Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Bộ GD&ĐT vừa cấp kinh phí để lãnh đạo 6 trường đại học sư phạm ra nước ngoài học hỏi mô hình đào tạo sư phạm, phục vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Bộ GD cử lãnh đạo ĐH sư phạm sang nước ngoài

Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ vừa cử lãnh đạo 6 trường sư phạm là Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Huế, Đà Nẵng, TP HCM đi Hàn Quốc học hỏi kinh nghiệm. Để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thì các trường sư phạm phải là đầu tàu, bắt đầu từ những thay đổi trong hoạt động của nhà trường làm động lực thúc đẩy đổi mới giáo dục chung của đất nước.

"Giáo viên chính là 'máy cái' để tạo ra các sản phẩm. Hiện, người thầy là trung tâm của quá trình giáo dục, kiến thức người thầy cung cấp cho học sinh luôn luôn là 'chân lý tuyệt đối đúng', các em bị động tiếp nhận... Phương pháp giáo dục mới sẽ thay đổi căn bản điều này. Thầy giáo không chỉ là người truyền thụ kiến thức, mà nhiệm vụ chính sẽ là tổ chức, hướng dẫn học sinh tự học", Bộ trưởng cho hay.

 Cử lãnh đạo đại học sư phạm sang Hàn Quốc

Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận cho biết các trường sư phạm sẽ bắt đầu đổi mới toàn diện.

Mới đây, đề tài "Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông" do Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm chủ nhiệm vừa được nghiệm thu. Kết quả điều tra cho thấy, giáo viên mới ra trường có chất lượng tốt về các kỹ năng dạy học nhưng hạn chế ở kỹ năng giáo dục, nhất là giải quyết vấn đề. Cấu trúc chương trình đào tạo ở các trường sư phạm chưa coi trọng việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, các môn học nghiệp vụ sư phạm thiên về lý thuyết, tách rời thực tế.

>>Không có công thức chung trong đào tạo sư phạm

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, phương pháp đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm chưa gắn với thực tế, thực hành do tính tự học của sinh viên chưa cao. Ngay cả công tác bồi dưỡng giáo viên hàng năm được Bộ GD&ĐT tổ chức cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, coi nhẹ kỹ năng sư phạm, hình thức bồi dưỡng chỉ là nghe giảng tập trung. Phương pháp này không thiết thực với giáo viên, không tạo được động lực tự học.

Nhóm nghiên cứu đề xuất phải cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông. Trước hết là quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên trên cả nước, ưu tiên cho việc đầu tư và phát triển một số cơ sở đào tạo giáo viên trọng điểm; tiếp theo, cần nâng cao chất lượng tuyển sinh vào các trường sư phạm và giải quyết tốt việc làm cho sinh viên sư phạm ra trường.

GS Phạm Tất Dong, Chủ tịch Hội đồng phản biện khoa học cấp nhà nước cho biết, đề tài trên được đánh giá ở mức xuất sắc. Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận đã làm việc với nhóm nghiên cứu để lắng nghe nội dung và tiếp thu các đề xuất.

Theo Kiều Trinh, VNexpress