Vừa qua NXB Trẻ đã đứng ra nhận lỗi đã xuất bản cuốn Từ điển tiếng Việt “thảm họa” của tác giả Vũ Chất. Ngày 14-11 mới đây, Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng đã ra quyết định thu hồi và tiêu hủy tám cuốn từ điển của NXB Đồng Nai.

Xào nấu cẩu thả gây hậu quả khôn lường

Phóng viên một tờ báo do có nhu cầu công việc nên đã mua cuốn từ điển tiếng Việt để tra cứu một số thuật ngữ pháp luật. Sau khi mua cuốn từ điển đầu tiên, thấy định nghĩa không đúng so với những hiểu biết của mình nên cô đi mua thêm hai, ba cuốn từ điển tiếng Việt khác để đối chiếu. Những từ ngữ pháp luật được giải thích trong ba cuốn từ điển được định nghĩa rất khác nhau. Khi cô đem ba cuốn từ điển này cho một người có chuyên môn trong ngành từ điển thì chuyên gia này nhận xét: Cả ba cuốn từ điển trên về mặt cấu trúc vĩ mô và cấu trúc vi mô hoàn toàn khác nhau và không tuân theo một nguyên tắc nào.

Xuất hiện nhiều từ điển tiếng việt kém chất lượng

Với kệ sách có đến hàng chục cuốn từ điển tiếng Việt thì người bình thường khó phân định đâu là cuốn từ điển có chất lượng. Ảnh: H.VI

Ông Nguyễn B. kể ông cũng đã từng lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười. Khi ông đi học ở Đức về, dự định viết cuốn từ điển Đức-Việt thì một “đầu nậu” sách đến nhà đề cập việc hợp tác viết và in sách. Sau sáu tháng đầu tư công sức thì cuốn từ điển Đức-Việt của ông cũng xin được giấy phép và in tại một NXB. Bẵng đi một thời gian, ông vào nhà sách thì thấy cuốn từ điển Đức-Việt được tái bản nhưng lần này cuốn sách lại đề thêm tên của một người khác. Ông quay lại hỏi “đầu nậu” thì được trả lời là do cuốn sách được tái bản đúng ngày sinh con trai “đầu nậu” nên ông này quyết định để tên con trai mình đứng chung tên tác giả để… làm kỷ niệm. Sau đó cuốn từ điển này lại được in tái bản lần ba, bốn tại NXB đó nhưng phần tác giả thì lại điền thêm tên của một người nước ngoài. Về nội dung cuốn sách vẫn như bản gốc, có thêm bớt chút ít nhưng ông B. lại không hề biết về việc này.

Sau sự cố đó, ông Nguyễn B. đã đi tìm hiểu về việc làm từ điển tại Việt Nam. Khi đó ông mới phát hiện làm từ điển ở Việt Nam… cực kỳ dễ. Một “đầu nậu” muốn in từ điển thì chỉ cần đặt hàng cho một giảng viên tại một trường đại học. Giảng viên đó chỉ cần phân công các nhóm sinh viên làm. Mỗi sinh viên đảm nhận một phần mục từ trong cuốn từ điển. Sinh viên đó chỉ cần xào nấu, cóp nhặt từ các cuốn từ điển khác để đưa vào. Sau đó người giảng viên kia chỉ cần tổng hợp thành sách và giao cho các “đầu nậu” xuất bản và in.

PGS-TS Phạm Văn Tình, Phó Tổng Biên tập tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng: “Từ điển tiếng có giá trị ghi nhận lại hệ thống từ ngữ của một dân tộc, theo các mức nghĩa đã được định hình. Nó là cẩm nang, là công cụ tra cứu và là kho tri thức mục từ tốt nhất. Nếu làm từ điển sai sẽ rất nguy hiểm và dẫn đến sai dây chuyền”.

“10 năm mới làm xong cuốn từ điển chất lượng”

GS-TS Nguyễn Văn Khang, Viện Ngôn ngữ học, người từng cộng tác với GS Hoàng Phê biên soạn cuốn Từ điển tiếng Việt, cho rằng nếu như trước đây các nhà từ điển học như Thanh Nghị, Văn Tân, Lê Khả Kế,… khi biên soạn từ điển có cách giải thích từ mang tính cá nhân thì hiện nay các cuốn từ điển lại có cách giải thích từ na ná nhau. Và làm từ điển thì phải rất khó khăn và vất vả mới cho ra một sản phẩm tốt. GS Khang kể: “GS Hoàng Phê khi làm cuốn Từ điển tiếng Việt phải thắp đèn dầu để biên soạn hằng đêm. Ông bị đau cột sống không thể ngồi nhưng hằng ngày vẫn cố đứng hàng giờ để làm việc”. TS Nguyễn Đức Dân, nguyên Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, cũng đồng tình: “Cuốn Từ điển tiếng Việt do GS Hoàng Phê chủ biên phải qua 10 năm thực hiện mới hoàn thành. Bên cạnh đó còn có các đội ngũ chuyên gia đầu ngành cộng tác cùng thì mới cho ra được một công trình chất lượng”.

PGS-TS Phạm Văn Tình nêu quan điểm: “Một trong những nguyên tắc của người làm từ điển là phải có tri thức chung về từ điển học. Làm từ điển không có chuyện chỉ ngồi một chỗ nghĩ rồi hình dung ra định nghĩa của một từ nào đó mà phải căn cứ vào ngữ liệu, đơn vị từ ngữ nằm trong ngữ cảnh đưa vào cách sử dụng của nó. Phải nghiên cứu, thu thập qua thời gian dài và ngoài thực tế cuộc sống nên người làm từ điển cần sự nghiên cứu khoa học nghiên túc và dày công” - PGS Tình phân tích.

Những từ điển chất lượng mang dấu ấn cá nhân

Kho tàng từ điển Việt Nam từng ghi nhận rất nhiều nhà từ điển nổi tiếng như Thanh Nghị, Lê Ngọc Trụ, Đào Duy Anh, Lê Văn Đức, Thiều Chửu, Văn Tân, Lê Khả Kế,... Họ xuất thân từ nhiều nghề, nhiều lĩnh vực nhưng bằng con đường mày mò, tự học, chính họ đã cho ra lò nhiều công trình từ điển còn giá trị mãi với thời gian. Với thị trường từ điển tiếng Việt khá lộn xộn hiện nay, người dùng nên chọn mua cuốn Từ điển tiếng Việt do GS Hoàng Phê chủ biên và Viện Ngôn ngữ học xuất bản.

PGS-TS Lê Khắc Cường: “Từ điển học là một khoa học, vì vậy cần phải đối xử với nó như một khoa học, nghĩa là phải tuân theo những yêu cầu nghiêm ngặt. Nhóm biên soạn phải thống nhất với nhau về cấu trúc vĩ mô và cấu trúc vi mô của từ điển chứ không phải bạ đâu làm đó, làm tới đâu hay tới đó”.

Theo Báo Pháp luật Tp.HCM, tin gốc: http://plo.vn/giao-duc/loan-bien-soan-tu-dien-509511.html