Lớp học với cô giáo “nhiều vai”: Dạy chữ, bảo mẫu, mẹ hiền

Cô Nguyễn Thị Liên hướng dẫn cho học trò tập tôCô Nguyễn Thị Liên hướng dẫn cho học trò tập tô
GD&TĐ - Hơn 4 năm qua, tại Trường Tiểu học Nghi Tân (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) có một lớp học “đặc biệt”. Ở đó có cô giáo và 13 học trò – những em khuyết tật, chậm phát triển, thiểu năng trí tuệ...

Ngày ngày, cô giáo chủ nhiệm cần mẫn dạy những đứa trẻ “không bao giờ lớn” những kỹ năng cơ bản nhất trong sinh hoạt, làm quen với từng con số, chữ cái…

Mong những học sinh đặc biệt có lớp, có trường, có thầy cô…

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Minh chia sẻ: “Vào giữa năm học 2011 - 2012, Trường Tiểu học Nghi Tân quyết định mở 1 lớp học tình thương dành cho trẻ em khuyết tật, chậm phát triển, thiểu năng… và hoàn toàn miễn phí.

Mục đích để các em được đến lớp, đến trường, có bạn bè, có thầy cô giáo như những bạn khác, đưa đến sự thay đổi tích cực về trí tuệ, thể chất cho các em; đồng thời, cũng giải tỏa tâm lý cho phụ huynh các em”.

Tuy nhiên, với một trường học dành cho những đứa trẻ bình thường, chứ không phải là trường chuyên biệt, việc tìm giáo viên, soạn giáo án, đưa ra lộ trình, phương pháp giảng dạy cho các em khuyết tật rất khó khăn.

Giáo viên đứng lớp, phải trải qua khóa đào tạo giáo dục đặc biệt, có tâm huyết, chịu khó và cả dũng cảm nữa để có thể đối mặt với những “tai nạn nghề nghiệp”, tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

Sau khi có kế hoạch thành lập lớp học tình thương cho trẻ em khuyết tật, Trường Tiểu học Nghi Tân đã dành 1 phòng học, và cử cô giáo Nguyễn Thị Liên - một giáo viên có kinh nghiệm và từng dạy tại lớp giáo dục đặc biệt của thị xã Cửa Lò - đứng lớp chủ nhiệm.

Những ngày đầu vô cùng gian nan vất vả, được thầy hiệu trưởng giao trọng trách, cô Liên thống kê danh sách những gia đình có con, em khuyết tật, để vận động, thuyết phục bố mẹ cho các em đến trường.

Có phụ huynh đồng tình, nhưng hầu hết đều tỏ ra e dè. Bởi con cái họ không có những kỹ năng tối thiểu nhất, tâm sinh lý bất thường. “Ở nhà bố mẹ, ông bà tập trung vào chăm sóc, để mắt trông chừng mà vẫn không quản nổi, thì một mình cô giáo làm răng dạy được cháu. Như rứa thì vất vả, mà tội cho cô quá”, bố mẹ các em nói với tôi như vậy”, cô Liên kể.

Sau thời gian vận động, thuyết phục, nhiều phụ huynh đã đồng ý cho con mình đến lớp để “học thử”. Lớp học bắt đầu với 13 em. Sỹ số lớp duy trì như thế suốt 4 năm qua, một số em biết đọc, biết viết và nhiều tuổi đã “tốt nghiệp”, thì một số em khác lại chuyển vào.

“Những học sinh đặc biệt của chúng tôi em mắc chứng câm điếc, em thiểu năng trí tuệ, em thì mắc chứng tự kỷ… Chúng tôi không đặt nặng vấn đề thành tích học tập mà chủ yếu dạy cho các em kỹ năng sống, để các em có thể giao tiếp tối thiểu với xã hội” - Cô Liên chia sẻ.

Cô giáo - Bảo mẫu, mẹ hiền


“Mỗi ngày đến lớp, cho dù vất vả, mệt nhọc, cho dù có hôm chạy long cả chân tìm học trò, hay đôi khi cũng len trong tâm trí cảm giác bất lực, nhưng tôi luôn tâm niệm dạy những học trò đặc biệt là dạy bằng tình yêu thương, bằng cái tâm, nếu không thì không thể nào trụ nổi.

Các em vốn đã chịu số phận thiệt thòi, nhiều em hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, mong từ lớp học này, các em có thể hòa nhập, xây dựng cuộc sống”.

Cô giáo Nguyễn Thị Liên
Nhớ lại ngày đầu đứng lớp, cô Nguyễn Thị Liên xoay như chong chóng giữa hơn chục học trò, mỗi em một tính cách, chạy lung tung trong lớp, chạy cả sang lớp bên cạnh, ngồi gặm bút, nghịch móng tay… và có một điểm chung là: Chả học sinh nào thèm nghe cô nói!

Các em cũng không phân biệt giờ học, giờ chơi, cứ cô vào lớp, thì trò theo vào, cô ra khỏi lớp, trò cũng ra theo. Có em chưa biết những kỹ năng tối thiểu như vệ sinh cá nhân, cô Liên lại phải kiêm thêm chức danh “bảo mẫu”.

Có những em sau khi tan học không chịu về nhà mà lang thang, rồi về nhà ông bà nội. Trưa 12 giờ bố mẹ không thấy con đi học về, gọi điện hỏi cô giáo.

