Đường đi của bộ hồ sơ

Từ cuối năm 2015, với mong muốn được học liên thông từ CĐ lên ĐH, anh H.N.H đã đi tìm các trường phù hợp nộp hồ sơ. Sau một thời gian được giới thiệu, anh đã nhờ một người đang công tác tại một trường ĐH lớn của Hà Nội nộp hồ sơ thi liên thông vào trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên. Khi nộp hồ sơ, người nhận hồ sơ nói chắc như đinh đóng cột là ĐH sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên sẽ tổ chức thi trong thời gian tới và số tiền nộp hồ sơ là 1.250.000 đồng. Một thời gian sau, anh H. đã được một người tự xưng là cán bộ thu hồ sơ của một trường trung cấp kỹ thuật tại Hà Nội gọi đến trường tại Mễ Trì, Hà Nội để hẹn lịch ôn tập và lịch thi.

Nhưng từ sau cuộc gặp gỡ đó, anh H. không nhận được lịch ôn tập, để thi như đã nói. Anh quay lại hỏi vị cán bộ của trường ĐH kia thì được báo là sẽ thi trước Tết. Nhưng qua Tết vẫn không thấy gì, hỏi lại thì được nói sẽ thi trong tháng 3. Nhưng giờ đã giữa tháng 3, anh H. không có thêm thông tin gì. Quá sốt ruột, H. nhờ người quen liên hệ với trường ĐH sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên mới biết năm 2015, trường không liên kết với bất kỳ một trường hay trung tâm nào trên Hà Nội để mở lớp đào tạo liên thông. Trường chỉ nhờ CĐ Y tế cộng đồng Hà Nội thu giúp hồ sơ.

Loạn liên kết đào tạo, ai chịu trách nhiệm?Nhân viên trường trung cấp cán bộ (Liên đoàn lao động TP Hà Nội) giới thiệu chương trình đào tạo liên kết.

Cũng liên quan đến liên thông- liên kết, tuần vừa qua, trên trang Facebook tư vấn tuyển sinh của mình, ĐH Thủy lợi đã cảnh báo tình trạng mạo danh Trường ĐH Thủy lợi thông báo tổ chức thi liên thông trình độ đại học năm 2016: “Các bạn thí sinh thân mến, hiện nay Trường ĐH Thủy lợi chưa có kế hoạch thi tuyển sinh liên thông và không liên kết với bất kỳ cơ sở đào tạo nào để tổ chức thi tuyển sinh liên thông năm 2016. Do vậy, địa chỉ tại: Phòng 201 Tầng 2 Nhà C, Số 290 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội, số điện thoại: 04.627.55.146 - 04.627.55.286- 098.1135.667(Thầy Toàn) Email:[email protected] là giả mạo”.

Sau khi ĐH Thủy lợi phát đi thông báo, phóng viên báo Tiền Phong có gọi đến số điện thoại trên thì được thông báo ngành Kỹ thuật công trình xây dựng không đủ thí sinh nên không mở lớp!? Và địa chỉ nêu trên thuộc trường trung cấp cán bộ của Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội.

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Trường, Phó trưởng phòng đào tạo ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cho biết năm 2015, trường không liên kết với đơn vị nào tại Hà Nội để tổ chức thi liên thông hệ vừa học vừa làm. “Trường chỉ nhờ thu hồ sơ tại trường CĐ Y tế cộng đồng Hà Nội. Còn liên thông ĐH chính quy, thí sinh phải về trường học và về trường thi” - ông Trường khẳng định. Ông Trường cũng cho biết thêm, kế hoạch đào tạo tuyển sinh liên thông 2016 trường đang xây dựng, hiện tại, trường mới chỉ liên kết với một số trung tâm giáo dục thường xuyên của các tỉnh để đào tạo hệ vừa học vừa làm. Còn tại Hà Nội vẫn chưa có. “Nếu biết trường nào đã nhận hồ sơ để tổ chức thi liên thông của ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên năm 2015 tại Hà Nội thì xin cho trường biết để trường điều tra” - ông Trường nhắn nhủ.

Qua tìm hiểu của Tiền Phong, hiện nay, tại một số trường trung cấp của Hà Nội, đang diễn ra tình trạng thu hồ sơ, tuyển sinh liên thông liên kết. Bộ GD&ĐT cũng đã có các quy định để “siết” vấn đề liên thông, liên kết nhưng dường như quy định này vẫn nằm trên giấy.

Tập trung thanh tra trong năm 2016

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, liên kết đào tạo giữa trường ĐH và các cơ sở giáo dục là điều cần thiết vì nó đáp ứng được các nhu cầu thực tiễn. Ví dụ, trường này có năng lực đào tạo nhưng chưa đủ cơ sở vật chất, nguồn lực thì hai bên liên kết lại với nhau. Việc liên kết đào tạo tạo thuận lợi cho người học, họ sẽ không phải đi xa mà vẫn được học tập ở môi trường mong muốn.

Để quản lý liên kết đào tạo, Bộ GD&ĐT có quy định rõ các nơi đào tạo chủ trì liên kết với bên liên kết phải đáp ứng đủ yêu cầu về cơ sở vật chất, chương trình học, giảng viên đáp ứng năng lực...Tuy nhiên quá trình thanh tra, cơ quan chức năng đã phát hiện một số trường chủ trì liên kết nhưng thiếu trách nhiệm, làm qua loa đại khái hoặc giao phó vấn đề tuyển sinh, đào tạo cho bên liên kết dẫn đến dễ sai phạm trong tuyển sinh vượt chỉ tiêu, đào tạo không đúng chương trình, không đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, một số đơn vị lợi dụng danh tiếng của các trường ĐH có tiếng tăm để thành lập trung tâm đào tạo, tuyển sinh có tên na ná đánh lừa người học. Trên thực tế, năm qua thanh tra Bộ GD&ĐT đã phát hiện và xử phạt đơn vị sai phạm về liên kết đào tạo như: Trường Trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật Bách Khoa Hà Nội, đối tác liên kết đào tạo với Trường ĐH dân lập Lương Thế Vinh (Nam Định)… Bộ GD&ĐT cho biết, năm nay, việc liên kết đào tạo sẽ là một trong những nội dung trọng tâm mà Bộ GD&ĐT sẽ tập trung thanh kiểm tra.

Theo Tiền phong, nguồn: http://www.tienphong.vn/giao-duc/loan-lien-ket-dao-tao-ai-chiu-trach-nhiem-983306.tpo