Còn nhiều băn khoăn về kỳ thi THPT quốc gia năm 2015

Dù đồng thuận với phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia mà Bộ GD-ĐT chính thức công bố nhưng nhiều người, đặc biệt là học sinh, giáo viên, vẫn còn nhiều băn khoăn mong muốn giải đáp sáng rõ.

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, khẳng định: “Tôi đồng thuận với phương án tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia của Bộ trong năm 2015 vì tính khả thi của nó và không làm xáo trộn quá lớn với học sinh. Tuy nhiên những gì Bộ công bố mới chỉ chốt trên những nét lớn. Thầy trò chúng tôi đang rất mong chờ những quy định cụ thể nhưng cũng rất quan trọng trong quy chế cho kỳ thi này”.

Có lấy kết quả năm trước để xét tuyển năm sau ?

Việc Bộ lựa chọn phương án thi theo môn là sáng suốt trong bối cảnh lộ trình thay đổi chương trình, sách giáo khoa chưa tiến hành thực hiện. Nhưng tôi vẫn có những áy náy.

Bộ phân thành 2 cụm thi riêng theo nhu cầu thí sinh nhưng làm thế nào yên tâm về chất lượng coi thi, chấm thi cụm thi chỉ để xét tốt nghiệp. Điều này rồi có tạo ra bất công khi nhiều thí sinh thi ở cụm thi xét tuyển ĐH lại rớt tốt nghiệp vì tính nghiêm ngặt.

Nhiều băn khoăn kỳ thi quốc gia

Dẫu biết rằng thí sinh phải đăng ký mục đích thi ngay từ đầu để Bộ xếp cụm thi nhưng nếu vì lý do nào đó, thí sinh có thể thay đổi mục đích thi thì Bộ xử lý thế nào? Cứng nhắc hay linh hoạt?

Theo lãnh đạo Bộ, năm nay có 2 loại cụm thi: Loại vừa tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH thì do trường ĐH làm chủ tịch hội đồng, giảng viên coi thi...; còn cụm thi chỉ xét tốt nghiệp THPT thì do sở GD-ĐT chịu trách nhiệm tổ chức. Ý tưởng đó đã khiến dư luận nghi ngờ một cụm sẽ rất nghiêm chỉnh còn cụm kia thì xem như... tháo khoán. “Như vậy là không công bằng với học sinh. Có thể xảy ra tình trạng dù học lực tốt hơn nhưng điểm tốt nghiệp của em thi ở cụm thi do trường ĐH chịu trách nhiệm tổ chức lại kém hơn bạn mình ở cụm thi địa phương”, ông Cương nhận định.

Chứng chỉ nào được miễn thi môn ngoại ngữ ?

Bộ cho phép những thí sinh học ngoại ngữ trong điều kiện không đảm bảo có thể thi môn thay thế. Vậy Bộ cần phải quy định rõ thế nào là “không đủ điều kiện”. Ai có quyền quyết định việc đó, cấp trường hay cấp sở?

Về việc “miễn thi ngoại ngữ cho những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định”, theo PGS Cương là rất dễ xảy ra tiêu cực bởi rất khó quyết định chứng chỉ nào đảm bảo chất lượng. “Ngoài một số chứng chỉ của nước ngoài được cả thế giới công nhận thì việc cấp chứng chỉ ngoại ngữ trong nước suốt cả thời gian dài vừa qua ai cũng biết nó “bát nháo” thế nào; chứng chỉ ngoại ngữ có thể mua được rất dễ dàng. Đó là chưa kể chúng ta quy định một số chứng chỉ cụ thể lại thành quảng cáo cho những trung tâm ngoại ngữ nào đó. Cái thuận lợi hoặc giản tiện không đáng là bao trong khi những nguy cơ phát sinh tiêu cực lại rất lớn”, ông Cương nhấn mạnh. “Bộ chỉ quy định những chứng chỉ được cả thế giới thừa nhận chứ không nên tràn lan việc miễn thi môn ngoại ngữ”, ông Cương hy vọng.

Băn khoăn một đề thi nhằm 2 mục đích

Thực tế hiện nay thi tốt nghiệp THPT môn văn, toán chỉ có 120 phút, đề thi tốt nghiệp THPT chỉ nhắm vào chương trình kiến thức lớp 12 trong khi đề thi ĐH hỏi cả những kiến thức của lớp 11. Vậy khi gộp 2 kỳ thi, Bộ phải công bố rõ kiến thức nằm trong chương trình lớp nào khi mà thời gian thi của các môn văn, toán sẽ là 180 phút?

Đề thi tốt nghiệp 2014 là giao thoa giữa chương trình cơ bản và nâng cao trong khi đề thi tuyển sinh ĐH chủ yếu nằm trong chương trình nâng cao. Hiện nay, nhiều  học sinh đang muốn biết cấu trúc đề thi “2 trong 1” có lượng kiến thức nâng cao và cơ bản là như thế nào.

E ngại các cuộc thi riêng của trường ĐH

Theo quy định, những trường ĐH nào tuyển sinh riêng thì phải có đề án và công bố phương thức tuyển sinh. Ông Cương đặt vấn đề liệu có xảy ra tình trạng 10 trường thì sẽ có 10 cuộc thi như thế, không khống chế số lượng thí sinh đăng ký dự thi trên toàn quốc thì học sinh lại lũ lượt thi hết trường nọ đến trường kia. “Thầy trò chúng tôi quan tâm đến việc những trường cam kết sử dụng kết quả của kỳ thi chung thì sẽ sử dụng kết quả đó như thế nào, mức độ ra sao?”, ông Cương đặt câu hỏi.

Ông Cương đề nghị Bộ bắt buộc những trường đã đăng ký lấy kết quả của một kỳ thi quốc gia phải lấy điểm của những môn mà trường có yêu cầu tuyển sinh của kỳ thi này nhưng có quyền tính hệ số 3 môn theo khối thi như hiện nay hoặc một vài môn nhất định. Bộ phải nghiêm cấm các trường này tổ chức riêng một môn thi nào đó trong số các môn đã có trong kỳ thi quốc gia. Vì như vậy là quá phiền hà, vất vả cho học sinh, tốn kém cho xã hội.

TNO, http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140911/mot-ky-thi-thpt-quoc-gia-co-thao-khoan-cum-thi-dia-phuong.aspx