Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

Tin liên quan:

nhung_ng_thay_lenh_denh_cung_con_chu

Những lúc nhớ về học trò nơi đảo nhỏ, thầy Trương Duy Quý thường trầm ngâm hướng mắt về đảo Bé


“Mỗi lần ra đảo Bé dạy học, nhất là những ngày trời không thuận, chỉ khi đặt chân lên đất liền mới nghĩ mình sống” – Thầy giáo Trương Duy Quý, giáo viên trường THCS An Vĩnh, Lý Sơn (Quảng Ngãi) nhớ lại những tháng ngày lênh đênh đi và về trên biển mang con chữ đến với học trò nghèo.

Đến với nghề giáo bằng ước mơ

Nhiều người thường có suy nghĩ thoát ly khỏi mảnh đất đói nghèo mình sinh ra để tìm tới nơi có nhiều cơ hội thay đổi cuộc đời. Nhưng chàng trai trẻ Trương Duy Quý (sinh năm 1982), cũng như những thầy cô khác đang bám đảo dạy hoc ở Lý Sơn lại có suy nghĩ khác. Họ sẵn sàng chấp nhận cuộc sống với bao nhọc nhằn, khó khăn để đến với nghề giáo.

 

2 năm sau ngày thầy Quý ra trường và quyết định trở về đảo phục vụ mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên, xã An Bình (đảo Bé) được thành lập. Cuộc sống trên đảo Lý Sơn vốn đã khó khăn với bao thiếu thốn thì nay chẳng thấm vào đâu so với cuộc sống của người dân trên đảo Bé. Không điện, không nước ngọt, không trường học… những ngày đầu, đảo Bé dường như trở thành ốc đảo của ốc đảo.

 

Việc học của học sinh trên đảo Bé hầu hết là dang dở bởi chỉ có duy nhất một trường tiểu học, học sinh muốn tiếp tục học phải vào đảo Lớn. Cuộc sống vất vả với nghề nông và đi biển khiến nhiều phụ huynh phải cho con nghỉ học. Trước thực trạng đó, Phòng giáo dục Lý Sơn đã cùng trường THCS An Vĩnh có sáng kiến đưa giáo viên từ đảo Lớn ra đảo Bé luân phiên dạy học. Và thầy Trương Duy Quý là một trong bốn người đầu tiên xung phong “mang chữ” ra đảo Bé.

 

Gương mặt hiền lành, giọng nói nhỏ nhẹ, không giống với những người con của miền biển khác, thầy giáo trẻ dạy Văn cho biết: “Mỗi người đều có một ước mơ. Được làm người thầy đứng trên bục giảng là mơ ước của tôi từ tấm bé. Đây là một nghề không chỉ đem lại cho con người tri thức, mà còn mang lại cho nhiều người cơ hội học tập để thay đổi cuộc đời”.

 

Với suy nghĩ đó, thầy mang hết tâm sức và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ đến với đảo Bé. Những lớp học “lạ kỳ” được thành lập trong sự hào hứng của bọn trẻ nơi đây. Chỉ có 4 giáo viên nhưng “mặt trận” của họ dàn trải từ lớp 6 đến lớp 9, mỗi một giáo viên có nhiệm vụ “chiến đấu” ở nhiều môn.
Sống với nghề bằng tấm lòng hi sinh

 

Ngày đầu tiên đặt chân lên đảo Bé, cảm giác của thầy Quý chỉ là di chuyển từ đảo này sang đảo kia, duy chỉ có ánh mắt tò mò của người dân nơi đây là khác. Hòn đảo quá nhỏ bé và người dân sống với nhau như một gia đình nên một người lạ đặt chân lên là cả đảo đều biết. Sau này, một sự khác biệt nữa mà thầy Quý cảm nhận được còn là càng trong thiếu thốn, con người càng yêu thương và gắn bó với nhau hơn.

 

Là người con của đất đảo, việc đối mặt với hiểm nguy từ sóng nước là điều đã quá quen thuộc nhưng chuyến tàu thầy về mãn tang cha và quay trở lại đảo Bé sẽ mãi là một trải nghiệm mà thầy Quý không thể nào quên.

 

Hôm đó, biển bỗng động dữ dội. Dù mọi người khuyên ngăn đợi vài ngày cho sóng yên biển lặng hãy quay trở ra, nhưng với tinh thần trách nhiệm và hơn cả là lòng yêu thương con trẻ, thầy không muốn những đứa trẻ có cảm giác bị bỏ mặc khi chúng đang ngóng trông thầy chở về. Thầy Quý đã có một quyết định liều lĩnh, đánh cuộc số phận mình để quay trở lại bằng được đảo Bé.

