang hoàn thành dự thảo thông tư chuẩn đầu ra, phát triển chương trình chung thống nhất để giải quyết những khó khăn cho các trường CĐ, TCCN trong thời gian tới. Ông Minh cũng khẳng định sẽ không có chuyện thừa giáo viên nên các trường có thể yên tâm.


Theo Tiền phong