Những báo cáo “lạc quan”…

Tháng 10 - 2014, Bộ GD&ĐT có công văn yêu cầu các trường thực hiện công khai năm học 2014 - 2015. Công khai chất lượng giáo dục thực tế về tỷ lệ SV tốt nghiệp năm 2013 có việc làm. Quy chế thực hiện 3 công khai mà Bộ GD&ĐT triển khai từ năm 2009, cũng yêu cầu các trường ĐH, CĐ phải công bố trước xã hội về tỷ lệ SV có việc làm sau khi ra trường một năm.

Căn cứ trên những số liệu mà các trường đã thực hiện việc báo cáo, công khai về tỷ lệ người có việc làm sau tốt nghiệp, thì lại thấy rằng tình trạng “cử nhân thất nghiệp” chưa đến mức như dư luận lo ngại. Có thể thấy như sau:

Trên website của trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) hiện đưa số liệu về thực trạng việc làm của SV tốt nghiệp năm 2012 là 90,22%. Trong đó 55,7% có việc làm đúng và khá đúng với chuyên môn; 89,8% có việc làm trong vòng 6 tháng; 20,6% tiếp tục học cao học ngành đã được đào tạo.

Chênh lệch báo cáo tỉ lệ thất nghiệp trong báo cáo và thực tế

Mỗi dịp tổ chức ngày hội tuyển dụng, thu hút hàng nghìn lượt người đã tốt nghiệp ĐH, đến nộp đơn xin việc – nhưng có rất ít người trúng tuyển.

Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết, có khoảng 25% SV của trường có việc ngay sau khi tốt nghiệp, con số này sau 6 tháng tăng thành 80%. Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội đưa ra con số chung là trên 90% SV có việc làm sau khi ra trường. ĐH Sư phạm ĐH Thái Nguyên công bố con số 73% SV tốt nghiệp ĐH chính quy có việc làm sau 1 năm tại báo cáo hoàn thành tháng 11 - 2014.

Trường ĐH Luật TPHCM công bố số liệu khảo sát của 5 khóa học sinh gần đây nhất, cho thấy tỷ lệ SV tốt nghiệp hàng năm có việc làm là rất cao.

Khóa 28, 29 (khảo sát năm 2009) tỉ lệ 100%; khóa 30 (năm 2010) 95,91%; khóa 31 (năm 2011) 97,23%; khóa 32 (năm 2012) 94,5%; khóa 33 (năm 2013) 85,3%.

Trường ĐH Mở TP HCM trong báo cáo công khai ký ngày 4 – 12 - 2014, đối với khóa học 2009 (và 2008) - 2013 tỉ lệ SV tốt nghiệp có việc làm khá cao. Trong 16 ngành đào tạo chính quy của trường thì tỷ lệ có việc làm là từ 70 đến 96%.

Trường ĐH Lạc Hồng công bố tỉ lệ SV khóa 2009 – 2013 ra trường có việc làm của 18 ngành đào tạo ĐH là 100%. Đối với 4 ngành đào tạo thạc sĩ khóa 2012 – 2014 tỉ lệ cũng ở mức 100%.

Bên cạnh nhiều trường đã hoàn thành báo cáo công khai năm học 2014 – 2015, có lẽ tỷ lệ “lạc quan” từ 60% đến 100% SV tốt nghiệp có việc làm như trên thì trường ĐH Hà Tĩnh lại công bố tỷ lệ khá thấp, phần nhiều không đến 40%. Cụ thể, khóa SV 2010 – 2014 ngành SP Toán chỉ 33,5% có việc làm; SP Vật lý 20%; SP Hóa 24,1%; SP Tiếng Anh 63,2%; GD Chính trị 20,7%; GD Tiểu học 50,9%; GD Mầm non 32,8%; Công nghệ thông tin 38,5%; Quản trị kinh doanh 31,7%; Kế toán 31,7%;
Và thực tế…

