Không thể liên thông dễ dãi

Xung quanh câu chuyện “Hết đường liên thông đại học”, ông Bùi Anh Tuấn, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT, đã trao đổi với Tuổi Trẻ. Ông Tuấn giải thích:

-  Tại sao Bộ GD-ĐT lại phải điều chỉnh quy chế đào tạo liên thông? Thứ nhất, bộ đã khảo sát việc thực hiện chương trình đào tạo liên thông trong các cơ sở giáo dục ĐH 2011-2012. Kết quả cho thấy chất lượng đào tạo liên thông ở mức cảnh báo. Cùng được cấp bằng chính quy, nhưng người thi, học ĐH chính quy chất lượng khác hẳn với người học liên thông theo cách thi riêng, học riêng, tốt nghiệp riêng.

Thứ hai, quy chế này bám sát tinh thần Luật giáo dục ĐH mới được ban hành. Liên thông phải được trả lại đúng bản chất là bảo lưu kết quả học tập giai đoạn trước, chứ không phải là cách để các trường tự ý xây dựng riêng một chương trình liên thông với công thức đơn giản: chương trình liên thông là chương trình rút ngắn của đào tạo chính quy.

* Sự dễ dãi của đào tạo liên thông ở nhiều cơ sở đào tạo như ông nói phải chăng đang khiến quy mô đào tạo của nó “phình” ra một cách khó kiểm soát?

- Đáng buồn là trong khảo sát của bộ chỉ có bảy trường ĐH đáp ứng các yêu cầu về bảo đảm được chất lượng đào tạo liên thông chính quy. Trên thực tế, có trường muốn đổi chỉ tiêu đào tạo chính quy sang liên thông chính quy. Mặt khác, chỉ tiêu đào tạo liên thông từ trung cấp, CĐ lên ĐH có giới hạn, nhưng nhiều trường liên thông “chui” khiến số liên thông chính quy lên ĐH đang rất cao, gây mất cân đối lớn trong cơ cấu đào tạo.

thi lien thong, lien thong dai hoc, lien thong chinh quy, chi tieu lien thong, tuoi tre


Dự thảo liên thông đại học đang vấp phải sự phản ứng của dư luận rất nhiều.

* Nhiều người lại cho rằng việc thắt chặt đầu vào là giải pháp có lợi cho cơ quan quản lý để giám sát chất lượng dễ hơn, tránh phải mất công soi xét vào quy trình đào tạo, đẩy cái khó sang cho người học và trường nghề, trường trung cấp...?

- Nhiều người học nghĩ rằng họ bị xâm hại quyền lợi khi bị gò theo quy chế mới, nhưng thực chất cách làm của Bộ GD-ĐT thực chất là để bảo vệ quyền lợi của người học, chống sự kỳ thị đã có ở đâu đó, để tấm bằng liên thông được công nhận đúng với giá trị. Gần đây, không ít địa phương, cơ quan thẳng thừng tuyên bố từ chối nhận người tốt nghiệp bằng tại chức, liên thông. Nhiều người vẫn hiểu nhầm liên thông là phương thức đào tạo, tương đương như đào tạo tại chức, chính quy, vừa làm vừa học, nhưng thật ra đó là một cách tổ chức đào tạo. Người học liên thông chính quy sẽ được cấp bằng ĐH chính quy, nên không thể tạo ra sự không công bằng giữa những người cùng được cầm tấm bằng ĐH chính quy sau khi học tập.

Đối với các trường nghề, trường trung cấp, càng không thể nói quy định này gây khó, mà nó là biện pháp nuôi dưỡng và phát triển các trường. Trước khi ban hành thông tư, Bộ GD-ĐT đã xin ý kiến, có hiệp thương với Bộ Lao động - thương binh và xã hội. Cả hai bên đều xem đây là giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường trung cấp, CĐ, CĐ nghề có sứ mạng là đào tạo và cung cấp nhân lực cho thị trường lao động, chứ không phải để đào tạo liên thông, không phải là giai đoạn 1 của đào tạo trình độ ĐH.

Với các quy định mới, các trường cũng sẽ phải thay đổi nhận thức về đào tạo liên thông, thay đổi cách thức tổ chức đào tạo, thực hiện công nhận bảo lưu kết quả học tập theo đúng bản chất của đào tạo liên thông đã được quy định rõ trong Luật giáo dục, Luật giáo dục ĐH.

 

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn

Kenhtuyensinh

Theo: báo TUỔI TRẺ