Với nhiều đặc thù riêng so với các cấp ngành học cao hơn, các trường mầm non luôn là nơi đầu tiên giúp trẻ làm quen với môi trường sư phạm. Tuy nhiên, thực tế không như nhiều người kỳ vọng, giáo dục mầm non hiện đang có khá nhiều vấn đề như các vụ bạo hành vẫn liên tục xảy ra ở nhiều tỉnh thành, việc mở lớp tư thục rồi chuyển nhượng diễn ra khá dễ dãi, cùng với sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng… Tất cả đang khiến nhiều phụ huynh hoang mang, lo lắng khi đưa con đến nhà trẻ.

Những “phương pháp dạy trẻ” phản giáo dục

Có thể nói, tỉ lệ thuận với sự phát triển của công nghệ thông tin và những công cụ ghi hình, quay phim... thì các hành vi bạo hành trẻ của những cô bảo mẫu trường mầm non mới ngày càng nhiều hơn. Như vậy từ trước tới nay, những “phương pháp dạy” kỳ cục này vẫn âm thầm diễn ra ở một góc khuất nào đó. Điểm lại các thao tác gắn với người được coi là “giáo viên mầm non” này xử trí với con trẻ, người ta cảm thấy vô cùng bức xúc và khó hiểu về trình độ của họ. Từ nhốt trẻ hơn một tuổi ngoài cửa, bế xốc nhúng vào bể nước, trói tay nhét giẻ vào mồm...

Lo ngay ngáy khi con đi nhà trẻCác vụ bạo hành trẻ em vẫn liên tục xảy ra ở nhiều nơi.

Khởi đầu một “chuỗi” các vụ vi phạm trong trường mầm non gần đây là vụ việc một cháu bé khoảng 2 tuổi bị nhốt ngoài phòng gào khóc thảm thiết, sau đó cháu vô tư nhặt rác ăn, việc xảy ra ngày 1/10/2015 tại Trường mầm non Xuân Mai (xã Xuân Mai, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn). Một bé hàng xóm đã ghi lại được hình ảnh khiến giáo viên không thể chối cãi.

Tiếp theo ngày 6/10/2015, phụ huynh phát hiện cô bảo mẫu M.T.N. đã có hành vi cầm vai lắc người và dúi vào mặt bé N.T.N. khi cho bé ăn trưa, có camera của nhóm lớp ghi lại. Vụ việc diễn ra ở nhóm lớp mầm non Nụ Cười Xinh (địa chỉ số 47, Ngách 63/33, Lê Đức Thọ, Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) hiện có gần 40 cháu nhỏ đang được gửi chăm sóc.

Gây bức xúc hơn cả là sự việc các cô bảo mẫu ở điểm trông giữ trẻ mầm non Sơn Ca (đường Hữu Nghị, Đồng Hới, Quảng Bình) bị phụ huynh “bắt tại trận” việc bạo hành trẻ 14 tháng tuổi. Bố mẹ cháu Cù Hoàng Phi L. nghi vấn dấu hiệu lạ trên cơ thể con, đã theo dõi camera thì phát hiện ở lớp cháu đang bị các cô trói tay chân, nhét khăn vào miệng. Chiều ngày 5/10, công an đã đến làm việc và các bảo mẫu đã nhận sai về hành động của mình.

Ngoài ra, dư luận còn bức xúc về đoạn clip ghi lại cảnh cô giáo cho phép các trẻ tự “xử nhau” trong lớp tại Trường mầm non tư thục Hoa Trạng Nguyên, Phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra, làm việc với nhà trường. Kết quả kiểm tra sẽ được báo cáo Sở GD&ĐT Hà Nội, trong đó tập trung vào việc có hay không chủ trương cho phép cô giáo đánh nhẹ vào mông, vào mặt trẻ trong quá trình dạy dỗ và quan điểm cho trẻ nhắc nhở bạn bằng cách tát bạn.