Tình trạng SV ra trường không tìm được việc làm đang là vấn đề nan giải. Theo thống kê, trong 3 năm, từ năm 2009 đến 2012, có gần 400 nghìn SV CĐ và khoảng 500 nghìn SV ĐH tốt nghiệp các hệ đào tạo, trong đó đào tạo chính quy chiếm khoảng 65%. Tính đến cuối năm 2012, trong tổng số 984 nghìn người thất nghiệp có 55,4 nghìn người trình độ CĐ (5,6%) và 111,1 nghìn người có trình độ ĐH trở lên (11,3%). Riêng trong năm 2014, con số 174.000 SV tốt nghiệp ra trường, không kiếm được việc làm đã trở thành vấn đề vô cùng cấp bách, và được các ĐBQH đưa ra chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB&XH, tìm biện pháp tháo gỡ.

Thực tế cũng cho thấy, có nhiều cử nhân lăn lộn mãi chẳng kiếm được việc làm, đành cay đắng, giấu bằng ĐH, để xin đi làm công nhân. Trong nhiều mẫu thông báo tuyển dụng, nhiều DN cũng công khai nói rõ, không tuyển người có bằng ĐH, CĐ, thậm chí khi tuyển dụng, phát hiện những người dự tuyển có dấu vết “chai tay” cũng được xem là một dấu hiệu ưu tiên.

Tất cả những người được PV báo PL&XH hỏi về vấn đề kiếm việc làm sau khi ra trường đều chung quan điểm cho rằng, số liệu “lạc quan” về tỷ lệ kiếm được việc làm như các trường thông báo là… không chính xác.

“Tôi không biết trường điều tra như thế nào mà lại đưa ra con số về tỷ lệ SV có việc làm cao tới 90% như thế. Bản thân tôi, tốt nghiệp năm 2012 lớp tôi có khoảng 60 người, nhưng chỉ dăm ba người kiếm được việc làm theo đúng chuyên ngành đào tạo. Số còn lại có người đi làm ngành nghề khác, có người làm tiếp thị, lái taxi, buôn bán quần áo, nhiều người khác… chưa nơi nào nhận. Từ khi tốt nghiệp, tôi cũng như nhiều bạn cùng lớp không liên hệ lại với trường, cũng không thấy nhà trường liên hệ hỏi han, hay điều tra xem chúng tôi đã… có việc hay chưa, đi làm ở đâu? Chính vì thế tôi không tin tưởng vào số liệu mà nhà trường công bố về tỷ lệ người tốt nghiệp có việc làm” – anh Cao Văn Tuân, cựu SV ĐHKHXH&NV cho biết.

Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khách quan, xuất phát từ thực tế có nhiều SV ra trường không có việc làm, PGS. TS. Lê Kim Long, Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng: Nếu đào tạo ồ ạt, không theo quy hoạch, thì việc SV ra trường không kiếm được việc làm đúng chuyên ngành là chuyện đương nhiên.

Bản thân các trường phải có trách nhiệm chăm chút SV, lo lắng trang bị kiến thức đầy đủ cho họ, và cũng tính đến việc nhu cầu của xã hội như thế nào? Khả năng ra trường của SV kiếm được việc làm là bao nhiêu (thật chính xác) thì mới tính đến mở ngành và quy mô đào tạo. Nếu trường không “chăm chút” cho SV  được như thế, hoặc vô trách nhiệm thì khả năng thất nghiệp của SV rất cao.

Riêng trường ĐH GD của chúng tôi, mỗi năm chỉ tuyển sinh vài trăm SV cho toàn khóa. Số lượng ít như thế, nên chúng tôi cũng có điều kiện hơn trong việc trang bị kiến thức cho các SV. Bởi ít SV, nên mối liên kết giữa nhà trường và các em cũng rất chặt chẽ, kể cả sau khi tốt nghiệp, chỉ khoảng 1 đến 2% rơi vào trường hợp sau khi ra trường chúng tôi không có thông tin về họ. SV của chúng tôi ra trường có tỷ lệ tới 85% có việc làm sau ra trường 1 năm, số còn lại chậm hơn. Nhưng tỷ lệ này không mang tính phổ quát chung trên toàn quốc.” – PGS. TS. Lê Kim Long nói.

