Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Một phần mềm tin học dành cho học sinh trung học cơ sở, bao gồm hình ảnh “đường lưỡi bò”, được cài đặt trong máy tính ở các trường gần 5 năm nay. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có hay biết gì về việc này?

Phát hiện đường lưỡi bò trong phần mềm máy tính học sinh

Trong chương trình tin học lớp 7, bài học: Học địa lý thế giới với Earth Explorer, học sinh vừa mở phần mềm Earth Explorer, vừa quan sát, vừa làm bài tập theo yêu cầu. Điều lạ là cũng trong phần mềm này, khi học sinh thao tác xem đường biên giới các nước, hình ảnh “đường lưỡi bò” cũng hiện ra rõ nét.

Hiện nay, phiên bản các trường sử dụng có phiên bản 3.5 và 5.0, cả hai phiên bản đều có hình “đường lưỡi bò” trong phần mềm máy tính trường học.

Tại một trường THCS tại quận Tân Bình, TP.HCM, toàn bộ máy tính trong phòng máy ở đây được cài đặt phần mềm cả hai phiên bản cho học sinh. Hiệu trưởng trường này cho biết: “Giáo viên từng phát hiện ra “đường lưỡi bò” và báo cho tôi biết. Chương trình này là của Bộ GD-ĐT đưa xuống các trường, nên chỉ có cách chỉ đạo giáo viên khi có học sinh thắc mắc, phát hiện ra thì hướng dẫn các em “đường lưỡi bò” là ranh giới bất hợp pháp, không được các nước công nhận”.

Phát hiện đường lưỡi bò trong máy tính trường học

Hình ảnh hướng dẫn sử dụng phần mềm phiên bản 3.5 trên website Công ty Công nghệ tin học nhà trường (đơn vị cung cấp đĩa phần mềm) có "đường lưỡi bò" - Ảnh chụp màn hình

Theo một giáo viên dạy tin học lớp 7, hầu hết các trường đều cài đặt phần mềm này bằng cách download trên mạng hoặc mua đĩa về cài cho học sinh học, không thông qua nhà sản xuất. Chính vì vậy mà việc các trường yêu cầu nhà sản xuất gỡ bỏ “đường lưỡi bò” là không thể.

Chưa kể, nếu các trường tự liên hệ để mua phần mềm thì phải trả không dưới 50 USD/máy, trong khi phần mềm này chỉ học 4 - 5 tiết, mỗi tiết quan sát vài phút”, giáo viên này nói thêm.

Sách giáo khoa tin học ở bài học này cũng chỉ hướng dẫn các thao tác để giáo viên và học sinh thực hành trên phần mềm Earth Explorer. Điều này đồng nghĩa các trường THCS đều phải cài đặt phần mềm này trong máy tính để học sinh thực hành theo hướng dẫn của sách giáo khoa

Riêng tại TP.HCM, được biết từ trước năm 2007, Sở GD-ĐT TP.HCM có một chương trình khung cho bộ môn tin học riêng, các trường chủ động soạn bài giảng để dạy cho học sinh. Sau năm 2007, khi Bộ GD-ĐT triển khai bộ sách giáo khoa mới cùng với phần mềm tin học, các trường đều thống nhất sử dụng chương trình của Bộ GD-ĐT.

Môn tin học dành cho học sinh trung học cơ sở có sách giáo khoa cho các lớp, được biên soạn theo khung chương trình giảng dạy môn tin học của Bộ GD-ĐT. Sách giáo khoa được dạy kèm với các phần mềm tương ứng. Phần mềm Earth Explorer là một trong những phần mềm sử dụng kèm theo hướng dẫn sách giáo khoa.

Loại bỏ bài học địa lý có 'đường lưỡi bò'

Sáng 24.12, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM có văn bản chỉ đạo các phòng giáo dục loại bỏ những nội dung có "đường lưỡi bò" trong chương trình tin học của học sinh lớp 7.

Theo văn bản của Sở, quyển 2 của Nhà xuất bản Giáo dục phiên bản trước năm 2012 có dạy dùng chương trình Earth Explorer, trong đó có thông tin không chính xác về "đường lưỡi bò".

Sở yêu cầu trưởng phòng giáo dục các quận huyện chỉ đạo các trường THCS loại bỏ các bài có liên quan đến "đường lưỡi bò".

Từ chiều 23.12, Sở đã báo cáo nhanh với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc này. Tình hình chung, không riêng gì TP.HCM mà các trường THCS cả nước đang áp dụng phần mềm có chứa hình ảnh "đường lưỡi bò".

Như Thanh Niên Online đã phản ánh, phần mềm Earth Explorer dùng chung với sách giáo khoa tin học dành cho học sinh lớp 7, là sản phẩm của một công ty ở Thượng Hải, Trung Quốc.

Tổng hợp TNO