Tin liên quan:

>> Những sự kiện đáng chú ý trong kỳ thi ĐH-CĐ 2012

>> Cò chặt chém thí sinh mùa thi

>> Đua nhau "chặt chém" trước ngày thi

 

 

Một Thủ đô hoa lệ đậm chất thơ trong tưởng tượng của nhiều sĩ tử ngoại thành bỗng chốc trở nên lạ lẫm so với thực tế khi họ lần đầu “lai kinh”.

Vào những ngày đầu tháng 7 hằng năm, trong cái không khí sôi nổi của kỳ thi đại học, cao đẳng, Hà Nội lại trở nên đông đúc hơn. Trên mỗi cung đường, góc phố, hay những con ngõ sâu, đâu đâu ta cũng thấy cuộc sống sinh hoạt của con người bức bối, ngột ngạt, xô bồ.

Giả, thật lẫn lộn

Vượt qua những chặng đường vất vả để đến với Thủ đô dự thi đại học. Ấn tượng về một Hà Nội hào hoa, thanh lịch trong suy nghĩ của nhiều sĩ tử ngoại thành dần trở nên xa lạ. Nó mang trong mình nhiều hình ảnh đối lập, tương phản. Bênh cạnh những cái tốt đẹp, tích cực luôn hiện diện những cảnh ngang tai, trái mắt.

Do tâm lý chủ quan, nhẹ dạ, cả tin nên nhiều sĩ tử ngoại thành lần đầu “lai kinh ứng thí” đã phải nếm “trái đắng” vì bị những kẻ lừa đảo “giăng lưới” với những “ngón nghề” hết sức xảo quyệt. Câu chuyện của thí sinh Nguyễn Ngọc Thành - thí sinh ở xã Hợp Đức, huyện Tân Yên, Bắc Giang – là một trong những trường hợp điển hình.

Thành kể: “Khi em vừa xuống bến xe Giáp Bát thì đã có một thanh niên mặc áo sinh viên tình nguyện lăng xăng chạy đến hỏi: “Em thi ở đâu, bọn anh sẽ giúp em tìm phòng trọ miễn phí”. Tưởng đó là sinh viên tình nguyện muốn giúp đỡ, nên em lên xe ngay lập tức. Không ngờ đến một ngõ nhỏ gần trường Học viện Tài chính, thanh niên này bảo em đi bộ vào ngõ rồi phóng xe vèo đi mang theo chiếc ba lô đựng đầy quần áo, sách vở và phần lớn tiền mang theo. Thế là hết. Hiện em đang phải ở nhờ phòng trọ của một người anh họ làm nghề thợ xây trên đường Phạm Văn Đồng. 5 người chui rúc trong căn phòng 10m2, khổ nhục vô cùng”. Những tên lưu manh, lừa đảo khoác lên mình chiếc áo xanh tình nguyện ấy đã đánh lừa không ít sĩ tử “trẻ người, non dạ”

Lợi dụng tâm lý tham rẻ của các thí sinh ngoại thành, những kẻ buôn bán hàng giả, hàng nhái được dịp tung hoành, kiếm chác bằng những chiêu lừa tinh quái. Nguyễn Anh Tuấn – một sĩ tử quê Thái Bình - than vãn: “Khi em đang đứng bắt xe bus thì có một đối tượng đeo kính đen, cử chỉ lén lút tiến đến vỗ vai em, hỏi: “Mua máy tính không, anh bán cho giá siêu rẻ. Loại EL-506W BK của hãng Sharp vẫn còn mới cứng. Giá mới hơn 400 ngàn, anh lấy chú 200 ngàn thôi. Thú thật với chú là anh vừa chôm được của một thằng sinh viên. Mang đến tiệm cầm đồ vừa mất công lại không an toàn. Anh đành chịu thiệt một chút vậy. – Tuấn Anh kể tiếp – Vừa nói hắn vừa giả bộ ngó trước ngó sau rồi rút ra bấm bấm để khoe hàng và cất vội vào túi. Đang “khát” máy tính sịn để làm bài thi môn Toán nên không cần suy tính, em đã thực hiện cuộc mua bán ngay lập tức. Ai ngờ, khi về nhà kiểm tra kỹ thì dính phải đồ Trung Quốc. Thật cực chẳng đã”.

Tốt, xấu đan xen

Rất nhiều sĩ tử dù chưa một lần đặt chân đến Thủ đô, nhưng, những vẻ đẹp của mảnh đất “địa linh nhân kiệt” ngàn năm văn hiến hiện lên trên những trang sách, những bức tranh phố cổ, những ca từ trữ tình về Hà Nội... đã hằn trong tâm tưởng của họ. Thế nhưng, khi đặt chân đến đây, nhiều thí sinh cảm thấy choáng ngợp. Nói như em Phạm Hoài Nam, một sĩ tử người Nam Định, thì: “Hà Nội bây giờ không còn thu mình trong năm cửa ô với ba mươi sáu phố phường nữa mà đã mở rộng hơn nhiều lần. Có lẽ, sự yên bình, thơ mộng của Hà Nội chỉ dồn về những không gian quanh Hồ Gươm, Hồ Tây và những công viên. Còn những nơi khác, đâu đâu cũng nghìn nghịt người, xe cộ ngược xuôi như mắc cửi, còi kêu inh ỏi suốt đêm ngày. Không gì khổ bằng ra đường vào giờ cao điểm”.

