Lượng sức nhờ phổ điểm

Đây được xem là kênh thông tin quan trọng để thí sinh “lượng sức” nộp hồ sơ và các trường có thể chuẩn bị các điều kiện tuyển sinh một cách thuận lợi nhất.

NGƯT.PGS.TS Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp: Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các khối thi có thể sẽ không bằng nhau

Việc công bố phổ điểm các môn thi của kỳ thi THPT quốc gia được xã hội rất đồng tình và ủng hộ.

Bởi vì, công bố phổ điểm các môn thi và phổ điểm các khối thi truyền thống giúp xã hội giám sát được chất lượng giáo dục, giúp các trường đại học, cao đẳng xác định điểm xét tuyển.

Quan trọng hơn, điều này giúp thí sinh dự đoán được vị trí điểm số của mình trong bối cảnh chung, để từ đó chọn ngành, chọn trường phù hợp.

Qua phổ điểm, khối D và D1 có điểm trung bình dưới 15, khối C có điểm trung bình xấp xỉ 15, các khối còn lại có điểm trung bình trên 15. Do vậy, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các khối thi có thể sẽ không bằng nhau.

Nhìn chung, phổ điểm thi THPT quốc gia năm nay khá đẹp, thuận lợi cho các trường xác định điểm xét tuyển và tuyển được thí sinh có năng lực phù hợp.

Theo đề xuất của một số phụ huynh, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét việc công bố cả phổ điểm chung toàn quốc lẫn phổ điểm riêng từng khu vực (có thể là phổ điểm của các cụm thi khu vực phía Bắc và các cụm thi khu vực phía Nam); công bố cả biểu đồ phổ điểm lẫn bảng dữ liệu của biểu đồ phổ điểm để thí sinh có thêm nhiều thông tin hơn.

Với các thí sinh, các em cần nắm chắc phổ điểm, tham khảo điểm trúng tuyển năm 2015 của các ngành, các trường mà mình yêu thích để quyết định chọn ngành, chọn trường cho phù hợp với điểm thi và sở trường của mình.

TS Kiều Xuân Thực - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội: Với phổ điểm, nhiều trường ĐH top trên có thể xét tuyển mà không cần tiêu chí phụ

Qua phổ điểm kỳ thi THPT quốc gia 2016 cụm thi trường đại học chủ trì năm 2016 có thể thấy:

Phổ điểm các khối nói chung trơn đều, có độ dốc sườn phải thấp, chứng tỏ đề thi có sự phân hóa tốt, rất thuận lợi cho các trường ĐH, đặc biệt là các trường top trên trong việc xác định điểm trúng tuyển để số thí sinh trúng tuyển phù hợp với chỉ tiêu đã công bố trước mà không phải sử dụng các tiêu chí phụ.

So với 2015, số lượng thí sinh điểm cao giảm nhiều, tổng số thí sinh dự thi cụm đại học chủ trì cũng giảm nhiều; trong khi tổng chỉ tiêu các trường tương đối ổn định.

Do đó, khả năng điểm trúng tuyển ở các ngành, các trường top trên (trung bình từ 7 điểm/môn trở lên) sẽ giảm nhiều; điểm trúng tuyển ở các ngành, các trường top giữa (trung bình 5 - 7 điểm/môn) sẽ ổn định hoặc giảm nhẹ so với 2015.

TS Trương Tiến Sỹ - Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngân Hàng: Phổ điểm có tính phân hóa rõ nét

Từ phổ điểm Bộ GD&ĐT vừa công bố cho thấy tính phân loại rất cao. Tôi dự báo điểm chuẩn các trường sẽ giảm, thậm chí có trường sẽ giảm sâu. Riêng ngưỡng điểm chuẩn đảm bảo đầu vào có thể sẽ bằng năm 2015 hoặc giảm 1 điểm.

Thực tế, tùy theo từng trường có số lượng thí sinh nộp vào nhiều hay ít, mức điểm chuẩn sẽ giảm theo. Tuy vậy, với số lượng thí sinh đạt ngưỡng điểm từ 5 - 6,25 khá lớn, nguồn tuyển ở phân khúc các trường top giữa sẽ nhiều. Nhưng sẽ là cuộc cạnh tranh lớn của các trường công lập và ngoài công lập. Bởi nhìn vào phổ điểm của các khối xét tuyển chính (A,A1, D, D1, C) ta thấy rõ điều đó, thí sinh mức điểm 14 - 15 điểm khá nhiều.

