Lạm thu đầu năm học: \'Tự nguyện\' thực chất cũng là bắt buộc

Nhiều trường từng lạm thu các khoản mua trang phục, điều hòa, máy chiếu, xây dựng trường (Ảnh minh họa). Ảnh: Hồng Vĩnh

Không ít gia đình nghèo phải ngậm đắng nuốt cay, đi vay nóng để có tiền đóng cho con”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến.

Ông Lê Như Tiến nói:

Mặc dù trước ngày khai giảng, Bộ GD&ĐT cũng như nhiều Sở đã có những văn bản nhắc nhở với những quy định chặt chẽ, nhưng trên thực tế thời gian qua còn không ít trường vẫn xé rào, tự cho mình được quyền lạm thu.

Gánh nặng cho dân

Hầu như năm nào cũng vậy, bước vào năm học mới, lạm thu lại diễn ra, khiến nhiều phụ huynh, đặc biệt với những gia đình kinh tế eo hẹp rất lo lắng, xoay xở khắp nơi để có tiền đóng góp cho con. Ông nhìn nhận thế nào về thực trạng này?

Tôi đã được đọc nhiều văn bản của Bộ GD&ĐT, quy định không được tổ chức thu những khoản ngoài quy định, nhưng tình trạng lạm thu vẫn diễn ra. Chỉ thị của Bộ rất rõ ràng, nhưng các trường, các địa phương vẫn lạm thu với rất nhiều khoản không nằm trong quy định của Bộ, của nhà nước, tạo ra gánh nặng cho phụ huynh học sinh. Hình như ở đây có việc “trên bảo dưới không nghe”, kỷ cương kỷ luật chưa được thực hiện nghiêm túc.

Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã quy định, UBND các địa phương, hoặc Giám đốc Sở GD&ĐT quy định, nhưng các trường vẫn dành cho mình một đặc quyền, được tự tung tự tác trong chuyện thu các khoản phí đầu năm. Ngay tại Hà Nội và TPHCM, tôi được biết đã có quy định rất rõ, nhưng các trường vẫn lách luật để thu. Có những trường nói các khoản thu ngoài quy định là trên tinh thần “tự nguyện” đóng góp, nhưng thực chất “tự nguyện” cũng chính là bắt buộc. Bởi nếu không tự nguyện thì con em họ sẽ không được vào trường, hoặc trong quá trình học dường như sẽ bị sự o ép nào đó.

Nghĩa là dù không hề “tự nguyện” đóng góp, song vì muốn yên chuyện nên phụ huynh đành phải ngậm ngùi đóng góp?

“Chỉ thị của Bộ rất rõ ràng, nhưng các trường, các địa phương vẫn lạm thu với rất nhiều khoản không nằm trong quy định của Bộ, của nhà nước, tạo ra gánh nặng cho phụ huynh học sinh. Hình như ở đây có việc “trên bảo dưới không nghe”, kỷ cương kỷ luật chưa được thực hiện nghiêm túc”.

Phó Chủ nhiệm Lê Như Tiến

Tâm lý của phụ huynh học sinh nói chung là con đã vào được trường rồi thì đóng góp thêm một khoản tự nguyện gì đó cho trường, tuy nhiên nhiều phụ huynh cũng rất tâm tư. Những người có điều kiện, khá giả thì còn đỡ, nhưng đối với những hộ nghèo, nông dân, người có hoàn cảnh khó khăn thì rất bức xúc. Có những gia đình từng nói với tôi, vì núp dưới danh nghĩa “tự nguyện” mà họ đành ngậm đắng nuốt cay, đi vay nóng hoặc vay anh em bạn bè, vay ngân hàng để nộp tiền cho con.

Tình trạng lạm thu đầu năm học mới diễn ra đã nhiều năm nay, vậy theo ông cần phải làm gì để ngăn ngừa, khắc phục?

