Băn khoăn thay đổi…

Không chỉ riêng thí sinh mà các trường đại học và Bộ GD&ĐT sẽ còn phải lựa chọn thay đổi trong vài năm tới.

Một kỳ thi THPT quốc gia (dự kiến tổ chức khoảng 20 cụm trong cả nước), lấy kết quả làm cơ sở xét tuyển tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học (ĐH) đã khởi động theo quyết định của Bộ GD&ĐT. Theo đó thí sinh sẽ phải thi bốn môn tối thiểu, gồm ba môn bắt buộc toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một trong năm môn tự chọn (vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý); thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn trong môn tự chọn để được tăng thêm cơ hội xét tuyển vào nhiều trường ĐH-CĐ… Tuy nhiên, từ quyết định này vẫn còn nhiều điều băn khoăn.

Đã từng có nhiều người đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì cho rằng “không nghiêm túc” khi tỉ lệ tốt nghiệp trên 90%, thậm chí gần 99%. Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ sau đó một tháng nghiêm túc hơn nhưng học sinh vẫn không thoát được “học tủ”, chất lượng đào tạo không cao do học sinh không được phân luồng sớm để định hướng nghề nghiệp...

Do chứng kiến quá nhiều “thay đổi, cải cách” nên nhiều người một lần nữa lo lắng, nghi ngờ. Không ít người cho rằng học sinh lại trở thành “chuột bạch”. GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng vẫn có “điểm yếu” trong tổ chức thi cử lần này. Học sinh vẫn có cách lách là thi tại địa phương nhưng có thể được xét tuyển ĐH, học sinh miền núi không cần thiết đi hàng trăm cây số để thi ở các cụm thi quốc gia…

Tuyển sinh đại học cao đẳng 2017 sẽ thay đổi như thế nào?

Tuyển sinh đại học cao đẳng 2017 sẽ thay đổi như thế nào?

Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng cách làm của Bộ GD&ĐT lần này đã tiệm cận với cách làm của các nước có nền giáo dục tiên tiến. Những thay đổi cơ bản hơn để đặt nền móng cho phương pháp công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH một cách hiện đại và lâu dài. Qua đối chiếu, chúng tôi thấy rằng phương pháp đang triển khai có nhiều đặc điểm tương đồng với đất nước có nền giáo dục phổ thông tốt nhất thế giới là Phần Lan...

Tuyển nhầm “thợ học”…

Nhiều chuyên gia cho rằng do ảnh hưởng của nền giáo dục từ đạo Khổng, từ giáo dục Pháp và cả giáo dục của Liên Xô (cũ) mà nền giáo dục Việt Nam luôn có các kỳ thi hết sức nặng nề, thậm chí là khốc liệt như Hàn Quốc, Nhật và Trung Quốc. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, khi vào “thế giới phẳng” với phương tiện, phương pháp giáo dục nhiều thay đổi căn bản, chẳng hạn giáo dục số phát triển mạnh, việc tổ chức thi cử nặng nề, dạy lý thuyết xa rời thực tế không còn phù hợp…

Trao đổi với chúng tôi, TS Nghiêm Thúy Hằng, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng: “Thi tốt nghiệp vẫn là cần thiết dẫu tỉ lệ đậu có lên đến 100%. Vấn đề lớn nhất của Việt Nam là không phân luồng tốt ở giai đoạn chuyển cấp từ THCS lên THPT để có định hướng đào tạo nghề đúng. Vấn đề lớn nữa là đề thi vào ĐH nhiều năm qua mới chỉ tốt ở khía cạnh phân loại đối với người chăm chỉ chứ chưa tốt trong việc đánh giá các năng lực thật sự về tư duy, về khả năng đóng góp cho cộng đồng của người học. Vì vậy đã để lọt lưới các “thợ học”, thi vào điểm cao, có thể tốt nghiệp bằng giỏi nhưng không có năng lực thật sự. Theo tôi, cách thi và tuyển sinh ĐH-CĐ khoa học, làm chính xác, toàn diện và công bằng thì theo cách của các nước Âu, Mỹ. Nhưng chắc cũng không dễ áp dụng do hệ thống giáo dục của Việt Nam chưa đồng bộ…”.

Lựa chọn nào sau kỳ thi năm 2017?

Các nước có nền giáo dục phát triển đều giao các đơn vị tổ chức chuyên nghiệp và hình thành cụm thi. Ở Phần Lan, kỳ thi được tổ chức tại các trường THPT và do một ban chuyên trách chịu trách nhiệm trên toàn quốc. Ở Mỹ, tùy theo từng bang mà học sinh phải thi tốt nghiệp hoặc không thi tốt nghiệp THPT. Nhưng để đủ điều kiện xét tuyển ĐH, học sinh phải hoàn thành chương trình THPT và phải đạt điểm kiểm tra tiêu chuẩn vào ĐH (Standard College Entrance Exams), gọi tắt là SAT và ACT. Việc tổ chức thi này do các công ty tư nhân đảm nhận nhưng có uy tín từ hàng chục, thậm chí hàng trăm năm nay...