“Mua bán” lớp mầm non dễ dãi

Sau nhiều vụ việc tương tự liên tiếp xảy ra, dư luận đặt câu hỏi lớn về việc cấp phép cho các trường mầm non tư thục và việc kiểm soát chất lượng giáo viên mầm non nói chung hiện nay ra sao? Lần theo phản ánh của nhiều người dân về việc các lớp mầm non tư thục hiện nay được mở ra rất dễ dàng, thậm chí sau đó còn tự do chuyển nhượng công khai trên mạng, trên báo rao vặt. Và đương nhiên họ chỉ cần rao giá bán, chứ không hề quan tâm đến người mua có trình độ gì phụ trách lớp hay không.

Không khó để bắt gặp những mẩu tin rao bán, nhượng, hùn vốn để mở lớp mầm non tư thục hiện nay. Lần theo một số thông tin nhượng lớp mầm non, chúng tôi bắt gặp đủ loại tin rao ở các tỉnh như sau: “Do có con nhỏ không thể quán xuyến được nên cần sang nhượng lớp mầm non tư thục hoặc có thể hợp tác cùng làm”.  “Đi nước ngoài định cư cần sang gấp lớp mầm non tư thục đang hoạt động tại Q.Tân Bình, giấy phép hợp lệ, giá cả thỏa thuận. LH: 096xxxxxx. Bàu Cát, Tân Bình TP.HCM”.

“Không có thời gian quản lí nên tôi cần chuyển nhượng trường mầm non tư thục... Giá chuyển nhượng: 265 triệu đúng giá. Miễn trung gian. Liên hệ: 090xxxxxx”.

Có thể dễ dàng nhận thấy việc mở trường mầm non không nằm ngoài mục đích kinh doanh, và những người được coi là chủ cơ sở không hề nhắc gì tới việc yêu cầu trình độ, bằng cấp của người sẽ tiếp quản. Đây là một thực tế rất đáng lo ngại.

Cá biệt sao... nhiều thế

Theo bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, trong quy chế tổ chức hoạt động của trường tư thục thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy chế rất rõ ràng, đó là các giáo viên đứng lớp đều phải có trình độ trung cấp mầm non trở lên. Ngoài ra, chủ các nhóm trường có thể thuê thêm nhân viên thu dọn vệ sinh lớp học và hỗ trợ chăm sóc trẻ. Về trường mầm non tư thục, khi muốn thành lập trường phải có đề án, có hồ sơ trình lên các cấp có thẩm quyền duyệt. Quy trình là như vậy, nhưng vẫn bỏ sót rất nhiều yếu tố. Việc cấp phép thành lập và hoạt động của các trường mầm non tư thục là hoàn toàn đúng quy trình. Nhưng khó khăn lớn nhất là sau khi cấp phép hoạt động cho các trường tư thục thì việc kiểm tra sau cấp phép chưa nhiều.

Rõ ràng, ở đây đang có vấn đề lớn đặt ra cần giải quyết triệt để, đó là khâu đào tạo, tuyển chọn giáo viên mầm non, quy trình thủ tục thành lập các cơ sở, trường mầm non tư thục, và trách nhiệm giám sát của cơ quan chức năng, ban ngành địa phương sở tại.

Có một điểm chung là mỗi khi sự việc xảy ra, các cơ quan chủ quản thường chỉ cho rằng đây là những sự việc “cá biệt”. Vậy không biết bao nhiêu cái “cá biệt” xảy ra nữa thì mới đủ để coi là báo động. Thêm vào đó, dường như các cơ quan quản lí hiện nay nhất là từ cấp như sở GD-ĐT chỉ “xuất hiện” khi cấp phép cho trường mầm non mới hoạt động và sau đó là xử phạt khi có trường hợp bị phát hiện và giở các điều luật ra để cho thấy luật rất “hoàn chỉnh”, lỗi tại “con sâu làm rầu nồi canh”.  Còn khâu kiểm tra, giám sát gần như trống vắng. Cụ thể là các vụ việc nói trên đều do phụ huynh hoặc người dân phát giác, không có bất kỳ một vụ việc nào do cấp quản lý chủ động ngăn chặn từ trước. Đây quả là một nỗi lo và bất cập lớn trong giáo dục mầm non hiện nay. 

Theo Sức khỏe đời sống, nguồn: http://suckhoedoisong.vn/thoi-su/lo-ngay-ngay-khi-con-di-nha-tre-20151021153310064.htm