“Ngâm” bằng

Gần 600 SV (liên thông từ CĐ lên ĐH) của Trường ĐH Điện lực Hà Nội đã tốt nghiệp từ năm 2013, nhưng đến nay vẫn chưa được nhận bằng tốt nghiệp. Theo phản ánh của SV, chỉ nhận được giấy chứng nhận tốt nghiệp. Lý giải cho sự việc trên, ông Bùi Đức Hiển, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết: “Nguyên nhân chậm trễ là do trường tuyển vượt chỉ tiêu đầu vào, nên quá trình mua phôi bằng gặp khó khăn. Chúng tôi phải làm báo cáo, giải trình, đồng thời chịu kỷ luật với Bộ GD-ĐT mới mua được phôi bằng. Hiện chúng tôi đã có phôi bằng và đang liên hệ với SV để phát bằng”.

Mới đây, 150 SV (theo học hệ cử tuyển của 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Phước) của Trường ĐH Y Dược TPHCM, lẽ ra đúng ngày 30-12-2014 được nhận bằng tốt nghiệp nhưng… trường này không phát bằng. Lý do cơ sở đào tạo này không cho SV nhận bằng vì Sở Y tế của 2 tỉnh đã có công văn yêu cầu nhà trường bàn giao bằng tốt nghiệp cho sở. Trong khi đó, tại phía Nam có rất nhiều địa phương cử người đi học nhưng vẫn cho người học được nhận bằng. Trao đổi về hướng giải quyết cho sự việc trên, PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TPHCM, cho biết: “Chúng tôi đang tìm hướng giải quyết sao cho hợp tình hợp lý”.

Trong khi đó, nhiều SV ngành điều dưỡng (Trường ĐH Công nghiệp TPHCM tuyển sinh “chui” tại cơ sở Thanh Hóa) sau khi được Bộ GD-ĐT xử lý kín để chuyển giao về Trường CĐ Y tế Thanh Hóa,  SV đã tốt nghiệp từ tháng 8-2013 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bằng. Cùng chung cảnh ngộ, nhiều SV tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tốt nghiệp cả năm vẫn chưa nhận được bằng. Sau nhiều lần liên hệ, nhà trường lại ra thông báo yêu cầu SV làm đơn đề nghị cấp bằng.

Người học bị thiệt

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người học, Bộ GD-ĐT đã có thông tư quy định rõ việc cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học. Tại Điều 17 của Thông tư 33 (Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân) quy định điều kiện cấp văn bằng, chứng chỉ khi: Hoàn thành chương trình giáo dục theo cấp học và trình độ đào tạo theo quy định của Bộ GD-ĐT; không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tiếp đó, tại Điều 18 của Thông tư 33 quy định về thời hạn cấp văn bằng, chứng chỉ: Người có thẩm quyền có trách nhiệm cấp văn bằng cho người học chậm nhất là 60 ngày kể từ ngày xét tốt nghiệp trung học cơ sở, thi tốt nghiệp trung học phổ thông; chậm nhất 30 ngày kể từ ngày thi tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng; chậm nhất 30 ngày kể từ ngày thi tốt nghiệp, bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp đại học, bảo vệ luận văn thạc sĩ, bảo vệ luận án tiến sĩ.

Theo TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM: “Trước đây một năm chỉ xét tốt nghiệp 2 lần nhưng hiện nay đào tạo theo tín chỉ, nhiều trường đã xét tốt nghiệp đến 4 lần/năm. Vì vậy, nếu như SV đã hoàn tất việc học, hoàn tất đủ số tín chỉ quy định, không vướng các quy định nào… nhưng cơ sở đào tạo vẫn treo bằng từ 6 tháng đến 1 năm là điều khó hiểu”.

Trưởng phòng đào tạo tại một trường ĐH lớn ở TPHCM chia sẻ: “Việc các trường kéo dài thời hạn cấp bằng tốt nghiệp cho SV là không thể chấp nhận được. Trong Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học đều có quy định, đây là quyền của người học và đồng thời cơ sở đào tạo có trách nhiệm thực hiện việc này. Vì vậy, để tránh bị thiệt, trong trường hợp này SV phải liên hệ Bộ GD-ĐT để nhờ can thiệp”.

Các trường có thể đưa ra nhiều lý do để biện minh cho việc “ngâm” bằng của người học. Tuy nhiên, dù trong bất kỳ lý tình huống nào thì quyền lợi của người học vẫn là trên hết, phải được tôn trọng.

Theo Sài Gòn Giải Phóng, http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2015/1/373217/

Bằng tốt nghiệp, cử nhân