Kỳ thi THPT quốc gia 2015: Phân vân lựa chọn cụm thi

Việc tổ chức hai cụm thi ở kỳ thi THPT Quốc gia 2015 khiến nhiều học sinh băn khoăn. Ảnh: Q.Anh

Chọn cụm thi nào?

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT Quốc gia 2015 sẽ có hai loại cụm thi, thứ nhất dành cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ được tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do trường ĐH chủ trì. Thứ hai, cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, thành do Sở GD&ĐT chủ trì.

Bộ GD&ĐT phân chia hai loại đối tượng thí sinh ra hai cụm thi khác nhau, nhưng đề thi lại giống nhau, vì thế những thí sinh đăng kí dự thi để xét tốt nghiệp THPT vẫn có khả năng vào ĐH, CĐ bởi nhiều trường có đề án xét tuyển riêng dựa vào kết quả tốt nghiệp và học lực những năm học THPT. Bên cạnh đó, Bộ đã ban hành quy chế, song đến nay vẫn chưa đưa ra thông tin cụ thể về các cụm thi khiến không ít thí sinh băn khoăn, không biết nên chọn thi theo cụm nào.

Sắp tham dự kỳ thi quan trọng sắp tới, Lê Anh Đức (học sinh lớp 12 tại quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Em rất phân vân trong việc lựa chọn cụm thi. Nếu thi ở cụm do trường ĐH, CĐ tổ chức thì chắc chắn sẽ khắt khe, áp lực. Còn thi để xét tốt nghiệp THPT thì nhiều khả năng việc coi thi sẽ không “căng” như trường ĐH, CĐ tổ chức (?). Em đang nghiêng về khả năng sẽ thi ở cụm thi tốt nghiệp THPT rồi dùng kết quả này để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có đề án tuyển sinh riêng. Em thấy nhiều trường ĐH xét tuyển dựa trên học lực, hạnh kiểm và kết quả thi tốt nghiệp THPT của thí sinh”.

Trong khi đó, thí sinh ở các địa phương cũng canh cánh mối lo chuyện đi thi, không biết cụm thi được tổ chức ra sao. Thí sinh Lê Thanh Tùng (Tân Lạc, Hòa Bình) cho biết: “Năm nay em tham dự kỳ thi THPT Quốc gia và dùng kết quả này để tham gia xét tuyển vào ĐH, CĐ. Đến giờ em cũng chưa biết tỉnh Hòa Bình có tổ chức cụm thi ở huyện hay không, hay lại phải lên thành phố để thi. Hơn nữa, tỉnh em không có trường ĐH, nên chưa biết tỉnh sắp xếp cụm thi thế nào. Nếu gộp với với cụm thi tỉnh khác, liệu có phải đi tỉnh khác thi không?”.

Thiếu công bằng giữa các thí sinh?

Đây là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT thực hiện kỳ thi “2 trong 1” và cũng là kỳ thi rất quan trọng đối với các học sinh sau 12 năm đèn sách nên không chỉ các thí sinh mà nhiều phụ huynh cũng đặc biệt quan tâm tới các quy định của kỳ thi này.

Phụ huynh Nguyễn Thị Hà có con học lớp 12 Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) lo lắng: “Đằng nào các cháu cũng thi chung đề, chung đợt, tại sao lại phân biệt thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT hay để xét vào ĐH, CĐ chứ? Bên cạnh đó, cháu nào thi ở cụm của địa phương tổ chức sẽ được thi ở gần nhà, thậm chí tại trường đang học nên sẽ bớt căng thẳng. Còn cháu nào thi ở cụm do trường ĐH tổ chức thì phải di chuyển tốn kém, thêm nữa rất đông thí sinh từ nơi khác đến nên sẽ rất căng thẳng. Cách coi thi giữa hai cụm liệu có công bằng giữa các thí sinh?”.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, việc chia ra làm hai loại cụm thi có thể sẽ gặp nhiều rắc rối và các thí sinh cũng chưa được hưởng lợi nhiều. TS Nguyễn Tùng Lâm nhận xét: “Theo tôi, Bộ GD&ĐT nên tổ chức một hình thức cụm thi. Bởi, tổ chức hai hình thức cụm thi sẽ tạo ra sự phân biệt giữa thí sinh. Ngoài ra, một số thí sinh đăng kí thi ở cụm thi để xét tốt nghiệp THPT nhưng lại đạt kết quả cao và muốn xét tuyển vào trường ĐH, CĐ thì liệu các trường ĐH, CĐ có lấy các em ấy? Theo tôi, như thế là mất đi cơ hội của thí sinh”.

Theo một số chuyên gia giáo dục, việc phân chia hai loại cụm thi không có ý nghĩa thực tế và khiến công tác tuyển sinh thêm rối. Thậm chí, nhiều trường ĐH cũng “loay hoay” trong công tác tuyển sinh. Theo đó, Bộ cần đưa ra những thông tin cụ thể về cụm thi sớm để các trường, thí sinh nắm rõ và có sự lựa chọn sớm. Nhiều ý kiến cho rằng, không nên có hai cụm thi, hai loại thí sinh, bởi đằng nào thì các em cũng dùng mục đích đỗ tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT Quốc gia năm nay dự kiến sẽ có 38 cụm thi liên tỉnh (ít nhất 2 tỉnh, thành phố/cụm thi) dành cho các thí sinh vừa thi tốt nghiệp THPT, vừa dùng kết quả để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Đồng thời, có hơn 60 cụm thi tỉnh dành cho các thí sinh chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp THPT. Theo Bộ, việc tổ chức ở các địa điểm thi tại các cụm thi đều theo quy trình giống nhau. Tới đây, Bộ sẽ công bố danh sách cụm thi và đưa ra hướng dẫn cụ thể về quy chế tuyển sinh năm 2015.

Theo Gia đình và Xã hội, tin gốc: http://giadinh.net.vn/giao-duc/ky-thi-thpt-quoc-gia-2015-phan-van-lua-chon-cum-thi-20150311093328724.htm

Tuyển sinh, tuyển sinh 2015, kỳ thi THPT quốc gia