Đừng làm việc chỉ vì lương

Công ty nọ có một nhân viên đã làm việc mười năm ở đây song chưa bao giờ được tăng lương. Ngày nọ, không kìm được sự bực tức, anh ta đã đến phàn nàn trực tiếp với ông chủ. Ông chủ anh ta bảo: “Tuy đã làm việc cho công ty mười năm, nhưng kinh nghiệm làm việc của anh còn chưa bằng kinh nghiệm của người mới đi làm một năm, năng lực làm việc của anh cũng chỉ tương đương năng lực của người mới vào làm”.




Làm việc vì lương hay làm việc vì chính mình - Ảnh 1



Ngoài khoản tiền lương dành cho nhân viên mới vào làm trong suốt mười năm tuổi trẻ quý giá nhất của cuộc đời, người nhân viên đáng thương trên chẳng thu hoạch được thêm bất cứ điều gì. Đó chính là kết cục dành cho người chỉ làm việc vì tiền lương.

 

Bởi đa phần mọi người đều không hài lòng với mức lương hiện tại của bản thân nên họ đã đánh mất những thứ còn quan trọng hơn thế. Họ thường làm việc với thái độ đối phó, thà xén bớt một câu nói, một trang báo cáo, một đoạn đường, một giờ làm việc còn hơn… Họ nghĩ mình chỉ cần xứng đáng với khoản thù lao trước mắt, không hề nghĩ liệu mình có xứng đáng với mức thù lao của bản thân trong tương lai hay thậm chí tiền đồ sau này.

 


Làm việc vì lương hay làm việc vì chính mình - Ảnh 2



Đừng sợ những cố gắng, nỗ lực của bạn không được nhận ra. Hãy tin rằng đại đa số ông chủ đều khôn ngoan và sáng suốt. Những người luôn làm tròn trách nhiệm, hoàn thành tốt phận sự, chăm chỉ cầu tiến trong công việc cuối cùng sẽ được cất nhắc lên vị trí cao hơn và được nhận mức lương xứng đáng.

Nếu bạn chưa được trả công xứng đáng, bạn có thể xem xét vấn đề dưới góc độ khác. Sự cố gắng hiện giờ của bạn không phải chỉ để đổi lấy thù lao hiện tại, mà nó còn là sự đầu tư cho tương lai. Hãy hết lòng cố gắng làm việc vì bản thân, bạn đang làm việc cho chính mình. Cuộc sống không chỉ có mỗi hiện tại mà còn một tương lai lâu dài phía trước.

Công ty là một trường học khác giúp bạn trưởng thành hơn, còn công việc sẽ giúp bạn làm phong phú thêm vốn kinh nghiệm và hiểu biết của mình. So với những kỹ năng và kinh nghiệm ta học được từ công việc, khoản thù lao khiêm tốn rõ ràng thật nhỏ bé. Công ty trả công bạn bằng tiền bạc, công việc trả công bạn bằng vốn hiểu biết và khả năng hữu ích theo bạn suốt cả cuộc đời



Phát triển năng lực quan trọng hơn tiền bạc

Rất nhiều người thành công đều phải trải qua những thăng trầm trong cuộc đời, lúc vinh quang tột độ, khi thất bại ê chề, song cuối cùng họ vẫn có thể quay trở lại đỉnh cao sự nghiệp. Tại sao vậy? Bởi vì họ nắm giữ được một thứ quan trọng, đó chính là năng lực. Những năng lực họ có, dù là khả năng sáng tạo, khả năng ra quyết định hay khả năng nhận thức mẫn tiệp, không tự nhiên sinh ra, cũng không được hình thành chỉ sau một lần vấp ngã, mà là kết quả của quá trình học hỏi, tích lũy qua nhiều năm tháng miệt mài làm việc.

Rất nhiều nhân viên luôn tìm cớ biện minh cho sự biếng nhác và ngờ nghệch của bản thân. Người nói ông chủ xem thường năng lực và thành quả làm việc của anh ta, kẻ lại bảo sếp quá bủn xỉn, có cố gắng nữa cũng không nhận được khoản thù lao tương xứng.




Làm việc vì lương hay làm việc vì chính mình - Ảnh 3

 



Nếu cứ mãi băn khoăn nghĩ đến khoản thù lao mình sẽ nhận được, làm sao ta có thể nhận ra cơ hội trưởng thành ẩn giấu phía sau khoản thù lao đó? Làm sao ta có thể nhận ra ảnh hưởng to lớn của các kỹ năng cùng kinh nghiệm mình gặt hái được từ công việc đối với tương lai của bản thân? Nếu như vậy, ta sẽ chỉ trói chặt mình với chiếc phong bì đựng tiền công mà không bao giờ nhận ra điều ta thực sự cần.

Ta không thể lệnh cho ông chủ làm gì, song ta có thể yêu cầu bản thân làm việc theo cách tốt nhất; ta không thể yêu cầu ông chủ coi trọng, đối xử tốt với ta, song ta có thể yêu cầu bản thân tuân thủ nguyên tắc trong công việc. Bạn không nên ngừng cố gắng làm việc vì khuyết điểm của cấp trên để rồi làm mai một tài năng của bản thân, và cuối cùng hủy hoại tương lai của chính mình.

Trong khi đại đa số mọi người trên thế giới đều làm việc vì tiền lương, nếu bạn có thể làm việc vì sự trưởng thành của chính mình, bạn sẽ thực sự trở nên nổi bật và đặt được bước chân đầu tiên trên con đường hướng tới thành công.

Theo Trí thức trẻ