Muốn làm tốt, muốn khắc phục, ngăn ngừa thì trước tiên cần phải có những ý kiến chính thức, thẳng thắn của phụ huynh học sinh. Bên cạnh đó, các cơ quan thanh tra ngành giáo dục phải vào cuộc, tìm ra được những trường lạm thu mà phụ huynh học sinh đang coi đó như một gánh nặng đối với gia đình mình. Đó chính là cái mà cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục (Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT, thậm chí Phòng Giáo dục các huyện) cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra.

Tôi đề nghị cần phải có đường dây nóng, để khi xảy ra vấn đề gì, phụ huynh học sinh sẽ thông tin đến ngay và phải chỉ đạo xử lý kịp thời. Phát hiện trường nào lạm thu, phải xử lý nghiêm khắc.

Nên bỏ phí xây dựng, điều hòa…

Nhiều trường hợp báo chí nêu đích danh trường đặt ra những khoản thu phi lý, chẳng hạn ở bậc đại học, có trường thu tới 50 nghìn tiền làm thẻ sinh viên, tiền quản lý hồ sơ…với các mức thu không hề nhỏ. Song những trường hợp này lại không hề bị xử lý, ông thấy sao?

Lạm thu đầu năm học:  \'Tự nguyện\' thực chất cũng là bắt buộc - ảnh 1Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến
Các trường này không thể tự định ra những khoản phí vô cớ như thế được. Có những cái thuộc về quy định hành chính, nhà nước đã bỏ tiền đầu tư để tổ chức ra một bộ máy, mà lại đưa ra các khoản lệ phí như lệ phí phục vụ cho công tác tuyển sinh, hoặc phí phục vụ thư viện. Thư viện của trường sinh ra là để phục vụ cho nghiên cứu, học tập, sinh viên được thụ hưởng những giá trị đó. Không thể bắt buộc sinh viên nộp lệ phí thư viện, lệ phí đọc, hay phí quản lý hồ sơ. Tôi cho điều đó hoàn toàn trái với những quy định của nhà nước. Nhà nước đã dành 20% trong tổng ngân sách cho giáo dục - đào tạo rồi, con số đó rất lớn, không thể lấy lý do những phát sinh, chi phí thường xuyên trong giáo dục - đào tạo phụ huynh học sinh đóng góp, rất phi lý.

Tôi đề nghị khi phát hiện lạm thu điều quan trọng nhất là cơ quan thanh tra kiểm tra của Bộ, Sở GD&ĐT các tỉnh, Phòng GD&ĐT các huyện, thị phải vào cuộc kịp thời. Đối với những trường có biểu hiện như thế phải nêu danh tính cụ thể trên các phương tiện thông tin đại chúng, để làm gương.

Qua phản ánh của cử tri, phụ huynh học sinh, ông thấy loại phí nào đang trở nên nhức nhối nhất và loại phí nào cần phải loại bỏ?

Rất nhiều phụ huynh phản ánh có loại phí gọi là phí xây dựng trường. Dùng khái niệm xây dựng trường là rất chung chung. Đã xây dựng cơ sở đào tạo là nhà nước phải bỏ tiền ra xây dựng trường, lớp với kinh phí mỗi năm hàng chục nghìn tỷ đồng. Vậy tại sao lại phải bắt phụ huynh đóng khoản phí xây dựng trường? Rồi một số trường lại đưa ra khoản đóng góp tiền điều hòa, tiền nước uống… Một trường học bình thường phải đảm bảo các nhu cầu tối thiểu đó. Tại sao lại bắt phụ huynh phải đóng góp tiền vệ sinh, tiền an ninh? Bản thân nhà trường phải có bộ máy đảm bảo an ninh, phải có một quỹ nhất định để đảm bảo vệ sinh trong trường. Tôi cũng được phụ huynh phản ánh, và thấy rất bất ngờ khi có trường còn yêu cầu đóng góp tiền xây dựng công trình vệ sinh. Điều này rất vô lý, vì công trình vệ sinh đã nằm trong kế hoạch xây dựng cơ bản rồi, sao lại phải bắt phụ huynh đóng khoản tiền này?