Thế là cả cô, cả phụ huynh hốt hoảng đi tìm. Lại có em sáng sớm sắp xếp sách vở đi học, nhưng lại không đến lớp, mà giữa đường chạy lên đồi chơi, cô giáo lại phải hỏi thăm rồi đi tìm khắp nơi, mới thấy em đang ngồi trốn dưới gốc cây.

Cô Liên lưu số điện thoại của các phụ huynh để thường xuyên liên lạc. Mỗi lần có thông báo gì, cô lại ghi vào mảnh giấy, dặn dò các em về đưa cho bố mẹ, nhưng sau đó vẫn phải gọi điện để xác minh xem các em có truyền đạt đúng những gì cô dặn hay không.

Ngày từng ngày, cô nhẹ nhàng dỗ dành các em, dạy đi dạy lại những việc đơn giản nhất từ: Chào thầy, chào cô, xin phép cô ra ngoài, rửa tay chân… đến dạy số, dạy chữ. Phải thực sự rất kiên nhẫn bởi các em học trước quên sau và không bao giờ tập trung được lâu.

Em Nguyễn Đình Phúc (10 tuổi), ở xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc là thành viên nhỏ tuổi nhất lớp. Em mới được bố mẹ xin cho vào học tại Trường Tiểu học Nghi Tân sau thời gian học tại nhà không tiến bộ.

Tham gia lớp học tình thương này một thời gian, em đã biết được chữ cái, con số, và đang tập đánh vần. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại ở cách xa trường hơn 20 km, bố mẹ Phúc lại phải đi làm sớm. Thế là hằng ngày, bố mẹ Phúc lại chở em đến nhà cô Liên để cô đưa đi học, cuối buổi lại đến nhà cô đón về.

Nảy mầm hạnh phúc

Bây giờ, có những em khá thì đã biết viết, biết đánh vần và tính toán cộng trừ trong phạm vi 10. Những em còn lại thì tập tô, tập nhớ con số. Các em đã biết ngồi yên trong giờ học, nhớ hết các thành viên trong lớp, mỗi khi có ai nghỉ học là hỏi cô giáo tại sao bạn không đi học, bạn có bị ốm không?

Để khuyến khích các em, cô giáo bao giờ cũng cho điểm 9, điểm 10. “Nếu cho điểm thấp, các em sẽ thấy chán, và không chịu đi học nữa. Thỉnh thoảng, cô giáo lại mua kẹo, vở, bút, thước kẻ hoặc đồ chơi làm phần thưởng cho các em, để tạo niềm vui, khuyến khích các em đến lớp”, cô Liên chia sẻ.

Các bậc phụ huynh cũng rất phấn khởi với những chuyển biến tuy chậm nhưng tích cực ở con em mình. Em Phùng Thị Hằng năm nay 19 tuổi, theo lớp học tình thương này đã 4 năm. Sau giờ học trên lớp, về nhà em đã biết giúp bố mẹ việc nhà, dọn dẹp, giặt giũ quần áo.

“Cháu nó thích đi học lắm, gia đình tôi thực sự rất cảm ơn nhà trường đã giúp đỡ các em khuyết tật như cháu”, chị Hoàng Thị Phan, mẹ em Hằng xúc động nói.

Còn chị Võ Thị Giang - mẹ của em Sơn Trung Kha (13 tuổi) - xúc động tâm sự: Tôi cho cháu đi học tại lớp học đặc biệt của Trường Tiểu học Nghi Tân đã được 2 năm nay. Con bị tự kỷ, rất bướng bỉnh, không chịu nghe lời ai cả. Cả bố mẹ, ông bà tập trung hết sức để dạy bảo cháu mà chỉ biết “đầu hàng”.

Sau 2 năm đi học, bây giờ, cháu đã biết hết bảng chữ cái, các con số, học đánh vần, nhớ được số điện thoại của bố mẹ. Cháu có nhận thức hơn, sáng dậy sớm đi học, thích giao tiếp hòa nhập với mọi người.

Năm ngoái, tôi đưa đón cháu đi học, nhưng năm nay cháu đã có thể tự đến trường bằng xe đạp. Gia đình tôi thực sự rất vui mừng, cảm ơn cô Liên, và Trường Tiểu học Nghi Tân rất nhiều đã tận tình dạy bảo cháu.


Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VI, kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, bắt đầu từ 3/4/2015 đến ngày 28/8/2015, báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Thi đua Khen thưởng, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) mở chuyên mục "Gương sáng, việc hay ngành Giáo dục".

Chuyên mục nhằm giới thiệu, tôn vinh các tấm gương người tốt, việc tốt trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên; những điển hình tiên tiến xuất sắc tại các cơ sở giáo dục... 
 
Sau khi đăng tải trên các ấn phẩm của báo Giáo dục và Thời đại, những tấm gương, những bài báo xuất sắc nhất sẽ được tuyển chọn vào tuyển tập sách do báo Giáo dục và Thời đại phát hành. Ban Biên tập mong muốn nhận được bài viết của các nhà báo, cộng tác viên cùng đông đảo bạn đọc. 
 
Bài, ảnh tham gia chuyên mục xin gửi về địa chỉ: [email protected]; hoặc: Báo Giáo dục và Thời đại, 29B Ngô Quyền, Hà Nội.

Kênh tuyển sinh (Theo Giaoducthoidai.vn)