>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp

Thông tin từ Sở GD-ĐT Hải Phòng cho biết, một số tổ chức cá nhân không chỉ cung cấp hồ sơ miễn phí mà còn đề nghị các đơn vị thu hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh, bàn giao trực tiếp cho các tổ chức cá nhân đó.

 

Tuyển sinh ĐHCĐ 2014: Thí sinh nên nộp hồ sơ theo quy định của Bộ

Để tránh thất lạc hồ sơ, thí sinh nên nộp hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT.

Sở GD-ĐT Hải Phòng thông tin, trong thời gian qua, một số trường ĐH, CĐ đã đến trường THPT, Trung tâm GDTX trên địa bàn thành phố làm công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh lớp 12. Đây là việc làm rất tốt, tuy nhiên, một số tổ chức cá nhân lấy danh nghĩa trường ĐH, CĐ đến cung cấp hồ sơ miễn phí cho thí sinh và đề nghị lãnh đạo và cán bộ tuyển sinh của các đơn vị thu hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh và bàn giao trực tiếp cho các tổ chức cá nhân đó mà không thông qua hệ thống tuyển sinh của thành phố.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hải Phòng nhận định: "Việc làm trên là trái với quy định của Bộ GD-ĐT".

Do vậy, để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, Sở GD-ĐT Hải Phòng yêu cầu lãnh đạo các trường kiểm tra, chấn chỉnh và tuyệt đối không thực hiện việc thu nhận, bàn giao hồ sơ cho các tổ chức cá nhân trên. Đơn vị nào để xảy ra việc thu nhận, bàn giao hồ sơ thí sinh trái quy định, lãnh đạo đơn vị đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước gia đình, thí sinh cũng như chịu trách nhiệm trước các quy định của pháp luật hiện hành. Sở GD-ĐT Hải Phòng không chịu trách nhiệm với các hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh không nộp qua hệ thống tuyển sinh của thành phố.

Theo nội dung sửa đổi mới nhất của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2014, Bộ GD-ĐT quy định rõ: Người tham gia công tác tuyển sinh có hành vi vi phạm quy chế (bị phát hiện trong khi làm nhiệm vụ hoặc sau kỳ thi tuyển sinh), nếu có đủ chứng cứ, tùy theo mức độ, sẽ bị cơ quan quản lý cán bộ áp dụng quy định tại Luật Viên chức, Luật Cán bộ, công chức và các văn bản quy định về xử lý kỷ luật viên chức, công chức và Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Việc xử lý những cán bộ, giảng viên, giáo viên, nhân viên cơ hữu của các trường ngoài công lập không phải là công chức, viên chức vi phạm Quy chế Tuyển sinh, do Hiệu trưởng quyết định xử lý theo quy định của luật lao động và Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Đặc biệt, cảnh cáo hoặc có hình thức kỷ luật cao hơn đối với Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những người khác liên quan vi phạm một trong các lỗi như gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ ĐKXT vào trường; Xác định điểm trúng tuyển không đáp ứng tiêu chí đảm bảo chất lượng do Bộ GD&ĐT quy định; Tuyển sinh những ngành chưa được giao nhiệm vụ mở ngành; Xác định sai chỉ tiêu tuyển sinh so với quy định và tuyển sinh vượt chỉ tiêu tuyển sinh.

Theo Dantri