Các khoản thu quỹ an ninh, vệ sinh, nước uống, điều hòa là vô lý… Nhà trường phải đảm bảo đầy đủ những chi phí tối thiểu này, chứ không phải do phụ huynh đóng góp. Các cơ sở giáo dục cũng phải hướng tới đảm bảo kinh phí ngân sách để đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho học sinh học tập, không phải yêu cầu học sinh phải đóng góp.

Méo mặt với các khoản thu

Trước khi lễ khai giảng diễn ra, nhiều trường trên địa bàn TPHCM đã tổ chức họp phụ huynh và công bố các khoản thu đầu năm. Nhiều phụ huynh tỏ ra bối rối khi phải đóng nhiều loại phí không rõ ràng.
Nhiều phụ huynh có con học lớp 2 tại trường Tiểu học Bình Trị 2, quận Bình  Tân, TP HCM đang than phiền vì phải đóng tiền khá nhiều để mua thêm nhiều loại sách khác. Một phụ huynh có con học lớp 2 trường này phàn nàn khi phải mua thêm sách viết đúng viết đẹp tập 1 và 2; luyện tập toán tập 1 và 2, chính tả tập 1 và 2 cộng thêm 3 bộ sách Anh văn. “Với những loại sách trên, chúng tôi phải bỏ ra trên 600 nghìn đồng”- người này nói.

Nhiều phụ huynh nói vừa khai giảng năm học là phải bỏ ra hơn 600.000 đồng để mua sách, đó là chưa tính đến tiền sách giáo khoa và thêm những khoản khác trong năm học nữa. Chị Nguyễn Thị M, một phụ huynh có con học ở trường tiểu học Trường Thọ, quận Thủ Đức cho biết trước đó đã vào nhà sách chọn mua bộ sách giáo khoa lớp 3 của NXB Giáo dục Việt Nam cho con. Nhưng khi nhập học, cô giáo cho biết cuốn tập viết trong bộ sách không hợp lệ, phải mua tập theo mẫu mới.

Một tuần trước khi khai giảng năm học mới, phụ huynh lớp 1 ở trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận 7 được mời họp để thông qua các khoản phí đầu năm. Do phòng học với hơn 40 học sinh nên cô giáo chủ nhiệm yêu cầu lắp 2 máy lạnh, thêm một tivi hiện đại có gắn internet 50 in; rèm cửa để che nắng. Ngoài ra, tiền điện chi trả cho việc dùng máy lạnh 30 nghìn đồng/học sinh cộng với chân ghế bằng sắt đã tróc sơn nên sơn lại... với tổng cộng mỗi phụ huynh phải đóng 1,3 triệu đồng. Chưa hết, trước khi lễ khai giảng diễn ra, phụ huynh nhận được thông báo phải đóng thêm 175 nghìn đồng/người để mua cho học sinh bộ sách  Anh văn 2 cuốn.

Trong khi đó, lại có nhiều trường tổ chức quyên góp từ thiện khi mới vào đầu năm học khiến nhiều phụ huynh cũng không khỏi bỡ ngỡ. Anh V.V.H, một phụ huynh Trường Tiểu học L.T.V  ở quận Gò Vấp, cho biết mới làm thủ tục nhập học cho con, nhà trường phát động phong trào quyên góp xã hội từ thiện để giúp đỡ người nghèo. Theo đó, nhà trường lại kèm theo quy định tiền quyên góp phụ huynh cho vào phong bì, dán lại và ghi tên học sinh. Điều này khiến nhiều phụ huynh không khỏi thắc mắc.

Theo Tiền Phong,

  • tin gốc: http://www.tienphong.vn/giao-duc/lam-thu-dau-nam-hoc-tu-nguyen-thuc-chat-cung-la-bat-buoc-906137.tpo
  • tin gốc: http://www.tienphong.vn/giao-duc/meo-mat-voi-cac-khoan-thu-906140.tpo