Kỳ thi THPT Quốc gia: Thay đổi để tốt hơn­­Các thí sinh trong Kỳ thi THPT Quốc gia 2015.

Có nên ôm đồm?

Theo GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; rất nhiều nhà giáo, chuyên gia giáo dục cho rằng Bộ GD&ĐT ôm đồm nhiều việc. Vậy liệu Bộ có nên ôm đồm nữa không? Kỳ thi vừa qua chứng tỏ tư duy còn nặng về hành chính… Kỳ thi 3 chung đã qua rồi. Bây giờ phải chuyển sang một thời kỳ khác.

Theo GS Phạm Minh Hạc, Bộ GD&ĐT chỉ nên đứng ở cương vị quản lý như ra đề thi và giao cho các Sở GD&ĐT triển khai, các trường THPT thực hiện, HS trường nào thi trường đó. Tức là kỳ thi quốc gia nhưng ở các trường THPT tự tổ chức. Đồng thời, đối với các trường ĐH, CĐ, Bộ chỉ nên quản lý, giao tiêu chí, chỉ tiêu tuyển sinh và để trường nào tự tổ chức tuyển sinh trường đó. HS nào muốn thi vào trường nào thì nộp đơn vào trường đó rồi đến thi. Sau khi thi xong, nhà trường sẽ gửi giấy báo kết quả cho những HS trúng tuyển nhập học. Như vậy, các em sẽ không phải vật vã hàng tháng trời, tốn kém đi nộp đơn xét tuyển, đi rút hồ sơ mà chưa chắc đã trúng tuyển. Bộ chỉ cần có chủ trương, giao chỉ tiêu, tiêu chí tuyển sinh ĐH, CĐ cho các trường. Sau đó, để các trường tự tổ chức, Bộ chỉ việc thanh tra, đánh giá.

“Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng khan hiếm thí sinh ở các trường CĐ, trường nghề? Trước hết, theo tôi việc thi cử phải gắn liền với phân luồng hướng nghiệp cho HS. Tức là phải hướng dẫn cho HS tự đánh giá mình phù hợp với những ngành nghề nào. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT chỉ mới tổ chức thi chứ không kết hợp với phân luồng để các em có những lựa chọn phù hợp với năng lực của bản thân. Bởi , tôi thấy rằng nước giàu nhất thế giới như nước Mỹ cũng chỉ có 70% học sinh PT đỗ vào ĐH, CĐ. Nước ta là nước nghèo, các gia đình nông thôn quá nghèo vậy, cánh cửa duy nhất không phải là ĐH” – GS Hạc cho hay.

Không nên phân biệt hai cụm thi

Ông Đoàn Đức Liêm, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình nhận định: Năm vừa rồi, các em HS có thể lựa chọn để thi tốt nghiệp ở cụm thi Sở, có thể lựa chọn đăng ký cả hai và thi tại cụm thi do trường ĐH chủ trì. Chúng ta cứ nghĩ HS thi tại địa phương là HS yếu kém. Có lẽ rằng cũng không nên nặng nề lắm việc đó. Hai nữa là số điểm vào trường ĐH, CĐ của chúng ta bây giờ cũng không phải đến mức các em không đạt được. Theo tôi cứ để các nguyện vọng cho các em, còn việc thi tại địa phương cũng có thể tổ chức thi cho các em bởi vì các em không có điều kiện để đi đến các cụm thi ĐH. Hoặc có thể vẫn hai cụm thi như thế nhưng HS ở địa phương cần được tạo điều kiện cùng lúc có thể đăng ký vào ĐH, CĐ.

Ông cho biết thêm: Theo tôi đánh giá bằng học bạ là đánh giá rất cần thiết và khoa học, bởi thế chúng ta cần quản lý tổ chức thật nghiêm túc việc học và đánh giá. Nói về chuyện học bạ của các em rất đẹp? Ông Liêm phân tích: Chúng ta không nên nghĩ đến những thông tin như vậy. Tại sao không nghĩ đến kỳ tuyển sinh 2015 vừa rồi, các em thi vào ĐH điểm rất cao. Sửa học bạ cũng không bao nhiêu đâu. Phải hướng đến việc làm, dạy và học đánh giá thực chất nhất.

Khắc phục về đăng ký nguyện vọng

Theo ông Đoàn Đức Liêm, Bộ GD&ĐT cũng nên khắc phục việc đăng ký nguyện vọng cho thí sinh. Tôi nghĩ nếu để 4 đợt đăng ký xét tuyển thì nhiều quá. Người ta bổ sung thêm 1 đợt thôi hoặc là 3 đợt tất cả thôi.

Chúng ta cũng không nên cùng một lúc đăng ký nhiều nguyện vọng trong nhiều trường, và cùng lúc nhiều trường trong thời gian dài. Chúng ta phải giải quyết được việc thực hiện giới hạn rõ ràng của các em HS và cũng phải có thao tác kĩ thuật làm sao để tránh được lượng HS ảo đăng ký. Ông cũng cho rằng, quyền để HS nộp hồ sơ và rút hồ sơ vẫn giữ nhưng cần có giới hạn về mặt thời gian. Không nên để quá  1 tuần.

Theo Đại đoàn kết, nguồn: http://daidoanket.vn/khoa-giao/ky-thi-thpt-quoc-gia-thay-doi-de-tot-hon/68289