Lỗ cũng không tăng lệ phí dự thi

Các trường ĐH lo ngại càng nhiều thí sinh dự thi thì càng phải bù lỗ

Càng đông thí sinh càng phải bù lỗ

Một trong những điểm băn khoăn với các trường ĐH chịu trách nhiệm tổ chức các cụm thi THPT quốc gia năm nay chính là vấn đề kinh phí. Ông Hoàng Minh Sơn, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ, hàng năm trường đều phải bù lỗ cả trăm triệu đồng với gần 10.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi. Trong khi, năm nay, lượng thí sinh mà trường này phải chịu trách nhiệm tổ chức có thể lên tới 20.000 thí sinh, nếu phải bù lỗ thì đây là số tiền không nhỏ.

Khi được hỏi về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ, Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính sẽ xem xét hỗ trợ cho các điểm tổ chức thi. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng băn khoăn khả năng kinh phí cấp bù cũng không đủ mức chi thực tế. “Bộ GD-ĐT sẽ huy động các trường phát huy vai trò tự chủ trên nguyên tắc tiết kiệm” - Thứ trưởng đưa ra định hướng.

Được biết, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính sớm ban hành văn bản quy định về phí dự thi và tuyển sinh theo hướng mức phí, lệ phí của kỳ thi này không tăng so với quy định hiện hành. Mặc dù vậy, với những thí sinh đăng ký dự thi nhiều môn thì mức phí cũng sẽ tăng lên khi theo dự kiến, mỗi môn thi để xét tuyển ĐH, CĐ thí sinh phải nộp 35.000 đồng, chưa kể lệ phí xét tuyển là 30.000 đồng mỗi hồ sơ. Đặc biệt với các trường năng khiếu, dự kiến mức phí lên tới 300.000 đồng/hồ sơ.

Băn khoăn chất lượng tuyển sinh

Không chỉ lo ngại về kinh phí tổ chức, nhiều trường còn băn khoăn về chất lượng tuyển sinh 2015 không đồng đều khi khâu tổ chức coi thi, chấm thi phụ thuộc vào nhiều trường, tại nhiều địa phương khác nhau. Đại diện ĐH Thái Nguyên lo ngại, liệu thí sinh thi ở những nơi không có cán bộ của trường coi thi chất lượng có được đảm bảo? Hay như với ĐH Bách khoa Hà Nội, một trường có nhiều thí sinh ở cụm thi vùng đăng ký xét tuyển nhưng lại dự thi ở nơi khác thì liệu có đảm bảo tuyển đúng thí sinh xứng đáng hay không. Trước vấn đề này, ông Hoàng Minh Sơn cho biết, các trường đại học đều phải phát huy trách nhiệm trong khâu tổ chức thi như vẫn tổ chức thi tuyển cho trường mình thì chất lượng thi sẽ được đảm bảo. “Mặt khác, nếu có gian lận mà được vào học đại học thì sau này cũng rất khó tốt nghiệp. Ví dụ, thí sinh sau khi được trúng tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội, trường cũng sẽ sàng lọc tùy từng chuyên ngành. Trong quá trình học cũng có sự sàng lọc, nếu em nào thực sự không có thực lực, sẽ không thể ra trường” - ông Hoàng Minh Sơn phân tích.

Đối với khâu xác định ngưỡng xét tuyển đầu vào, nhiều thí sinh cũng băn khoăn các trường sẽ căn cứ vào đâu để đưa ra mức điểm này khi mà thí sinh chỉ đăng ký sau khi có kết quả thi, thay vì đăng ký trước khi dự thi như các năm. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường phải công bố chuẩn xét tuyển trước khi học sinh nộp hồ sơ xét tuyển. Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ chỉ quy định điểm xét tuyển của các trường không được thấp hơn ngưỡng xét tuyển chất lượng đầu vào do Bộ quy định, còn cao hơn bao nhiêu so với chất lượng đầu vào là do các trường quyết định. Theo đó, ngưỡng xét tuyển sinh đầu vào của các trường ĐH, CĐ có thể cao hơn hoặc bằng so với ngưỡng xét tuyển đầu vào do Bộ GD-ĐT đặt ra. Với cách thức này, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ căn cứ vào đề thi cụ thể và phổ điểm của thí sinh thi ở cụm mình để có thể căn cứ vào đó mà đưa ra mức tối thiểu để nhận hồ sơ.

Theo An ninh Thủ Đô, tin gốc: http://www.anninhthudo.vn/giao-duc/lo-cung-khong-tang-le-phi-du-thi/601333.antd

Tuyển sinh, tuyển sinh 2015, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp, kỳ thi THPT quốc gia