Điều đặc biệt nhất của các nền giáo dục phát triển là tính nhân văn. Tất cả đều tạo điều kiện để học sinh mở rộng các cơ hội vào ĐH. Ở Phần Lan, thí sinh trượt một bài thi bắt buộc có thể thi lại hai lần trong vòng ba kỳ thi liền nhau, có thể thay đổi trình độ của bài thi. Ở Mỹ, các bang có tổ chức thi tốt nghiệp THPT đều cho phép học sinh được thi nhiều lần, trong nhiều năm. Ví dụ, ở bang California, học sinh có thể thi tốt nghiệp THPT đến tám lần trong thời gian ba năm…

Theo bộ trưởng GD&ĐT thì năm 2017 vẫn tiếp tục có những thay đổi căn bản. Nghĩa là sau khi lớp học sinh năm nay vào lớp 10 thi tốt nghiệp thì có những điều chỉnh cơ bản khác. Đây là vấn đề dư luận đang lo lắng nhất và đang đoán già đoán non. Đã xuất hiện hiện tượng “vượt rào”, đặt quy chế cao hơn quy trình tốt nghiệp THPT chung, có thể bắt buộc xã hội phải theo phương pháp cục bộ của họ. Chẳng hạn, ĐH Quốc gia Hà Nội đề nghị Bộ duyệt thi với bài thi đánh giá năng lực để dùng chung cho một số trường thành viên và thậm chí đề nghị cho một số Sở GD&ĐT lấy kết quả thi này (thi hai lần trong năm) để xét tốt nghiệp THPT; còn ĐH Quốc gia TP.HCM có ý định ưu tiên học sinh từ các trường chuyên uy tín mà không giải thích rõ tiêu chí nào là “chuyên uy tín”…

Ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD&ĐT, cho rằng: “Những vấn đề mà Pháp Luật TP.HCM đặt ra là những việc mà Bộ sẽ phải thống nhất, chốt lại để đưa vào quy chế tới đây nên không thể trả lời hôm nay rồi hôm sau lại thay đổi được…”.

Các trường phải công bố đề án tuyển sinh riêng

Theo quy định, trước ngày 15-10, các ĐH-CĐ phải công bố phương án tuyển sinh riêng của năm 2015. Ngày 3-10, Bộ GD&ĐTchính thức công bố đề án tuyển sinh riêng để xin ý kiến người dân của ba trường ĐH gồm: Trường ĐH Trưng Vương, Trường ĐH Nguyễn Trãi, Trường ĐH Đông Đô.

Trao đổi với báo chí, những người có trách nhiệm của các trường hàng đầu đã thông tin cơ bản phương án tuyển sinh riêng nhưng chưa được công bố chính thức. Đáng chú ý:

Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội - ông Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ trình Bộ GD&ĐT phương án thi chung với bài thi đánh giá năng lực; sẽ kiến nghị Bộ cho phép một nhóm trường tự thỏa thuận dùng chung kết quả để xét tuyển, đồng thời cho phép một số sở GD&ĐT dùng bài thi này để xét tốt nghiệp THPT. Kỳ thi này sẽ được tổ chức hai lần/năm, vào tháng 4 và tháng 8-2015.

Tại ĐH Quốc gia TP.HCM, đề án tuyển sinh riêng từ năm 2015 sẽ căn cứ vào năm yếu tố gồm: Kết quả kỳ thi THPT quốc gia; điểm trung bình năm học kỳ THPT; điểm môn tự chọn; điểm hoạt động xã hội, kỳ thi khoa học kỹ thuật và văn hóa thể thao… cấp tỉnh, thành trở lên; điểm ưu tiên theo quy chế. PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH này, cho biết: “ĐH Quốc gia TP.HCM dự kiến sẽ ưu tiên xét tuyển thí sinh các trường THPT chuyên tốp đầu trong phạm vi cả nước”.

ĐH Luật TP.HCM: TS Trần Phú Vinh - Phó Trưởng phòng Đào tạo cho biết nhiều khả năng sẽ chọn phương án xét tuyển khi các thí sinh đã có điểm thi kỳ thi quốc gia trên các tiêu chí: Tiêu chí 1 là tổng điểm trung bình của ba môn thuộc khối xét tuyển ở sáu học kỳ THPT, có nhân hệ số hai đối với môn toán (khối A), Anh văn (khối A1), sử (khối C), Anh văn (khối D1), Pháp văn (khối D3) và Nhật văn (khối D6). Tiêu chí 2 là xét tổng điểm trung bình của ba môn thi của kỳ thi quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức có nhân hệ số hai đối với môn toán (khối A), Anh văn (khối A1 và khối D1), Pháp văn (khối D3), Nhật văn (khối D6) và sử (khối C). Trong đó, tiêu chí 1 chiếm tỉ trọng 30% và tiêu chí 2 chiếm tỉ trọng 70% trong quá trình xét tuyển…

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM: PGS-TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng cho biết đề án tuyển sinh riêng năm 2015 đề xuất nhiều điểm khác biệt. Học sinh các trường chuyên có kết quả học tập đạt từ 7 điểm trở lên đề nghị được tuyển thẳng. Tuyển sinh trên cơ sở ba môn toán, ngữ văn và tiếng Anh; học sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi SAT (mức độ cấp vừa của các ĐH Mỹ) và thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (IELTS, TOEIC) được miễn thi môn ngoại ngữ. Ngoài ra, một số ngành sẽ có khoảng 30% xét tuyển dựa trên kết quả học bạ THPT.

Tại Trường ĐH Nam Cần Thơ, quyền Hiệu trưởng - GS-TS Võ Tòng Xuân dự kiến tuyển sinh của trường năm 2015 sẽ có sự kết hợp giữa kết quả của kỳ thi quốc gia và viết bài luận (thí sinh sẽ thực hiện sau khi nộp hồ sơ). Mỗi ngành xét tối thiểu ba môn thi, trong đó môn tiếng Anh là bắt buộc. Ngoài ra có thể có ngành xét bốn hoặc năm môn với điểm các môn là như nhau…

PLO, http://plo.vn/tot-nghiep-tuyen-sinh/lua-chon-nao-sau-ky-thi-quoc-gia-500432.html