>> Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Dù còn đó những trở ngại của "đời áo cơm", dù vẫn còn những ánh mắt nghi ngại trước những câu chuyện liên quan đến đạo đức nhà giáo, song trên bục giảng ngày hôm nay, đa số các thầy, cô giáo đều miệt mài, đam mê với sự nghiệp trồng người để nâng bước cho các thế hệ học trò.

**Phó chủ tịch nước và lãnh đạo Tp.HCM chúc mừng các nhà giáo

Khát khao sáng tạo

Tâm sự về nghề nhân ngày 20/11, cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) bùi ngùi chia sẻ: "Chọn nghề từ trước tuổi 20, nhưng nghề lại cứ liên tục chọn và xét ta từng ngày và trong suốt cuộc đời. Hôm nay, chúng ta làm những việc chưa có kết quả ngay, nhưng từ tâm mình, chúng ta hướng về những gì tốt đẹp và ngọt lành nhất". Là người quản lý giáo dục, song cô Nhiếp vẫn tự nhận mình chưa là một nhà giáo mẫu mực. Cô luôn đau đáu phấn đấu và nỗ lực để làm gương và định hướng cho đồng nghiệp.

Bên cạnh xây dựng mô hình lớp chất lượng cao để nâng cao chất lượng giáo dục, 15 năm nay trường Phan Huy Chú luôn duy trì việc tôn vinh các thầy cô giáo được HS bình chọn. Phần thưởng vinh danh chỉ là bó hoa nhỏ của HS chúc mừng, một dải lụa thắm mang dòng chữ "Thầy cô được học sinh tin yêu" và giấy chứng nhận do Hiệu trưởng ký, nhưng thầy cô nào cũng mong đợi. "Điều ấy đã giúp các thầy cô nỗ lực hoàn thiện mình để trở nên mẫu mực trong mắt học trò" - cô Nhiếp tự hào cho biết.

Ngày nhà giáo Việt Nam

Học sinh trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) chúc mừng cô giáo Kim Anh nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Cũng vì mong ước được theo nghề sư phạm đã tiếp nối từ ông nội, bố và các bác trong dòng họ Nguyễn Lân mà 14 năm trước, Nguyễn Ngọc Lưu Ly đã chọn ngành Ngôn ngữ và Văn hóa tiếng Pháp, trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội). Và 18/11 mới đây, cô đã vinh dự được nhận Giấy chứng nhận chức danh PGS - nữ PGS trẻ nhất về tuổi đời (SN 1981). Phó Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ và Văn hóa tiếng Pháp Nguyễn Ngọc Lưu Ly cởi mở: "Mình cứ làm tốt, yêu nghề, cân bằng thời gian cho gia đình thì sẽ làm được nhiều việc hơn. Và con đường nghiên cứu khoa học sẽ đến tự nhiên như thế". Thế nên, 2 lần nghỉ sinh con là thời gian để Lưu Ly tận dụng đọc sách tích lũy thông tin làm nghiên cứu khoa học. "Tôi mong muốn sẽ nghiên cứu theo hướng liên ngành để kết quả phục vụ cho cuộc sống nhiều hơn. Giống như học đa ngành đang là hướng phổ biến, cho nên phương pháp giảng dạy của tôi cũng đổi mới, trau dồi kiến thức, hướng đến liên ngành để đáp ứng được nguyện vọng và nhu cầu của người học khi ra trường làm việc".

Yêu học trò như con

Nói đến hệ thống GDTX ở Hà Nội, nhiều người nhắc đến thầy giáo Hoàng Công Cường (Trung tâm GDTX quận Ba Đình). Dáng vẻ hơi "ngầu", nhưng thầy Cường luôn dành một ngăn trong trái tim cho những học trò yếu về học tập, chưa ngoan về đạo đức, lang thang, thiếu tình cảm gia đình... "Mình gọi các trò là con, coi như con cháu trong nhà, thì sẽ làm đầy đủ trách nhiệm. Còn nếu các con đang tuổi ăn, tuổi học mà mình lại ruồng bỏ đi bụi đời thì gia đình và xã hội phải gánh chịu". Với tâm niệm đó, học trò mỗi em một hoàn cảnh, nên thầy Cường thường xuyên gặp, tâm sự để hiểu và có cách cư xử phù hợp. Đồng lương giáo viên đã thấp, nhưng thầy giáo trẻ sẵn sàng bỏ tiền mua tặng học trò nghèo bộ sách giáo khoa, đỡ đầu hỗ trợ tiền học phí. Không phụ lòng thầy, năm học vừa rồi, Nguyễn Thị Thủy (27 tuổi, ở Phú Thọ), làm nghề giúp việc gia đình, được thầy Cường đỡ đầu, đã thi đỗ vào trường CĐ Y tế Hà Nội. "Thành công của các em, những dòng tin nhắn chúc mừng ngày 20/11 chính là phần thưởng vô giá đối với mình, là động lực để mình tiếp tục theo đuổi sự nghiệp " - thầy Cường tâm sự.

Nói về "giữ lửa" trên bục giảng, cô Nguyễn Thị Đào - giáo viên trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: "Nghề nghiệp giúp ta mưu sinh nhưng tâm huyết với nghề còn thể hiện trách nhiệm của giáo viên với học sinh, với phụ huynh và xã hội". Nhiều thầy cô giáo không chỉ mẫu mực trong nghề, mà còn là tấm gương sáng giữa đời thường. Xúc động nhất là hoàn cảnh của cô Từ Thị Bích Nga - giáo viên trường Tiểu học Quốc Oai A (huyện Quốc Oai): Chồng là thương binh, hơn 10 năm nằm viện điều trị; hai con đang tuổi ăn học… Khó khăn là vậy, song cô vẫn 10 năm liên tục là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, có nhiều sáng kiến cấp TP... Rất nhiều thầy cô không giấu, đã có lúc lung lay tinh thần vì "miếng cơm manh áo", nhưng nghĩ đến "nghiệp dĩ" đã chọn nên không hề hối hận. Nhiều người cho biết, nếu được lựa chọn lại họ vẫn không thể dứt nổi nghiệp đã theo bởi sức hút của phấn, bảng, của tình cảm học trò đã chiến thắng.

Theo tác giả Thủy Anh, KTĐT