Làm thế nào để đạt được nghệ thuật thuyết trình giỏi như Steve Jobs?

Nếu có ai đáng được coi là bậc thầy thuyết trình trên sân khấu, người đó chính là Steve Jobs, cố đồng sáng lập của Apple. Trong khi Steve Jobs có nhiều tính cách khó bắt chước (hoặc không nên bắt chước) thì kỹ năng thuyết trình của ông lại là điều rất đáng học hỏi. Ông nổi tiếng là một người nghiêm khắc và nóng nảy nhưng cũng rất hài hước và chính những khả năng “pha trò” ấy đã giúp ông đạt được những hiệu quả lớn trong các bài thuyết trình.

Một câu chuyện thú vị về kỹ năng thuyết trình của Steve Jobs

Steve Jobs là một bậc thầy về thuyết trình, đó là điều ai cũng biết. Ông là CEO của nhiều tập đoàn lớn và hùng mạnh, nhưng nhắc đến ông, chúng ta có thể hình dung ngay ra Apple hay cụ thể hơn nữa là iPhone.

Và từ iPhone, có thể bạn chưa biết một câu chuyện thú vị trong bài thuyết trình quảng bá thương hiệu cho sản phẩm này. Bạn có biết Steve Jobs kết thúc bài biểu diễn iPhone như thế nào không?

Ông sử dụng Google Maps trên iPhone, tìm một cửa hàng Starbucks ở San Francisco, nơi diễn ra cuộc họp. Một danh sách các cửa hàng cafe Starbucks hiện ra trên điện thoại, rồi ông nói: "Ta hãy gọi cho họ xem sao!"

Một nhân viên Starbucks nhận cuộc gọi và nói: "Xin chào, đây là Starbucks. Tôi có thể giúp được gì ạ?"

Steve nói: "À vâng, tôi muốn mua bốn nghìn ly cafe sữa. Không. Mà thôi. Đùa chơi thôi. Nhầm số rồi. Tạm biệt!"

Cuộc trao đổi này làm mọi người phá lên cười.

Đây là một bài học đỉnh cao về kỹ năng thuyết trình. Thỉnh thoảng, việc bạn sử dụng một ít chuyện hài hước có sự liên quan mật thiết đến cuộc sống đơn giản hàng ngày của chính mình, bạn sẽ khiến không khí buổi thuyết trình vui vẻ, thoải mái và tự nhiên hơn rất nhiều.


10 bí quyết thuyết trình hiệu quả cần học hỏi từ bậc thầy Steve Jobs


1. Bài thuyết trình là một kịch bản phim

Là người gầy dựng Pixar thành tên tuổi lớn trong ngành điện ảnh thế giới, Steve Jobs sở hữu tư duy của một nhà làm phim kỳ cựu. Nhờ áp dụng tư duy đó, bài thuyết trình của ông luôn sinh động như một kịch bản phim với các nhân vật anh hùng và kẻ ác, vai chính, vai phụ và nhiều hiệu ứng âm thanh, hình ảnh ấn tượng.

Tuy nhiên, dù các hiệu ứng kỹ thuật này có vai trò quan trọng, bạn cần phải dành thời gian suy nghĩ, phác thảo, trao đổi nhằm có được một câu chuyện, một kịch bản hoàn chỉnh.


2. Mô tả sản phẩm súc tích nhưng mạnh mẽ

Steve Jobs luôn mô tả sản phẩm của mình trong một câu đơn, vừa đủ cô đọng để không vượt quá giới hạn 140 ký tự cho mỗi mục đăng trên Twitter, nhưng cũng vừa đủ thông tin để khán giả hình dung trọn vẹn về sản phẩm. Như với MacBook Air chẳng hạn, khi lần đầu tiên giới thiệu sản phẩm này vào tháng 1.2008, ông chỉ nói ngắn gọn: “Chiếc notebook mỏng nhất thế giới”. Luôn ghi nhớ khi rèn luyện kỹ năng thuyết trình rằng bạn phải cung cấp cho người nghe bức tranh toàn cảnh trước, sau đó mới đến các chi tiết.


3. Giới thiệu “kẻ xấu”

Bạn sẽ dễ dàng nhận ra mô-típ anh hùng chiến thắng quái vật của các câu chuyện cổ tích trong bài thuyết trình của Steve Jobs. Năm 1984, quái vật trong câu chuyện của ông là “người khổng lồ màu xanh” IBM. Ông kể một câu chuyện có nội dung nôm na là “Người khổng lồ màu xanh” muốn lấy đi tất cả và chỉ có Apple mới ngăn chặn được hắn. Câu chuyện rất ấn tượng và đám đông như phát cuồng lên. Tuy nhiên, cần lưu ý là “kẻ xấu” này không nhất thiết phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp mà có thể là một vấn đề khó khăn chưa tìm ra giải pháp. Như khi Steve Jobs giới thiệu iPhone hồi tháng 1.2007, “kẻ xấu” trong bài thuyết trình của ông là những khó khăn mà người sử dụng điện thoại đang gặp với công nghệ hiện đại.


