Lớp học Harvard trên đất ViệtThành viên ban tổ chức HVIET (trái) phỏng vấn sinh viên Harvard có nguyện vọng tham gia giảng dạy tại chương trình - Ảnh: HVIET cung cấp

Tự do trong học thuật

Từng tham gia những trại hè tại Trung Quốc và Nhật Bản, hai sinh viên ĐH Harvard là Lê Nguyên Quỳnh Như (sinh tại VN, định cư ở Mỹ) và Ngụy Hồng Hạnh Nga (ở Hà Nội) cùng trăn trở: “Tại sao mình không tổ chức chương trình như thế cho học sinh VN?”.
Trong một lần tình cờ đi uống trà, đôi bạn này đã bàn bạc và lên quyết tâm thực hiện ước mơ trên. Ý tưởng của Như và Nga nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Hội Sinh viên VN tại ĐH Harvard. Với vai trò đồng sáng lập và trưởng ban tổ chức trại hè HVIET, Lê Nguyên Quỳnh Như khẳng định: “Chúng tôi muốn cho mọi người ở Harvard - những con người tài giỏi trên thế giới - thấy được tiềm năng của VN. HVIET đã ra đời như vậy đấy”.
Đại diện ban tổ chức cho biết, HVIET là cách viết tắt của Harvard - Vietnam. Đây là trại hè đầu tiên theo mô hình lớp học của Harvard và chuẩn ĐH Mỹ, mang nền giáo dục khai phóng (Liberal Arts Education) đến với học sinh THPT tại VN. Hạnh Nga giải thích: “Giáo dục khai phóng hướng đến sự tự do trong học thuật, giúp người học có một sự hiểu biết toàn diện. Triết lý này nhằm tạo cho người học một nền tảng kiến thức, kỹ năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau để có thể được áp dụng trong mọi ngành nghề”.
Theo mô hình này, những bạn trẻ VN có cơ hội trải nghiệm cuộc sống ĐH Mỹ, tiếp xúc với những chuyên gia và sinh viên đến từ Harvard và được truyền cảm hứng. Bên cạnh đó, chương trình sẽ trang bị tư duy phản biện, phân tích, khả năng sáng tạo và thế giới quan hiện đại cho học sinh. Mặt khác, từ việc quảng bá tiềm năng của đất nước VN, ban tổ chức mong muốn sẽ thu hút sinh viên từ những trường ĐH hàng đầu thế giới đến đây lập nghiệp và thiết lập mối quan hệ lâu dài với VN.

Nói không với thụ động

Chia sẻ với PV Thanh Niên, Ngụy Hồng Hạnh Nga, đồng sáng lập chương trình, hào hứng thông tin: “Từ tháng 12.2015 đến nay, chúng tôi tiến hành tuyển chọn ứng viên. Dự kiến, sẽ có khoảng 75 - 80 học sinh trên cả nước tham gia”. Hạnh Nga bật mí, tiếng Anh là một trong những tiêu chí để tuyển chọn ứng viên. Tuy nhiên, quan trọng nhất chính là sự nhận thức về cuộc sống và có chí cầu tiến.
Theo Hạnh Nga, những sinh viên và cựu sinh viên Harvard đến VN tham gia giảng dạy, chia sẻ trong trại hè lần này cũng được tuyển chọn gắt gao. Họ phải trải qua đợt phỏng vấn, tự thiết kế giáo án sinh động, có hứng thú và nhiệt tình phục vụ chương trình… Trong rất nhiều ứng viên đăng ký, ban tổ chức chỉ chọn ra khoảng 15 người (chiếm 25% hồ sơ dự tuyển). Ngoài những sinh viên Harvard, còn có một số cựu du học sinh và những người học ở VN nhưng gặt hái nhiều thành công sẽ tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề, thảo luận với học sinh.
“Từ kinh nghiệm bản thân và quan sát thực tế, tôi cho rằng việc chọn nghề tại VN còn rất nhiều hạn chế. Nhiều bạn trẻ không được chọn nghề dựa trên sở thích, năng lực bản thân mà chủ yếu vì gia đình và chạy theo phong trào. Thông thường, các bạn chọn ngành nào là chết dí với ngành đó luôn, cho dù đã nhận ra là mình không phù hợp”, Hạnh Nga tâm tư. Cựu nữ sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam này bộc bạch: “Khi tôi chuẩn bị sang nhập học tại Harvard, cha mẹ bảo tôi học ngành kinh tế. Nhưng khi vào học, tôi thấy rất khổ sở do không thích. Sau đó tôi học thử một lớp tâm lý và nhận thấy mình rất say mê, tuy các môn này học cũng rất vất vả và nguồn tài liệu tôi chưa từng đọc bao giờ. Thế là đến năm thứ 2, tôi quyết định chọn học ngành tâm lý. Không những vậy, chúng tôi còn được tự do chọn ngành phụ và có quyền chuyển đổi nhiều lần, miễn sao có được những kiến thức và kỹ năng quý giá để phát triển nghề nghiệp, bản thân”.
Hiện là sinh viên năm cuối ở Trường ĐH Harvard, Hạnh Nga cho biết thêm: “Tuy học ngành tâm lý nhưng ra trường tôi dự định sẽ làm tư vấn chiến lược. Chúng tôi học vì đam mê chứ không vì nhắm đến một cái nghề định sẵn. Theo tôi, một khi có đam mê trong học tập thì việc học đó chắc chắn sẽ được ứng dụng trong thực tiễn. Và đó cũng là một trong những kết quả của cách giáo dục khai phóng”.
Cũng như Hạnh Nga, nhiều sinh viên Harvard mong mỏi sẽ phần nào truyền thụ nền giáo dục ưu việt mà họ được trải qua đến những học sinh VN. Hạnh Nga nhấn mạnh: “Tham gia trại hè, các em sẽ được tiếp xúc thực tế một số ngành nghề khác nhau trong xã hội để có sự định hướng nghề nghiệp. Đây là cơ hội để các em thúc đẩy tư duy, đánh giá năng lực chính mình và tìm một lối đi nào đó thích hợp nhất, thay vì thói quen thụ động”.

Hỗ trợ những trại sinh khó khăn

Trại hè HVIET là chương trình phi lợi nhuận. Chương trình diễn ra từ ngày 13 - 20.6 tại Trường ĐH RMIT, TP.HCM. Mỗi trại sinh sẽ đóng 8 triệu đồng, bao gồm: sách vở, tài liệu, xe đưa đón, các bữa ăn và chi phí khách sạn... Ban tổ chức cho hay sẽ hỗ trợ tài chính cho trường hợp khó khăn, hiếu học. Thời gian nhận hồ sơ đăng ký đến hết ngày 15.4, qua www.hviet.com hoặc Facebook: HVIET - Harvard Vietnam International Educational Tech-In

 

Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/lop-hoc-harvard-tren-dat-viet-681532.html