 

Thầy cùng với một vài thầy giáo khác thuê một chiếc tàu sang đảo Bé. Chuyến tàu 45 phút mọi ngày, hôm nay bỗng dài lê thê. Con tàu giống như một chiếc lá dập dềnh, ngả nghiêng trong sóng gió. Những con sóng dữ dội quất vào thành tàu như muốn nuốt chửng con tàu cùng toàn bộ hành khách. Với ý nghĩ đằng nào cũng chết, thầy Quý và mấy người bạn rủ nhau lên cabin đứng và dặn nhau nếu có chuyện gì thì phải nhảy ra khỏi tàu, dù sao đó cũng là cơ hội sống sót cuối cùng…

 

Lúc cập bến, không làm cách nào đưa thuyền vào được. Dân quân tự vệ phải dùng thuyền thúng ra đón vào. Chỉ đến khi nào đặt chân lên tới đảo, mọi người mới dám nghĩ là còn sống sót.

 

Kể tới đây, thầy Quý bùi ngùi nói: những ngày cuối tuần, các thầy cô  thường đi tàu từ đảo Bé về thăm nhà. Nhưng đầu năm đã xảy một vụ tai nạn lật thuyền thương tâm, khiến một cô giáo vĩnh viễn ra đi. Do vậy, mỗi lần đi lại như vậy các thầy cô đều cảm thấy lo lắng và hạn chế việc về thăm gia đình.

 

Tinh thần hiếu học của học trò như chất xúc tác để thầy cô nơi đất đảo Lý Sơn vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục bám đảo, thắp lên tri thức cho mảnh đất này

 

Thầy Quý nhớ lại mỗi khi về nhà, mẹ thường thắc mắc “Lớp có 4 học sinh thì dạy gì hả con?”. Những lúc ấy, thầy càng thấy thương bọn trẻ và muốn gắn bó với chúng hơn. Những học trò nghèo, sức học còn hạn chế nhưng lại có một tinh thần hiếu học. Chính tinh thần, sự chăm chỉ ấy của những học trò khiến thầy Quý như vơi đi được nỗi buồn, sự vất vả và cả những hiểm nguy.

 

Nhìn những học sinh như trường hợp em Phượng, đã 15-16 tuổi rồi đến bây giờ mới được vào lớp 6 đi học tiếp. Hay em Lâm là con nuôi của một gia đình. Dù được người mẹ nuôi hết lòng chăm lo, nhưng hoàn cảnh hai mẹ con sống nương tựa vào nhau, chỉ biết dựa vào những ruộng hành để sinh sống khiến em không thể vào đảo lớn tiếp tục học như những bạn bè khác. Thầy Quý lại tìm mọi cách xin một suất hỗ trợ để em có thể tiếp tục theo học. Thầy không chỉ đi đến từng nhà động viên gia đình cho con em đi học, mà còn tìm cách hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn bằng hết khả năng của mình.

 

Có lẽ tấm chân tình mà thầy Quý dành cho đảo nhỏ đã khiến người dân nơi đây xem thầy như con cháu trong nhà. Những ngày lễ tết nhà nào cũng mời bằng được thầy tới nhà cùng sum họp. Họ cùng nhau chia ngọt sẻ bùi. Những tình cảm đầm ấm ấy không chỉ thể hiện bằng lời nói, ánh mắt mà họ còn san sẻ cùng thầy từ bơ gạo, đến ca nước trong những ngày biển động. Tình làng nghĩa xóm chính cứ như vậy đến với nhau một cách tự nhiên và chân thành, như chất keo gắn kết thầy với những con người chất phác nơi đây.

 

Trở về lại đảo lớn sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nhìn các thầy cô giáo khác tiếp tục luân phiên đưa chữ ra đảo An Bình, thầy Quý có cảm giác một phần linh hồn mình vẫn đang ở đó, mọi thứ hiện về trước mắt như mới ngày hôm qua. Những lúc nhớ về đám học trò nhỏ, thầy thường đi dạo dọc bờ biển, ánh mắt luôn hướng về một mảnh đất mờ mờ ngoài xa. 6 năm gắn bó với trường THCS An Vĩnh, thầy vẫn mong sẽ có ngày tiếp tục được trở lại “chiến trường xưa”.


Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (giaoduc.edu.vn)

Bài: Lênh đênh cùng con chữ