Trường top trên với mức điểm chuẩn từ 20 - 21 điểm trở lên sẽ không lo ngại vì thí sinh đạt điểm cao sẽ nộp hồ sơ vào.

So sánh tổng chỉ tiêu của các trường năm nay (hơn 420 ngàn) với số lượng thí sinh đạt mức ngưỡng điểm tham gia xét tuyển nguồn tuyển dù có giảm nhiều. Nhưng với quy định của Bộ GD&ĐT năm nay cho phép đợt xét tuyển sau điểm chuẩn xét tuyển không cần cao hơn đợt trước, tôi nghĩ cơ hội trúng tuyển của thí sinh vẫn là rất lớn.

Xét một cách toàn cục và tổng thể phổ điểm, số thí sinh đạt ngưỡng tham gia xét tuyển năm nay, tỉ lệ ảo sẽ có…. và tỉ lệ vượt trội các trường sẽ gọi (để giảm trừ ảo từ 5 - 10%) tổng chỉ tiêu thực tế sẽ phải trên 500.000 chứ không nằm ở con số trên 420.000. Trong khi đó nguồn tuyển của chúng ta khoảng trên 600.000. Dù theo tính toán cơ học nguồn tuyển đáp ứng so với chỉ tiêu, nhưng dự báo nhiều trường ĐH, kể cả công lập sẽ phải xét tuyển đợt 2.

Vì vậy, lời khuyên của tôi dành cho thí sinh là hết sức bình tĩnh và cân nhắc thật kỹ trước khi chọn trường và chọn ngành. Chỉ cần các em biết tính toán (xem điểm chuẩn năm trước), biết lượng sức mình và chọn ngành nghề yêu thích phù hợp với năng lực học tập, điểm số mình có, khả năng trúng tuyển vào trường công lập là rất lớn.

Ths Phạm Thái Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và Dịch vụ đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM: Nguồn tuyển các trường tốp giữa sẽ khá thoải mái

Nhìn vào phổ điểm của năm 2016, rõ ràng tính phân hóa cao hơn năm trước.

Do đó, việc xét theo khối xét tuyển truyền thống các trường nhóm Y - Dược sẽ không quá lo lắng, thậm chí việc xét tuyển phải dùng thêm điều kiện phụ.

Năm nay, số lượng thí sinh dự thi tại cụm do ĐH chủ trì giảm xuống, đồng thời chỉ tiêu tuyển sinh các trường ĐH đạt ngưỡng trên 420.000 sinh viên. Qua cộng dồn cơ học số lượng thí sinh đạt ngưỡng tổ hợp 3 môn truyền thống các khối A, A1, D, B, C đạt mức từ 15 điểm trở lên không quá cao so tổng chỉ tiêu của các trường. Nên chắc chắn không ít trường ngoài lập công phải thực hiện xét tuyển cả đợt 2 và đợt 3.

Thực tế, nhìn vào phổ điểm vừa công bố, thí sinh ở ngưỡng điểm 14 - 15 điểm chiếm phần lớn. Do đó các trường top giữa (công lập) sẽ khá thoải mái về nguồn tuyển. Riêng đối với các trường nhóm sức khỏe (thường xét điểm khối B) tôi nhận định sẽ có điểm chuẩn giảm hơn một chút so với năm 2015, đồng thời không cần dùng tiêu chí phụ để xác định trúng tuyển.

Các trường, các ngành có ngưỡng điểm chuẩn 22 - 24 điểm ở năm ngoái sẽ có xu hướng giảm. Mức điểm giảm có thể từ 1,5 điểm so với năm 2015. Các trường, các ngành có mức điểm chuẩn 17 - 20 điểm năm ngoái sẽ có thể giảm 1 điểm ở năm nay”, Ths Sơn, nhận định.

Căn cứ vào phổ điểm Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM dự kiến mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển các ngành mới như Cơ điện tử, Công nghệ vật liệu, Công nghệ may, Khoa học dinh dưỡng và ẩm thực, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành và các ngành Công nghệ chế tạo máy, Kỹ thuật điện - Điện tử ở mức điểm bằng “sàn” của Bộ GD&ĐT. Các ngành khác của trường sẽ có mức điểm trên “sàn” 1 điểm.