4. Tập trung vào lợi ích sản phẩm

Phong cách bán hàng của Steve Jobs rất rõ ràng và nhất quán, ông chỉ bán cho khách hàng lợi ích của sản phẩm. Vì sao phải mua iPhone 3G? Vì “tốc độ xử lý tăng gấp đôi với giá chỉ còn một nửa”. Điều gì khiến Time Capsule (ổ cứng tự động sao lưu dữ liệu thông qua kết nối không dây) trở nên tuyệt vời? Vì tất cả hình ảnh, video và tài liệu không thể thay thế sẽ được bảo vệ và dễ dàng phục hồi khi bị thất lạc.

Không ai quan tâm đến sản phẩm của bạn đâu. Họ chỉ cần biết sản phẩm hay dịch vụ của bạn sẽ cải thiện cuộc sống của họ thế nào. Hãy tạo sợi dây kết nối với khách hàng, đừng để họ phải phỏng đoán.


5. Tuân thủ quy tắc “số 3”

Steve Jobs luôn chia bài thuyết trình làm 3 phần. Với Steve Jobs, số 3 dễ nhớ hơn số 6 hay 8. Bạn có thể có 20 điều muốn nói về sản phẩm nhưng khán giả chỉ có khả năng ghi nhớ chừng 3 điểm bằng bộ nhớ ngắn hạn. Nói cho họ nghe quá nhiều thì họ sẽ quên hết ngay.


Làm thế nào để có kỹ năng thuyết trình giỏi như Steve Jobs?

Làm thế nào để có kỹ năng thuyết trình giỏi như Steve Jobs?


6. Hãy bán ước mơ, đừng bán sản phẩm

Steve Jobs không bán máy tính, ông bán lời hứa làm thế giới tốt đẹp hơn. Khi trình làng sản phẩm iPod vào năm 2001, ông nói: “Chúng tôi muốn làm thế giới tốt đẹp hơn bằng đóng góp nhỏ bé của mình”. Khi mà ai cũng cho rằng iPod là một thiết bị nghe nhạc, thì Steve Jobs nhìn thấy ở đó “một công cụ làm phong phú thêm cuộc sống con người”. Dĩ nhiên với một sản phẩm, chất lượng cao có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng niềm đam mê, lòng nhiệt tình và nhận thức về mục đích sẽ khiến công ty bạn trở nên khác biệt.


7. Thuyết trình giàu hình ảnh

Sản phẩm của Apple rất dễ sử dụng vì chúng có thiết kế đơn giản. Tinh thần này cũng được áp dụng trong các bài thuyết trình của Steve Jobs. Không hề có những ký tự gạch đầu dòng, thay vào đó là rất nhiều hình ảnh sinh động và có ý nghĩa. Số chữ trung bình cho 1 trang slide PowerPoint là khoảng 40 nhưng bạn sẽ không thể tìm thấy quá 7 từ trong một trang slide thuyết trình của Steve Jobs. Kỹ thuật mà ông áp dụng gọi là “Mạnh hơn nhờ hình ảnh”. Khi ra mắt máy tính MacBook Air, ông khiến khán giả trầm trồ khi thực hiện động tác bỏ chiếc MacBook Air vào vừa vặn một chiếc phong bì giấy dùng trong văn phòng. Steve Jobs nói: “Đơn giản là đỉnh cao của sành điệu”.


8. Chọn lọc các con số có ý nghĩa

Khán giả thường chú ý đến các con số lớn. Vì thế, bất kỳ bài thuyết trình nào của Apple cũng khai thác triệt để các con số lớn. Như khi nói về iPod, con số 220 triệu chiếc bán ra, chiếm 73% thị trường đã được nhấn mạnh. Đồng thời, những con số bé (nhưng trung thực) về đối thủ cũng được cung cấp. Trong ví dụ trên, bên cạnh con số ấn tượng của iPod, 1%, thị phần khiêm tốn của Microsoft trong thị trường thiết bị nghe nhạc cũng được đưa ra.


