Một tỉnh không nên có 2 loại cụm thi

Bộ GD-ĐT đã có buổi làm việc với ĐH Thái Nguyên - một trong những đơn vị dự kiến sẽ được giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức cụm thi một kỳ THPT quốc gia.

GS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên đề nghị: Do năm nay có 2 loại cụm thi nên ở địa phương nào đã tổ chức cụm thi do trường ĐH chủ trì thì không nên có cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì nữa, vì như vậy việc phối hợp sẽ không tốt do bị phân tán nguồn lực.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Mạnh Sơn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Thái Nguyên, cho hay toàn tỉnh hiện có hơn 2.200 giáo viên THPT có thể huy động để tham gia vào công tác coi thi và chấm thi cho một kỳ thi THPT. Việc có tổ chức cụm thi địa phương hay không còn phụ thuộc vào số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào tháng 3.2015. “Các năm trước có khoảng 20% học sinh chỉ thi tốt nghiệp THPT mà không tiếp tục tham dự các kỳ thi ĐH, CĐ”, ông Sơn thông tin.

Kỳ thi THPT chung 2015: Sẽ có 2 đợt xét tuyển đại học

Kỳ thi THPT chung 2015: Sẽ có 2 đợt xét tuyển đại học

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho rằng mọi quy định giữa cụm thi do địa phương và do trường ĐH chủ trì là giống nhau nên kết quả sẽ là một phép so sánh về tính nghiêm túc. “Địa phương nào không làm nghiêm thì kết quả chính là “lạy ông tôi ở bụi này”, ông Trinh nói.

Mỗi cụm thi không quá 50.000 thí sinh

Ông Trinh khẳng định chủ trương của Bộ là sẽ không để cụm thi nào quá đông, tối đa là 50.000 thí sinh nhưng số cụm thi như vậy cũng sẽ rất ít. Phổ biến mỗi cụm thi khoảng 40.000 thí sinh.

Về công tác chấm thi các môn tự luận, theo ông Phạm Văn Hùng, Trưởng ban Khảo thí và Đảm bảo chất lượng ĐH Thái Nguyên, dự kiến cũng sẽ rất căng. Ví dụ, môn văn trước đây chỉ chấm khoảng 6.000 bài mà bao giờ môn này cũng có kết quả muộn nhất thì nay tất cả thí sinh đều thi môn văn, số lượng sẽ lớn hơn gấp nhiều lần nên thời gian chấm bài thi là một thách thức không nhỏ. Trước băn khoăn này, ông Trinh lý giải các năm trước vì thi THPT rồi mới thi ĐH và kết thúc đợt thi cuối là ngày 16.7 thì nay chỉ còn một kỳ thi và kết thúc vào giữa tháng 6 nên có thêm 1 tháng nữa để tiến hành chấm bài thi tự luận, vì vậy sẽ không quá căng thẳng.

Có nhiều nguyện vọng xét tuyển

Ông Nông Quốc Chinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên), đề nghị Bộ nên quy định tối đa số nguyện vọng xét tuyển cho mỗi thí sinh.

Ông Mai Văn Trinh cho hay Bộ đang cân nhắc cụ thể vấn đề này để đưa vào quy chế thi. Tuy nhiên, chỉ có thể nói sẽ đảm bảo cao nhất quyền lợi của thí sinh. Ông Trinh cho rằng mỗi thí sinh sẽ có nhiều nguyện vọng để xét tuyển và ít nhất là có 2 đợt xét tuyển để thí sinh không bị mất cơ hội vào ĐH nếu đủ điều kiện xét tuyển.

>>Kỳ thi THPT quốc gia 2015: Trường đại học lo tăng thí sinh ảo

Xu hướng học sinh sẽ thi theo các môn khối D

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, các trường THPT ở Thái Nguyên đã nhanh chóng chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới. Trường THPT vùng cao Việt Bắc đã tạm lấy ý kiến của học sinh về chọn môn thi để lên phương án ôn tập cho học sinh. Có 160 học sinh lớp 12 cho biết sẽ thi thêm 3 môn tự chọn là lý, hóa, sinh; 110 học sinh sẽ thi thêm môn sử, địa; 30 học sinh đăng ký học nâng cao theo khối D.

Ông Trần Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Đại Từ, nói rằng với 3 môn thi bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ thì xu hướng của học sinh là sẽ chọn thi theo các môn khối D để xét tuyển vào ĐH. “Trường tôi có tới hơn 60% học sinh cho biết sẽ thi theo các môn khối D”, ông Hưng cho hay. Học sinh Vũ Thị Mỹ Hạnh, Trường THPT vùng cao Việt Bắc nói: “Điều chúng em lo nhất là môn tiếng Anh trở thành môn bắt buộc và sẽ phải tập trung rất nhiều cho môn học này trong kỳ thi tới”.

Nguồn thanh niên, http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140921/mot-ky-thi-quoc-gia-du-kien-co-2-dot-xet-tuyen.aspx