Nhận định của giáo viên về đề thi môn Toán THPT quốc gia  2016

Đề cơ bản, chính xác. Nội dung nằm trong chương trình sách giáo khoa chuẩn. Đề thi đúng cấu trúc Bộ GD-ĐT đã công bố, tương tự năm 2015.

Mức độ phân hóa: 6 + 1 + 1 + 1, trong đó 6đ đầu dễ và trung bình, để xét tốt nghiệp, 1đ tiếp theo có nâng lên mức khá. Hai điểm tiếp theo khó, nhằm phân hóa, 1đ cuối cùng rất khó, nhằm phân hóa mạnh.

Cụ thể:

Câu I.

1) Bài đơn giản về số phức, giống câu hỏi của các năm trước. Câu này gần giống hệt câu hỏi trong đề khảo sát của thành phố Hà Nội mà học sinh đã làm trước đó.

Bài này ngắn, thí sinh chỉ cần 1 đến 2 dòng là có kết quả: z = 3 – 2i, phần thực: 3, phần ảo: -2

2) Bài biến đổi logarit về cùng cơ số một cách nhẹ nhàng. Học sinh Hà Nội trước đó cũng được làm quen trong đề khảo sát. Câu này có thể dùng máy tính để kiểm tra kết quả.

Câu II.

Bài khảo sát hàm số trùng phương quen thuộc, số đẹp, gọn. Đại đa số học sinh làm được 1đ câu này.

Câu III.

Cực trị hàm bậc 3

Học sinh tìm điều kiện có cực trị rồi dùng hệ thức Viet. Câu này tương đương câu hỏi trong SGK. Học sinh trung bình cũng có thể giành 1đ. Đáp số: m < 3 và m = 3/2

(Nếu thiếu điều kiện có cực trị, học sinh có thể bị trừ đến 0,5đ).

Câu IV.

Tính tích phân bằng cách sử dụng bảng nguyên hàm và phương pháp đổi biến số.

Bài toán cơ bản, học sinh có thể dùng máy tính để kiểm tra đáp số. Hầu hết học sinh không gặp khó khăn ở câu này. Thậm chí có nhiều học sinh sẽ chọn làm trước để kiếm ngay 1đ.

Câu V. Hình giải tích trong không gian

+ Viết phương trình mặt phẳng có đủ điểm và véc tơ pháp tuyến, học sinh viết được ngay: x – y + 2z + 3 = 0

+ Tìm hình chiếu của điểm trên đường thẳng: Cũng là câu hỏi quen thuộc. Học sinh tìm giao tuyến của đường thẳng và mặt phẳng. Đáp số: H (0; 1; -1)

Câu VI.

1) Giải phương trình lượng giác dạng bậc 2: Đây là dạng bài không thể đơn giản hơn. Học sinh tìm được sinx = ½ suy ra x.

2) Câu tính xác suất: Đòi hỏi học sinh cần đọc và phân tích kĩ đề bài. Câu này nằm ở mục 7đ nên phân hóa nhẹ, có gây khó khăn cho khoảng 50% thí sinh. Học sinh cần liệt kê 8 bộ số có tổng bằng 10 và có xác suất là 8/720 = 1/90.

Câu VII. Hình học không gian

Mô hình: Hình lăng trụ xiên có chân đường cao quen thuộc, tuy nhiên cũng gây khó khăn cho một số học sinh ngay từ khâu vẽ hình.

Ý 1: Tính thể tích, học sinh không gặp khó khăn do các tính toán đơn giản.

Ý 2: Chứng minh vuông góc, đòi hỏi học sinh nắm vững kiến thức hình học không gian lớp 11. Ý này có đổi mới so với câu khoảng cách vài năm gần đây.

Câu VIII. Hình học phẳng

Đây là câu phân hóa. Học sinh cần vận dụng các kiến thức hình học phẳng để giải quyết. Tuy nhiên, câu này dễ hơn so với năm 2015. Đầu tiên, việc tìm điểm P rất dễ dàng, có ngay ¼ đ. Phần sau, học sinh tinh ý là tìm được ngay cách làm, thậm chí có vài cách, chẳng hạn, chứng minh P là trung điểm AC hoặc chứng minh M, N, T thẳng hàng (T là hình chiếu của A lên CD).

Đáp số: P(5/2;3/2), A(0;1), B(-1;4)

Câu IX.

Theo cấu trúc, đây cũng là câu phân hóa. Để giải phương trình, học sinh phân tích thành nhân tử, chia hai trường hợp. Ở trường hợp sau có gặp chút khó khăn, cần bình phương hai lần hoặc dùng đạo hàm chứng minh vô nghiệm.

Câu X.

Câu này phân hóa mạnh.