Từ thực tế PGS. TS. Lê Kim Long cũng cho rằng, tỷ lệ tốt nghiệp có việc làm phụ thuộc vào từng trường và cũng phục thuộc vào từng vùng miền. Có nơi dư thừa, nhưng cũng có nơi lại thiếu cử nhân. Ví dụ như khoa Nông Nghiệp của ĐH Sư phạm Vinh, hiện không đủ người để phân công, vì yêu cầu công việc phải đến những nơi rất xa. Cấp bách đến mức SV khoa này đi thực tập “bị” đơn vị giữ luôn lại làm nhân viên chính thức.

Do vậy, cơ quan yêu cầu báo cáo, cần phải chi tiết hơn nữa, phải ban hành những văn bản quy phạm hướng dẫn việc báo cáo như thế nào, phải những đòi h

Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình: “Bộ GD&ĐT cần yêu cầu cụ thể chi tiết hơn nữa”

Xung quanh câu chuyện mà các trường công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm với số liệu “lạc quan” như trên. Trao đổi với PV báo PL&XH, TS. Trịnh Hòa Bình (ảnh), chuyên gia nghiên cứu dư luận xã hội cho rằng: Con số đó không phản ánh đúng thực tế, mà các trường đang đối phó với Bộ GD&ĐT.

Bày tỏ quan điểm của mình, TS. Trịnh Hòa Bình cho rằng, rất có thể các trường vẽ ra con số đó, hoặc cách tính của họ là thống kê từ tất cả những người đã từng học ở trường họ, miễn là có việc làm mà không nhất thiết phải làm đúng chuyên ngành được đào tạo.

“Ở đây cần phải phân biệt rạch ròi, việc làm khác với nghề nghiệp. Việc làm là có thể làm bất cứ việc gì, miễn là pháp luật cho phép ví dụ như, lái xe, tiếp thị, cắt tóc… đều là việc làm. Nhưng nếu đã là nghề nghiệp thì khác, vì liên quan đến lĩnh vực được đào tạo, ví dụ được đào tạo Kế Toán nhưng phải cất bằng đi làm công nhân, đi tiếp thị, thì đó là việc làm chứ không phải là nghề nghiệp. Do vậy tôi không tin số liệu các trường báo cáo là chính xác.” – TS. Trịnh Hòa Bình nói.

Theo TS, ngoài việc báo cáo “lạc quan” để đối phó, thì rất có thể các trường cũng muốn “tô điểm” để có sức hút đối với khách hàng của họ, là các học sinh, sinh viên.ỏi rất cụ thể chi tiết. Bộ GD&ĐT cần có quy chế, quy phạm, quy chuẩn và có mẫu văn bản cụ thể. Chứ còn yêu cầu chung chung “phải báo cáo” thì họ cứ “báo cáo” theo cách của họ.


“Ai ra trường mà chẳng… có việc làm. Không có việc làm thì lấy gì mà nuôi bản thân. Vấn đề quan trọng là làm cái gì, làm có đúng ngành đúng nghề hay không. Việc các trường đưa ra con số đánh giá tỷ lệ người có việc làm cao, chắc chắn là thiếu khách quan, không phản ánh đúng thực tế. Do học viên sẽ nhìn vào số liệu để đánh giá lại chất lượng đào tạo của trường, nhu cầu xã hội, nên chẳng trường nào muốn một con số thấp. Họ phải sử dụng cách này hay cách khác để đẩy con số có việc làm tăng lên. Nhan nhản cử nhân hiện không có việc làm, phải đi làm những công việc có tính thời vụ như bán hàng, rải tờ rơi, tiếp thị… hoặc công nhân. Phải chăng, tốt nghiệp ĐH nằm dài ở nhà, hoặc làm thợ bơm vá xe đạp, hay chạy xe ôm mới là… thất nghiệp?” – TS. Trịnh Hòa Bình nói.

Lương Giang (trích ghi)

Pháp luật xã hội, http://phapluatxahoi.vn/giao-duc/mau-thuan-giua-bao-cao-va-thuc-te-86283

Cử nhân thất nghiệp, sinh viên tốt nghiệp