Thí sinh đăng ký dự thi như thế nào?

Bộ GD-ĐT cho biết, dự kiến việc đăng ký dự thi của kỳ thi quốc gia 2015 sẽ giống như các năm trước, chỉ bổ sung việc đăng ký môn thi nào, thi ở cụm nào, mục đích dự thi làm gì (chỉ để tuyển sinh, hoặc chỉ để xét tốt nghiệp THPT). Thời gian đăng ký dự thi là khoảng tháng 3-2015. Học sinh phổ thông sẽ đăng ký tại trường đại học. Thí sinh tự do đăng ký tại điểm do Sở GD-ĐT quy định, sau đó chuyển cho cụm thi và Bộ GD-ĐT.

Năm 2015, kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra vào các ngày từ 9 đến 12-6.

Bỏ khối thi truyền thống phải báo trước cho người học

Đề cập đến các môn thi trong tuyển sinh ĐH, CĐ, ông Trần Văn Nghĩa cho biết, Luật Giáo dục đại học và Nghị quyết 29 đã khẳng định quyền tự chủ tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học. Điều đó có nghĩa các trường ĐH, CĐ có quyền tự lựa chọn môn thi tuyển sinh của trường mình thay cho các môn thi theo khối mà Bộ quy định chung cho tất cả trường như trước đây.

Cách đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệpTHPT quốc gia năm 2015

Kỳ thi quốc gia 2015 sẽ có nhiều điểm mới. Ảnh: dantri.com.vn

Tuy nhiên, để không gây xáo trộn cho học sinh, bên cạnh việc đề xuất khối thi mới theo nguyên tắc nhất định, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường ĐH, CĐ duy trì khối thi truyền thống. Việc bỏ các khối thi truyền thống này của trường phải được thông báo công khai cho học sinh biết trước ít nhất 3 năm.

Mở rộng cụm thi liên tỉnh

Kế thừa ưu điểm của mô hình tổ chức cụm thi, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, Bộ GD-ĐT sẽ mở rộng các cụm thi liên tỉnh. Dự kiến, 2 tỉnh sẽ có một cụm và sẽ do trường đại học chủ trì. Các trường này đã có kinh nghiệm tổ chức thi cho hàng chục nghìn thí sinh, không xảy ra sai sót.

Vị trí các trường sẽ phải thuận tiện, đảm bảo quãng đường cho thí sinh rút ngắn hơn so với kỳ thi ĐH, CĐ năm 2014. Trường hợp đặc biệt, các trường chưa đủ điều kiện, Bộ Giáo dục sẽ điều động các trường ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đến hỗ trợ.

Riêng các vùng đặc biệt khó khăn thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, nhằm tạo thuận lợi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và dùng kết quả học tập để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ, nếu UBND tỉnh đề nghị, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tại tỉnh với mô hình tổ chức thống nhất trong toàn quốc.

Thí sinh thi tối đa 8 môn

Theo dự thảo quy chế thi, thí sinh phải làm 4 bài thi tối thiểu, phổ biến là 5-6 bài, cá biệt nhiều nhất là 8 bài. Trong đó, để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu), gồm 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.

Kết quả 4 môn này được sử dụng kết hợp với điểm trung bình cả năm lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cũng được sử dụng để tuyển sinh vào ngành phù hợp của các trường ĐH, CĐ (nếu trường sử dụng các môn này để tuyển sinh).

Ngoài ra, để có thêm cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn tự chọn khác. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ thi các môn phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ. Thí sinh không học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy học, được chọn môn thi thay thế trong số các môn tự chọn.

Chứng chỉ miễn thi ngoại ngữ sẽ được điểm 10 tốt nghiệp

Đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, việc miễn thi ngoại ngữ của thí sinh về cơ bản sẽ giống như năm 2014 và các năm trước. Khác biệt là thí sinh sẽ đăng ký môn thi nào, thi ở cụm thi nào, mục đích dự thi để xét tốt nghiệp, hay để làm cơ sở xét tuyển ĐH-CĐ, chỉ để tuyển sinh hoặc chỉ để xét tốt nghiệp. Các em có chứng chỉ ngoại ngữ được Bộ GD-ĐT công nhận được miễn thi tốt nghiệp môn này. Đặc biệt, chứng chỉ miễn thi ngoại ngữ sẽ được tính điểm khi xét tốt nghiệp THPT. Thí sinh nào muốn thi ĐH tại trường tổ chức thi môn ngoại ngữ vẫn phải dự thi môn ngoại ngữ. Với cách tổ chức môn thi như vậy thí sinh sẽ có nhiều cơ hội đăng ký tuyển sinh vào các khối, ngành của các trường ĐH-CĐ.

Các trường ĐH-CĐ cần chọn phương án thi phù hợp

Theo thông kê của Bộ GD-ĐT, tính đến nay, đại đa số các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh. Cụ thể, có 428 trường đại học, học viện, cao đẳng gửi thông tin tuyển sinh và đề án tự chủ tuyển sinh về Bộ GD-ĐT. Tất cả các trường này đều sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh, trong đó có 235 trường (135 đại học, học viện, trường đại học và 100 trường cao đẳng) chỉ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển; 192 trường (81 trường đại học, 111 trường cao đẳng) vừa sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia vừa sử dụng kết quả học tập ở THPT.

Đặc biệt, ĐHQG TP Hồ CHí Minh, các đại học vùng, các trường đại học trọng điểm, khối trường y, dược, công an, quân đội đều sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển.

Có một trường tốp trên có sơ tuyển như: Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương, xét tuyển bổ sung như Trường Luật TP Hồ Chí Minh và Học viện Báo chí Tuyên truyền xét tuyển dư ra sẽ có phỏng vấn hoặc bài viết năng lực. Trường Đại học Kiểm sát 85% điểm bài thi và 15% điểm phỏng vấn để xét tuyển. Để tránh lượng thí sinh ảo đăng ký vào các trường, Bộ GD-ĐT sẽ ứng dụng CNTT để quản trị dữ liệu của kỳ thi, nhất là khâu xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ và công khai dữ liệu để thí sinh và xã hội biết.

Theo Báo Quân đội nhân dân, tin gốc: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/kinh-te-xa-hoi/mot-so-thong-tin-moi-nhat-ve-ky-thi-thpt-quoc-gia-2015/335765.html