Dự báo điểm trúng tuyển vào trường năm 2016 sẽ ở ngưỡng từ “sàn” đến khoảng 19 - 20 điểm. Tùy theo ngành, với các ngành hệ CĐ ngưỡng điểm sẽ từ khoảng 10 - 15 điểm.

PGS. TS Nguyễn Phúc Chỉnh - Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên): Điểm sàn có thể bằng hoặc thấp hơn năm 2015

Qua thống kê phổ điểm của thí sinh thi tại các cụm thi đại học năm 2016 cho thấy: Nhìn chung phân bố điểm thi của năm 2016 thấp hơn so với năm 2015. Điều này cho thấy, đề thi đã đáp ứng được việc phân loại học sinh.

Theo phổ điểm này có thể dự đoán: Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) mà Bộ GD&ĐT đưa ra có thể bằng hoặc thấp hơn năm 2015.

Chắc chắn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của các ngành xét tuyển theo các tổ hợp có các môn Văn, Sử, Địa và Ngoại ngữ sẽ thấp hơn so với các ngành xét tuyển theo các tổ hợp của các môn Toán, Lý, Hóa.

Do quy chế tuyển sinh thay đổi, đối với các trường không xét tuyển theo nhóm, mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển ở 2 trường, mỗi trường được đăng ký 2 ngành và sau khi xét trúng tuyển thí sinh mới gửi phiếu điểm để xác nhận nhập học. Điều này sẽ dẫn tới số lượng trúng tuyển ảo. Đặc biệt đối với nhóm thí sinh có điểm cao (vì trúng tuyển ở tất cả các trường đăng ký).

Những thí sinh có tổng điểm 3 môn ở gần điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ sẽ gặp khó khăn trong xét tuyển đợt 1.

Với phổ điểm thi và những quy định mới trong công tác tuyển sinh năm nay, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên đã xác định giảm chỉ tiêu tuyển sinh ở tất cả các ngành đào tạo so với năm 2015 (từ 1750 xuống còn 1540). Dự kiến điểm trúng tuyển năm 2016 của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái nguyên không có nhiều thay đổi so với điểm trúng tuyển năm 2015.

Ths Nguyễn Hứa Duy Khang - Phó Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Cần Thơ: “Kênh thông tin quan trọng để thí sinh lượng sức”

Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm trong thời điểm hiện nay là rất kịp thời. Đây là kênh thông tin quan trọng để các thí sinh lượng sức mình, chuẩn bị nộp hồ sơ xét tuyển một cách thuận lợi nhất.

Từ phổ điểm được công bố, thí sinh nhìn vào và dự đoán để biết được khả năng trúng tuyển và biết được số thí sinh khác có cùng điểm với mình. Phổ điểm đóng vai trò rất quan trọng đối với thí sinh trong giai đoạn chuẩn bị nộp hồ sơ xét tuyển sắp tới. Em nào có sự nghiên cứu, cân nhắc kỹ sẽ đưa ra lựa chọn hợp lý và khả năng trúng tuyển sẽ cao hơn vì các em cạnh tranh vào trường ĐH bằng điểm số…

Khi thí sinh nộp hồ sơ với sự nghiên cứu kỹ lưỡng từ phổ điểm có được, nhà trường rất thuận lợi trong tuyển sinh. Theo từng ngành một, nhà trường sẽ nhận hồ sơ và tiến hành xét tuyển thí sinh theo mức điểm từ cao xuống thấp.

Đến nay, việc chuẩn bị cho công tác xét tuyển của trường ĐH Cần Thơ đã sẵn sàng. Do năm nay xét tuyển hồ sơ thí sinh ngoài nộp trực tiếp, trường còn nhận qua hình thức trực tuyến và qua bưu điện nên công tác chuẩn bị hết sức chu đáo từ nhân lực, vật lực, hạ tầng mạng, máy tính…

Trường tạo mọi điều kiện để thí sinh nộp hồ sơ một cách thuận lợi nhất. Nơi nhập hồ sơ xét tuyển đặt tại Nhà học B1 - Khu 2 của trường. Thông tin và hướng dẫn xét tuyển được nêu cụ thể trên trang web tuyển sinh của Trường ĐH Cần Thơ, thí sinh có thể vào xem để tham khảo thêm.

