Năm nay, mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 2 trường khi xét tuyển đợt I; mỗi trường, thí sinh được đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2.

Nhiều cơ hội xét tuyển

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quy định thí sinh không được thay đổi nguyện vọng trong đợt xét tuyển. Với xét tuyển các đợt bổ sung, mỗi đợt, thí sinh được đăng ký tối đa vào 3 trường và trong mỗi trường được đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2; thí sinh không được thay đổi nguyện vọng trong từng đợt xét tuyển.

Lợi thế xét tuyển vào nhóm trườngThí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2015 Ảnh: TẤN THẠNH

Liên quan đến việc đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào các trường tuyển sinh theo nhóm (gọi chung là nhóm trường), Bộ GD-ĐT nêu rõ thí sinh có thể sử dụng số ngành tối đa được phép của từng đợt xét tuyển (4 ngành trong đợt I và 6 ngành trong các đợt xét tuyển bổ sung) để ĐKXT vào nhiều trường trong nhóm và sắp xếp các ngành đã đăng ký theo thứ tự ưu tiên. Ví dụ, trong đợt I, thí sinh có thể ĐKXT vào 4 trường khác nhau trong nhóm nếu mỗi trường đăng ký 1 ngành hoặc đăng ký vào 3 trường khác nhau trong nhóm nếu đăng ký 2 ngành vào 1 trường và 2 ngành còn lại đăng ký vào 2 trường.

Thí sinh đã ĐKXT vào 2 trường trở lên trong nhóm ở đợt I hoặc 3 trường trở lên trong nhóm ở đợt xét tuyển bổ sung thì không được ĐKXT vào các trường ngoài nhóm. Các nhóm trường quy định mẫu phiếu ĐKXT phù hợp với quy định này và công bố cách thức xét tuyển giữa các ngành theo thứ tự ưu tiên trong phiếu ĐKXT.

Trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển, thí sinh nộp phiếu ĐKXT và phí dự tuyển qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, chuyển phát ưu tiên hoặc bằng phương thức trực tuyến (online) hay theo phương thức khác do trường quy định đáp ứng yêu cầu của quy chế. ĐKXT của thí sinh dù nộp qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, dịch vụ chuyển phát ưu tiên (tính ngày theo dấu bưu điện) hoặc nộp bằng phương thức trực tuyến hay theo phương thức khác do trường quy định trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau.

Thí sinh trúng tuyển ở từng đợt xét tuyển phải nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi cho trường nhập học qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc phương thức khác. Quá thời hạn này (tính ngày theo dấu bưu điện nếu nộp qua đường bưu điện), những thí sinh không nộp giấy chứng nhận kết quả thi cho trường được xem như từ chối nhập học.

Thu hẹp khu vực ưu tiên

Cũng theo quy định mới, chính sách ưu tiên trong tuyển sinh có một số thay đổi. Bộ GD-ĐT nêu rõ các xã khu vực I (KV1), gồm: các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013-2015; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2014 và 2015; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020.

Các xã mà thí sinh được hưởng chế độ ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú, gồm: các xã khu vực III và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013-2015; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2014 và 2015; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020.

Năm nay, mức điểm ưu tiên xác định theo quy định được tính đối với thang điểm 10 và tổng điểm tối đa của 3 môn thi trong tổ hợp xét tuyển là 30. Các trường sử dụng thang điểm khác thang điểm 10 hoặc tổng điểm tối đa của 3 môn thi trong tổ hợp xét tuyển khác 30 (ví dụ trường hợp nhân hệ số môn thi chính), phải quy đổi điểm xét tuyển về thang điểm 10 trên, sau đó cộng điểm ưu tiên hoặc phải quy đổi điểm ưu tiên về thang điểm mà trường đang sử dụng.

Theo NLĐ, nguồn: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/loi-the-xet-tuyen-vao-nhom-truong-20160316221109095.htm


Thông tin tuyển sinh 2016, điểm thi tốt nghiệp 2016