Sự kiện: Giáo dục, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, diem thi tot nghiep


" Đến nay Bộ GD-ĐT mới chỉ có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT do các tỉnh, thành gửi về; chưa đủ dữ liệu để khẳng định kết quả thi phản ánh tính nghiêm túc của kỳ thi." Ông Nguyễn Vinh Hiển, thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ.
Ngày 18-6, các tỉnh thành đã có báo cáo kết quả tốt nghiệp về Bộ GD-ĐT.

Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay giảm

Kết quả từ các địa phương báo cho thấy sau 5 năm tỉ lệ tốt nghiệp THPT liên tục tăng và tăng đột biến, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 có tỉ lệ giảm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Ông Nguyễn Vinh Hiển, cho biết:

- Số liệu sơ bộ cho thấy kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay không có biến động lớn so với năm trước. Phần lớn các tỉnh, thành đều có kết quả tốt nghiệp giảm.

Cả nước đỗ 97,52%, giảm 1,45% so với năm trước. Cá biệt hệ THPT có tỉnh giảm 14%, còn các tỉnh khác cũng giảm nhưng không nhiều lắm.

Hệ bổ túc THPT giảm nhiều hơn, cả nước đỗ 78,08%, giảm 7,39%; có tỉnh giảm trên 63%. Nhìn trên bình diện chung, mức tăng, giảm trong kết quả kỳ thi tốt nghiệp năm nay không có biến động lớn.

* Nhưng sau suốt năm năm liên tục kết quả tốt nghiệp tăng mạnh. Năm 2012 có hàng chục tỉnh đạt kết quả sát nút 100%. Trong khi đó, năm nay một số địa phương có tỉ lệ tốt nghiệp giảm mạnh. Đây có phải điều đáng mừng vì kỳ thi đã được thắt chặt kỷ cương, tiêu cực giảm do có những biện pháp hữu hiệu không?

- Đến nay Bộ GD-ĐT mới chỉ có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT do các tỉnh, thành gửi về; chưa đủ dữ liệu để khẳng định kết quả thi phản ánh tính nghiêm túc của kỳ thi.

Bởi trên thực tế, tỉ lệ tốt nghiệp của một địa phương phụ thuộc trình độ của thí sinh trong từng năm, hiệu quả của việc tổ chức ôn tập, đề thi, công tác coi thi...

Bộ GD-ĐT cùng các sở, các trường sẽ phân tích kỹ càng hơn để rút kinh nghiệm toàn diện cho năm học sau từ việc dạy đến việc thi. Nhưng có một điều xin được khẳng định lại là trong những năm gần đây, quan điểm của Bộ GD-ĐT là kiên quyết xử lý tiêu cực để chấn chỉnh kỷ cương thi cử. Năm nay điều đó đã có tác động tốt hơn đối với các địa phương, do đó công tác coi thi, chấm thi đã nghiêm túc hơn.

* Ông có nhận xét gì về những địa phương có tỉ lệ tốt nghiệp giảm hàng chục phần trăm ở hệ bổ túc? Bên cạnh đó, vẫn có không ít trung tâm giáo dục thường xuyên tốt nghiệp 100%. Với chất lượng dạy học còn nhiều bất cập, tỉ lệ 100% này có bất thường không?

- Khi kỳ thi được tổ chức nghiêm túc hơn thì có thể tỉ lệ đỗ tốt nghiệp ở một số nơi giảm mạnh. Nhưng như thế không có nghĩa các nơi giảm nhẹ, hoặc vẫn tăng, vẫn đỗ 100% là tiêu cực.

Vấn đề là phải xem thực chất việc dạy học, tổ chức ôn tập và sự quan tâm chính đáng của các địa phương đối với các đơn vị giáo dục như thế nào.

Có những nơi tốt nghiệp 100% nhưng chỉ có một vài em đỗ loại khá, giỏi là do các đơn vị này có chất lượng dạy học không cao, đơn vị chỉ tập trung ôn tập cho học sinh để đủ đạt yêu cầu tối thiểu.

Trên thực tế, kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích kiểm tra để công nhận việc hoàn thành chương trình THPT và bổ túc THPT với đề thi chỉ yêu cầu kiến thức cơ bản, nên tỉ lệ đỗ tốt nghiệp có thể cao, nhưng chủ yếu chỉ là đạt yêu cầu tối thiểu thì cũng là bình thường.

* Theo kết quả chấm thi của một số tỉnh, thành, điển hình là Hà Nội, Tây Ninh, TP.HCM, địa lý là môn thi có điểm trung bình thấp nhất trong sáu môn thi. Vì điều này mà rất nhiều thí sinh đã phải tốt nghiệp loại trung bình. Nhiều ý kiến cho rằng đề thi môn địa lý dài, khó. Thứ trưởng có nhận xét thế nào?

- Ngay sau buổi thi môn địa lý đã có nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn cho rằng đề địa lý năm nay hay. Tôi cũng cho rằng đề địa lý là một đề tốt, yêu cầu kiến thức cơ bản, không sai sót, không quá sức thí sinh. Đặc biệt có câu hỏi mở gắn với vấn đề thời sự của đất nước. Việc điểm thi môn địa thấp có thể do nhiều nguyên nhân chứ không nên đổ tại đề thi.

Cần phải xem xét ở các địa phương, thí sinh có học đầy đủ chương trình địa lý không hay chỉ tập trung lo các môn học khác, tới lúc sắp thi mới lao vào ôn tập môn này. Đặc thù môn địa lý là kết hợp cả kiến thức, kỹ năng của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Thí sinh không chỉ học thuộc lòng kiến thức mà phải có những kỹ năng khác như tra cứu, phân tích số liệu, vẽ bản đồ, đồ thị...

Theo kết quả sơ bộ được báo cáo về Bộ GD-ĐT, cả nước chỉ có hơn 10 tỉnh, thành có tỉ lệ tốt nghiệp hệ THPT tăng nhẹ từ 0,02-2,08%, trong đó có một tỉnh tăng trên 1% (Quảng Trị) và một tỉnh tăng trên 2% (Tiền Giang). Hệ bổ túc THPT tỉ lệ vẫn tăng ở một số tỉnh, thành như Bình Dương, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng...

Tuy nhiên hầu hết các tỉnh đều có kết quả giảm, nhưng hệ THPT không giảm nhiều lắm. Giảm nhiều nhất là Lâm Đồng với 14,29%, Yên Bái giảm 7,81%, Tuyên Quang, Hà Giang giảm trên 4%, Điện Biên giảm trên 3%. Hệ bổ túc THPT có một số tỉnh giảm rõ rệt hơn, như Phú Yên giảm 63,16%, Lào Cai giảm 27,31%, Bắc Kạn giảm 29,92%, Đắk Nông giảm 29,77%. Các tỉnh, thành Vĩnh Phúc, Yên Bái, Thái Nguyên, Quảng Bình, Điện Biên, Hậu Giang, Đà Nẵng... có tỉ lệ giảm 20-25%. Trên 10 tỉnh, thành khác có tỉ lệ tốt nghiệp bổ túc THPT giảm khoảng 10%.

Thông tin mùa thi:

Kênh tuyển sinh: Nguồn tin tuổi trẻ