9. Sử dụng những từ ngữ đầy hăng hái

Trái với nhiều diễn giả khác vốn chuộng lối nói hàn lâm, phức tạp mà nhiều khi khiến người nghe cảm thấy mơ hồ, bối rối, Steve Jobs có kỹ năng mềm đặc biệt khi sử dụng ngôn ngữ rất đơn giản, rõ ràng và trực tiếp. Đấy cũng chính là kỹ năng thuyết trình hiệu quả mà chúng ta có thể áp dụng trong mọi hoàn cảnh. Thực tế mà nói, ông có biệt tài chơi đùa cùng ngôn ngữ và hiếm khi nào ông sử dụng từ ngữ chuyên môn. CEO huyền thoại Jack Welch của General Electric, từng nói: “Những giám đốc không tự tin mới làm mọi chuyện trở nên phức tạp”.


10. Tạo ra những khoảnh khắc bất ngờ

Bài thuyết trình nào của Steve Jobs cũng có những khoảnh khắc bất ngờ khiến khán giả không thể nào quên. Năm 2007, thay vì mở đầu bài giới thiệu iPhone bằng kiểu nói thông thường như “Apple đã tung ra một mẫu điện thoại mới có khả năng chơi nhạc, trò chơi và chiếu phim” thì Steve Jobs lại chọn cách tiếp cận khác: “Hôm nay, chúng tôi giới thiệu 3 sản phẩm đột phá nhất của mình. Đầu tiên là một chiếc iPod mới có màn hình rộng cảm ứng. Thứ hai là một chiếc điện thoại mang tính cách mạng. Và sau cùng là một thiết bị kết nối với Internet... Bạn đoán là gì chưa? Chúng không phải 3 mà chỉ là 1 thiết bị thôi”.


Và bí quyết thuyết trình quan trọng nhất 10+++: Hãy tập luyện thật nhiều

Steve Jobs dành hàng giờ tập luyện, hình dung trong đầu từng cảnh của bài thuyết trình, giống như một diễn viên tập kịch. Nhìn kỹ năng thuyết trình “tự nhiên như không” của ông, ít ai nghĩ đó là kết quả của một quá trình tập luyện đầy gian khổ. Nếu chịu khó tìm lại những đoạn phim quay bài thuyết trình của ông cách đây hơn 20 năm (hiện vẫn còn trên Youtube), bạn sẽ thấy Steve Jobs năm 1984 rất “cứng”, Steve Jobs năm 1997 là một diễn giả lịch thiệp, nhưng Steve Jobs năm 2007 thật tinh tế và là bậc thầy của nghệ thuật thuyết trình.


Đúc kết kinh nghiệm thuyết trình từ Steve Jobs

Tóm lại, bạn có thể làm ra một sản phẩm đỉnh cao thế giới, nhưng sẽ chẳng ai buồn để ý đến nó nếu họ không hiểu chúng sẽ giúp họ những gì. Để đảm bảo mỗi từ nói ra đều thật đắt, những người kể chuyện đại tài sẽ luôn giới thiệu một kẻ phản diện bên cạnh nhân vật anh hùng chính nghĩa. Họ chọn cách diễn đạt bằng lối kể chuyện đơn giản đến nỗi một cậu nhóc tiểu học cũng có thể hiểu ngay.

Bạn cũng hoàn toàn có thể thu phục những khách hàng khó tính nhất với bí quyết này. Bắt đầu vở diễn bằng việc mô tả bối cảnh thực trạng, chỉ rõ kẻ xấu (vấn đề tồn tại) mà họ phải đối mặt, và cho họ một tia sáng cuối đường hầm với sự xuất hiện của vị anh hùng (sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn), nói rõ rằng chính vị anh hùng này sẽ giúp họ tóm gọn kẻ xấu. Cuối cùng, nhớ vẽ nên bức tranh tươi đẹp về một thế giới thanh bình không còn kẻ ác, bạn sẽ nhanh chóng làm chủ mọi cuộc chơi.

Thuyết trình là một kỹ năng khó. Không ai sinh ra đã biết thuyết trình. Để trở thành một người diễn thuyết giỏi, được nhiều người công nhận, Steve Jobs đã rèn luyện và hoàn thiện kỹ năng của mình nhờ tập luyện rất nhiều. Học từ ông những bí quyết thuyết trình như trên cộng thêm sự nỗ lực sẽ giúp bạn nắm trong tay kỹ năng thuyết trình hiệu quả nhất.

 

Tham khảo từ Sukienhay

Bài viết thuộc chủ đề: kỹ năng thuyết trình, thuyết trình hay như Steve Jobs, bí quyết thuyết trình của Steve Jobs, tài năng diễn thuyết của Steve Jobs, mẹo thuyết trình hiệu quả.