Thầy Nguyễn Văn Định - Hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp): Người ra đề “cân đo” khá tốt năng lực học sinh

Hầu hết điểm thi các môn phản ánh khá đầy đủ năng lực làm bài của học sinh và đều thực hiện khá tốt 2 mục tiêu lớn của Bộ GD&ĐT là mức độ cơ bản dành cho xét tốt nghiệp và có độ khó dần nhằm phân hóa học sinh phục vụ cho việc xét tuyển đại học 2016

Đa số bài thi có điểm dao động ở mức trung bình chứng tỏ người ra đề có sự “cân đo” khá tốt đối với năng lực của học sinh cả nước. Trong khi đó, số lượng bài thi đạt điểm tuyệt đối khá ít cũng chứng minh giá trị phân hóa cao của hầu hết đề thi.

Phổ điểm thể hiện sự kế thừa những ưu điểm của năm 2015 và có sự tiếp thu các ý kiến góp ý.

Môn Tiếng Anh, phổ điểm tương tự năm 2015. Phổ điểm các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Hóa học có biểu đồ khá đẹp, đỉnh nằm ở nhóm điểm trung bình (Ngữ văn, Địa lý - 5 điểm, Lịch sử - 3 và 5 điểm, Hóa học - 5.4 điểm), sự phân bố điểm tương đối phù hợp với việc đánh giá xếp loại ở các trường THPT.

Phổ điểm môn Toán và Vật lý có đỉnh ở nhóm điểm khá (6.25 và 6.6 điểm) nhưng phân bổ khá phù hợp và có lợi cho học sinh. Môn Sinh học thì ngược lại vì lệch đỉnh về nhóm điểm yếu (4.4 điểm) nhưng số lượng bài thi đạt điểm trung bình trở lên khá cao nên vẫn đảm bảo quyền lợi của đa số học sinh.(Hiếu Nguyễn ghi)

Thầy Mai Văn Sang - Giáo viên Trường THPT Trần Đại Nghĩa, huyện Tam Bình (Vĩnh Long): “Thể hiện rõ ưu điểm của Kỳ thi THPT quốc gia”

Phổ điểm các môn thi và phổ điểm các khối thi truyền thống A, A1, B, C, D, D1 của thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ đã thể hiện rõ ưu điểm của Kỳ thi THPT quốc gia. Qua đó cho thấy đề thi có tính phân hóa cao, rõ rệt và rất khoa học.

Kết quả cho thấy trừ các khối thi D, D1 có điểm trung bình dưới 15, khối C có điểm trung bình xấp xỉ 15, các khối thi còn lại đều có điểm trung bình trên 15. Đặc biệt là phổ điểm các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa lệch về phía điểm cao còn phổ điểm của môn Tiếng Anh lệch về phía điểm thấp. Các đường cong phổ điểm rất đều, không dốc... Từ phổ điểm “đẹp” này, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và các trường xác định điểm trúng tuyển phù hợp với chỉ tiêu và năng lực.

Việc công bố phổ điểm theo khối sẽ hỗ trợ thí sinh xét tuyển ĐH, CĐ rất thuận lợi. Các em không còn cảnh “lóng ngóng” không biết điểm của mình đang ở mức nào và có thể nộp vào trường nào như trước đây. Từ phổ điểm này, thí sinh có sự lựa chọn tối ưu nhất để nâng cao khả năng trúng tuyển từ khi xét tuyển đợt 1.

Theo phổ điểm, nếu thí sinh có mức điểm thi ĐH chỉ ở mức trên sàn hoặc nhỉnh hơn 15 điểm đôi chút, thì thí sinh nên cẩn thận trong việc chọn trường, chọn ngành. Thí sinh nên lựa chọn ngành nghề và trường thật kỹ lưỡng trước khi làm phiếu đăng ký xét tuyển. Thí sinh có điểm ở mức trung bình thì không nên “với cao”, nên lựa chọn các ngành có điểm chuẩn chỉ trên điểm sàn ĐH đôi chút hoặc những ngành hiếm, thiếu chỉ tiêu tuyển sinh…

Theo Giáo dục thời đại, nguồn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/luong-suc-nho-pho-diem-2096907-c.html