1. Học sinh dùng bất đẳng thức Cosi để tìm được GTLN của x + y là 7

2. Dùng kết quả câu 1) và đánh giá quy về một biểu thức t = x + y rồi dùng phương pháp hàm số để tìm được

m ≥ 148/3

Tóm lại, đề thi đáp ứng được các yêu cầu của đề thi THPT QG nhằm hai mục đích. Đề có sự phân hóa nhưng chưa thực sự mạnh. Dự đoán, phổ điểm chủ yếu rơi vào ngưỡng 6,5đ. Điểm 8, 9 và 9,5 nhiều hơn năm ngoái. Điểm 10 sẽ rất hiếm.

Đề thi toán có cấu trúc và khả năng phân loại cao

  • Thầy Đinh Hữu Lâm, Giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông):

Theo tôi, đề thi năm nay khá căn bản và nằm trong cấu trúc chương trình phổ thông. Đối với mức độ các em thi tốt nghiệp, các em có thể làm được câu 1, câu 2, câu 3, câu số 6 phần a.

Năm nay tôi đánh giá mức độ phân loại từ 6 điểm, 6,5 điểm lên 7 điểm có mức phân loại tốt hơn so với năm ngoái. Cấu trúc đề năm nay cũng có sự khác biệt so với năm ngoái một chút, nhìn đề có vẻ mới nhưng nội dung vẫn nằm trong khung kiến thúc của các em.

Câu cuối cùng khác hẳn mọi năm, có hai ý nên các em có thể không làm trọn vẹn được câu này nhưng vẫn làm được một ý nên được nửa điểm hoặc 0,25 điểm. Ý thứ hai của câu 10 tương đối khó, đòi hỏi các em phải có năng lực đặc biệt mới có thể làm được.

Câu tọa độ phẳng, mức độ điểm từ 7 lên 8 tôi cho là rất hay. Theo tôi, đối với đề thi tốt nghiệp năm nay, số lượng học sinh đạt từ 8 điểm trở lên sẽ nhiều hơn so với năm ngoái. Phổ điểm chung tôi cũng nghĩ là sẽ tương đối đẹp.

  • Cô giáo Hà Thị Mai Dung, Giáo viên Trường THPT Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội)

Đề thi năm nay có cấu trúc khác so với đề thi từ trước đến giờ, cụ thể từ trước đến giờ vẫn quen câu khảo sát là câu đầu tiên, năm nay khi mà nhận đề các cháu sẽ hơi bất ngờ một chút nhưng mà chỉ là bất ngờ ban đầu thôi, khi các cháu đọc về phần nội dung thì sẽ chắc chắn sẽ thấy cấu trúc mới này theo hướng tốt. Việc đưa những câu dễ ăn điểm lên trước sẽ giúp cho học sinh tránh bị điểm liệt.

Về nội dung của toàn đề, đề nằm hoàn toàn nằm trong chương trình, không có câu nào đánh đố học sinh. Cái hay nữa là nhìn đề rất cơ bản nhưng khi đi vào từng câu thì đỏi hỏi các cháu phải nắm kiến thức rất chắc, nắm sâu kiến thức thì mới không để bị mất những điểm nhỏ.

Theo tôi, về số lượng câu và độ khó trong từng câu thì thời gian làm bài thi 3 tiếng là hoàn toàn hợp lý. Ở những câu đơn giản các cháu hoàn toàn có thể làm tốt, ở các câu độ khó cao hơn đề cũng không hề dài. Dù câu phân loại điểm 9, 10 tương đối khó nhưng với những học sinh chuyên, năm nay điểm 9, 10 sẽ dễ đạt được.

  • Thầy Nguyễn Trọng Hiệp, Trường THPT Bắc Thăng Long (Hà Nội)

Xem qua đề thi môn Toán, tôi thấy mức độ phân loại đề năm nay tốt hơn năm trước, phù hợp theo từng mức cho các em từ tốt nghiệp đến các em thi đại học. Cách sắp đề của Bộ năm nay cũng thuận tiện hơn giúp cho các em chỉ đăng ký thi tốt nghiệp chống được điểm liệt.

Tất cả các câu trong đề đều nằm trong cấu trúc chương trình, các em chỉ thi tốt nghiệp có thể làm bài đạt đến mức 5-6 điểm. Các câu phân loại dành cho các em xét tuyển đại học cũng đều có trong chương trình và các em có thể làm đến câu 8, câu 9, câu cuối cùng của đề các em cũng có thể làm được ý thứ nhất.


Theo Dân trí,

(nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/mon-toan-se-hiem-diem-10-20160701121934912.htm,

http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/de-thi-toan-co-cau-truc-va-kha-nang-phan-loai-cao-20160701135157981.htm)


Xem thêm tin tức tuyển sinh, tuyển sinh 2016 tại kenhtuyensinh.vn