Làm sao để thay đổi cách dạy tiếng Anh không giống ai ở Việt Nam?

Một trong các mục tiêu tổng quát của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 là đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa…

Tuy nhiên, theo công bố của Bộ GD-ĐT, kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2016 vừa qua cho thấy, điểm trung bình của môn tiếng Anh chỉ đạt 3,48. Điều này cho thấy, kết quả dạy và học ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng còn xa với mục tiêu.

Theo đánh giá của giáo viên, chúng ta đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng chưa đồng bộ và điều quan trọng vẫn chưa thực sự tạo được động cơ cho người học.

Học tiếng Anh trong nhà trường là chưa đủ

ThS. Nguyễn Thị Diệu Linh, Trưởng Bộ môn tiếng Anh cơ sở, Viện Ngoại ngữ - ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định, tiếng Anh lúc nào cũng quan trọng và ngày nay càng quan trọng hơn, bởi trong xu thế hội nhập, nó là công cụ mà bất cứ sinh viên nào cũng phải có để có thể tiếp cận thế giới bên ngoài và tiếp cận thông tin.

Tuy nhiên, trước vấn đề dạy và tiếng Anh trong nhà trường đã đủ trang bị cho sinh viên ra ngoài đời chưa, như mục tiêu Đề án đặt ra? Cô Diệu Linh cho rằng đây là vấn đề rộng và cần đánh giá trên nhiều phương diện. Hiện nay, điều kiện giảng dạy tiếng Anh ở trong trường phổ thông và đại học rất hạn chế. Do đó, nếu sinh viên chỉ trông chờ vào việc học trong trường để có thể trang bị vốn kiến thức đầy đủ, có thể tiếp cận thế giới bên ngoài thì thực sự chưa đủ.

ThS. Nguyễn Thị Diệu Linh nhấn mạnh: Về mặt tâm lý, xã hội có phần đúng khi gắn trách nhiệm cho cho nhà trường trong bối cảnh nhiều sinh viên ra trường không biết gì về tiếng Anh. Tại vì khi gửi con em đến trường, phụ huynh nào cũng mong muốn nhà trường trang bị tốt kiến thức, kỹ năng cho con em mình. Tuy nhiên, phụ huynh cũng phải nhận thấy trách nhiệm của em mình là chính.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số bất cập trong dạy và học tiếng Anh, đó là thiếu sự đồng bộ, chưa có sự nối tiếp từ bậc phổ thông lên đại học. Đôi khi ở bậc phổ thông hiện nay được đầu tư những chương trình tiếng Anh tăng cường, mới mẻ; tuy nhiên để nối tiếp được vào đại học thì còn nhiều vấn đề phải làm.

Ví dụ, theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT đặt ra là học sinh tốt nghiệp trung học phải đạt trình độ B1; đồng thời tại các trường đại học, sinh viên (không nói tới sinh viên chuyên tiếng Anh) tốt nghiệp ra trường cũng chỉ đạt trình độ B1 mà thôi, song đến bây giờ, nhiều sinh viên vẫn không đạt được trình độ đó.

Nhiều trường đại học rất lúng túng trong việc dạy tiếng Anh như thế nào cho hiệu quả, vì không thể giải được bài toán hóc búa giữa số lượng và chất lượng. Số lượng học sinh thì đông, không thể nào hạn chế được, trong khi chất lượng muốn nâng cao.

“Cùng một mức đầu tư thì làm sao có thể nâng cao được chất lượng giáo dục được. Do đó người học vẫn là yếu tố chủ chốt. Học tiếng Anh không chỉ ở trong nhà trường mà học sinh, sinh viên có thể học ở mọi lúc, mọi nơi. Bên ngoài nhà trường có rất nhiều sự hỗ trợ về xã hội hay các kênh thông tin. Cho nên người học phải chủ động. Nhà trường cũng thiên về hướng hỗ trợ và hướng dẫn cách học là chính” – cô Diệu Linh chia sẻ.

Làm sao để “dạy ngoại ngữ không giống ai?”

Tại hội nghị khoa học về dạy và học ngoại ngữ, do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức gần đây, PGS.TS Nguyễn Văn Trào, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội khẳng định: Trong bối cảnh hội nhập rất sâu vào khu vực và trên thế giới như AEC, TPP, Việt Nam phải phải đào tạo ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng, trong bối cảnh toàn cầu; phải được xây dựng trên cơ sở đời sống xã hội Việt Nam và trong mối quan hệ với đời sống thế giới.

Chúng ta không thể tự tin nói rằng đào tạo “theo cách của chúng tôi”. Điều đó có thể phản ánh đúng với Việt Nam, nhưng có thể dẫn tới tình trạng - nói như cựu Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận là “chúng ta dạy ngoại ngữ không giống ai”. Cho nên, nếu muốn “không giống ai”, phải đặt với quan hệ với thế giới, hướng đến “chuẩn hóa toàn cầu”.

PGS.TS Nguyễn Văn Trào cho rằng, việc dạy ngoại ngữ cần phải “nhích thêm một bước nữa”, đó là cần chú trọng phát triển năng lực của sinh viên và người học phải có động cơ học tập.

“Chương trình đào tạo đại học của chúng ta bấy lâu vẫn theo kiểu các em đến đây, thầy chỉ cho mà biết, thầy làm chủ hết, học sinh chỉ việc đến lấy mang về. Có cô kết thúc lớp học còn nói cô chuẩn bị cho hết, các em chỉ mang về thôi mà thi không nổi. Cái đó cũng tốt, nhưng chăm sóc quá đà dẫn đến vai trò của người học bị đánh cắp. Người thầy cần trang bị năng lực định hướng cũng như tư duy bậc cao cho sinh viên. Thay vì trang bị kiến thức để các em cất tủ hoặc khoe với thiên hạ, thì hãy để họ trưng trổ” – ông Nguyễn Văn Trào nói.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Trào, “đổi mới dạy và học ngoại ngữ” chính là “đường đua nhiều thách thức”. Bởi chính nhà trường đang phải luôn đổi mới để khẳng định thương hiệu, bằng việc cung ứng ra cho thị trường lao động các sản phẩm đào tạo chất lượng tốt nhất.

Giảng viên tiếng Anh Nguyễn Thị Diệu Linh cũng nhấn mạnh, việc dạy tiếng Anh thiên về ngữ pháp truyền thống đã không hoàn toàn đúng với ngày nay. Các trường đã có nhiều cố gắng cải thiện phương pháp, đưa kết hợp 4 kỹ năng vào giảng dạy. Tuy nhiên, khi dạy 4 kỹ năng thì thời lượng lại quá ít, cho nên chất lượng không phải “chốc lát” có thể đạt ngay được./.

Theo VOV, nguồn: http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/lam-sao-de-thay-doi-cach-day-tieng-anh-khong-giong-ai-o-viet-nam-558645.vov