Ngắt khỏi dòng người bộn bề xuôi ngược trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, tôi theo chân Nguyễn Văn Khang - một sĩ tử “tỉnh lẻ” lần đầu lên Hà Nội thuê trọ - rẽ vào một con ngõ ngoằn ngoèo, sâu hun hút để tìm giúp em nơi tá túc vài ngày thi tuyển sinh tại Đại học Sư phạm Hà Nội I. Nhìn những căn phòng chật chội, tuềnh toàng, ẩm thấp dành cho sinh viên ngoại tỉnh thuê trọ nơi đây, Khang không khỏi ngạc nhiên: “Ngoài mặt phố nhiều cửa hiệu, tòa nhà lộng lẫy, sáng loáng là thế mà trong ngõ lại bí bách, ngột ngạt quá chị nhỉ. Xem vô tuyến ở quê, em ít thấy những góc khuất của Thủ đô như thế này. Hóa ra, vẫn còn thật nhiều cảnh sống khó khăn, cơ cực trong một thành phố hoa lệ”.

Rong ruổi cùng Khang qua nhiều ngõ ngách quanh khu vực Cầu Giấy gần một buổi chiều, nhưng, em vẫn chưa tìm được một phòng ưng ý mà hợp với túi tiền. Một căn phòng 8m2, lợp mái pờ-rô-xi-măng, không chăn, màn... giá từ 100 ngàn/ngày trở lên. Vậy thì những phòng rộng rãi, khép kín, đầy đủ tiện nghi hơn, những sĩ tử ngoại thành như Khang lấy đâu ra tiền để thuê (?). “Thôi em đành chấp nhận thuê tạm một chỗ trọ chật hẹp chưa bằng phòng ngủ nhà em vậy. Đang thời điểm thi cử nên chủ nhà ép giá hãi quá” – giọng Khang buồn buồn. Không những thế, biết người thuê phòng chỉ ở vài ba ngày, nên chủ trọ đã sử dụng những “chiêu trò” tinh quái để “moi” tiền của khách. Điện và nước 25 ngàn/ngày; chăn, màn, gối... tùy theo nhu cầu mà phí thuê dao động từ 15 đến 30 ngàn/ngày,... Khang chỉ biết lắc đầu: “Đúng là người khôn của khó”.

Nhiều kiểu... chặt chém

“Ẩm thực Hà Thành từ lâu đã nức tiếng cả nước với những món ăn thanh cao, tinh tế như: cốm làng Vòng, bánh cuốn Thanh Trì, chả cá Lã Vọng, phở Hà Nội... Thế nhưng, cứ vào mùa thi đại học, cao đẳng, không biết từ đâu mà hàng quán vỉa hè mọc lên như nấm. Chẳng thể phân biệt được đâu là những gánh hàng mang hương vị ẩm thực truyền thống của người Hà Nội, đâu là những quán hàng mở vội, “ăn xổi” mùa thi. Điều đó phần nào làm giảm đi, thậm chí “gây bệnh” cho nét đẹp của văn hóa Tràng An” – cụ Chương Thị Dung, chủ một quán phở gia truyền, số nhà 347, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.

Tình trạng chặt chém đồ ăn, thức uống, cũng diễn ra phổ biến. Đặc biệt là những cửa hiệu bình dân hay quán cóc vỉa hè. Nhiều sĩ tử nghĩ những nơi kinh doanh uy tín như siêu thị, cửa hàng lớn giá cả sẽ đắt đỏ nên chọn những quán bình dân. Nhưng đó chưa chắc là một sự lựa chọn đúng. Vì ở những quán hàng như vậy, sự phục vụ thường rất kém, ít bị quản lý nên dễ nảy sinh tình trạng “chặt chém” nhất, và chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm cũng không được đảm bảo.

Cô Vũ Thị Quỳnh, một phụ huynh đưa con đi thi, cho biết: “Sáng 8/5, mẹ con tôi ăn bún riêu cua ở một quán bình dân trên đường Láng Hạ, rồi đến trường để thi môn Văn. Ai ngờ đang làm bài thi thì cháu đau bụng tiêu chảy, phải xin giám thị cho đi vệ sinh 2 - 3 lần liền. Như thế làm sao kết quả làm bài của con tôi cao được Chỉ khổ con tôi bao nhiêu năm trời đèn sách”. Những câu chuyện như thế không hiếm trong mùa thi đại học.

Tin đang được quan tâm:

ĐIỂM THI - ĐIỂM THI 2012 - ĐIỂM THI ĐẠI HỌC NĂM 2012

ĐIỂM CHUẨN - ĐIỂM CHUẨN 2012 - ĐIỂM CHUẨN ĐẠI HỌC 2012

TUYỂN SINH - THÔNG TIN TUYỂN SINH, TIẾNG ANH - HỌC TIẾNG ANH

Kênh Tuyển Sinh

(Theo: vietnamnet)