Lo thiếu căn cứ

Trường THCS Cầu Giấy là một trong những trường thu hút học sinh toàn thành phố đăng ký dự tuyển vào lớp 6 với chương trình đào tạo chất lượng cao. Phương án tuyển sinh ban đầu của trường này dự kiến là tuyển thẳng những học sinh đoạt giải thành phố, quốc gia. Tuy nhiên, ngày 10-4, bà Lê Thị Kim Ánh, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy cho biết: “Phương án sát hạch IQ, EQ hay tuyển thẳng học sinh có giải thưởng đều đã được xét đến nhưng phương án khả thi nhất có thể áp dụng với trường này là xét học bạ. Tuy nhiên, việc xét học bạ rất khó vì học sinh lớp 5 đang thực hiện thông tư 30 về không kiểm tra, chấm điểm, chỉ có điểm kiểm tra cuối kỳ nên rất khó đưa ra tiêu chí xét tuyển. Chúng tôi đang phải nghiên cứu thêm”.

Trong kỳ tuyển sinh đầu cấp của Hà Nội ở bậc THCS, điểm nóng nhất phải kể đến trường Hà Nội - Amsterdam khi chỉ tiêu chỉ có 200 nhưng lượng thí sinh dự thi các năm trước đều trên 3.000. Bà Lê Thị Oanh, Hiệu trưởng trường này cho biết, trường sẽ không thi các môn văn hóa mà tập trung vào việc phát hiện năng lực của học sinh. Bài kiểm tra không đo lường khối lượng kiến thức của học sinh tiểu học mà tập trung vào việc đánh giá năng lực sử dụng, vận dụng kiến thức trong thực tế cuộc sống.

Tất cả học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đều có đủ điều kiện nộp hồ sơ xin xét tuyển. Sau xét tuyển, mỗi học sinh đều được phát hiện năng lực thông qua bài kiểm tra. Được biết, bài kiểm tra sẽ được giới hạn trong vòng 45 phút dưới dạng viết. Với việc tuyển sinh vào lớp 6 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết sẽ sớm có văn bản hướng dẫn riêng.

Nhiều trường muốn tuyển sinh riêng

Hiện nay, đa số các trường đều muốn tự đưa ra phương án tuyển sinh phù hợp với mục tiêu giáo dục của trường mình. Trên cơ sở đề xuất của các trường, Sở GD-ĐT sẽ phê duyệt để ổn định tâm lý phụ huynh, học sinh. Hiệu trưởng trường Trung học Nguyễn Siêu, bà Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết, cấm thi tuyển lớp 6 để tránh tiêu cực là đúng nhưng để xét tuyển công bằng, nhà trường rất đau đầu tính toán các phương án. “Việc thi các môn văn hóa sẽ dẫn tới luyện thi, không đảm bảo công bằng với tất cả học sinh. Thay thế thi tuyển bằng cách nào để lựa chọn được những học sinh phù hợp lại không gây xáo trộn, áp lực cho các em là điều các trường đang phải tính toán kỹ” – bà Nguyễn Thị Minh Thúy chia sẻ.

Được biết, năm nay, trường Nguyễn Siêu sẽ dùng hình thức xét tuyển, đánh giá kỹ năng học sinh thông qua các ngày trải nghiệm, hoạt động tập thể, cá nhân cộng với các bài trắc nghiệm về chỉ số thông minh, chỉ số cảm xúc và chỉ số vượt khó. “Chúng tôi sẽ cố gắng để có thước đo chuẩn xác nhất. Ngoài ra, khi tổ chức các hoạt động trải nghiệm ở trường, giáo viên sẽ “chấm điểm” học sinh về các kỹ năng thông qua hành vi, nhận thức” - bà Thúy nói. Đối với môn Tiếng Anh, trường Nguyễn Siêu sẽ dùng phương pháp phỏng vấn trực tiếp với giáo viên người nước ngoài để chọn học sinh.

Đại diện trường Việt Úc, Nam Từ Liêm thắc mắc: "Trường ngoài công lập có được kiểm tra trình độ tiếng Anh của học sinh dự tuyển vào lớp 6 không. Nếu vi phạm thì sẽ bị xử lý như thế nào?". Về vấn đề này, ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Bộ GD-ĐT yêu cầu không tổ chức thi tuyển vào lớp 6 với các môn văn hóa, trong đó có Tiếng Anh, vì vậy việc tổ chức thi môn này là không được phép.

Bên cạnh đó, UBND TP và Sở GD-ĐT đã quán triệt, các phòng GD-ĐT không được phép để các trường khảo sát chất lượng đầu năm để phân lớp, không trường nào được thi tuyển vào lớp 6. Nếu vi phạm, lãnh đạo trường, phòng  GD-ĐT và chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Ông Ngô Văn Chất cho biết, các trường có hồ sơ xét tuyển nhiều hơn chỉ tiêu phải có đề án trình lên Sở GD-ĐT Hà Nội với hạn cuối là ngày 14-4 để Sở xem xét, phê duyệt. Yêu cầu chung là các phương án tuyển sinh phải công khai, không được gây bức xúc trong dư luận.

Theo An ninh Thủ Đô, tin gốc: http://www.anninhthudo.vn/giao-duc/loay-hoay-voi-lenh-cam-thi-2-mon-van-toan/604776.antd

Tuyển sinh, tuyển sinh 2015, tuyển sinh lớp 6