Kỳ thi THPT Quốc gia: Có cần thiết một nơi hai cụm thiNhiều ý kiến cho rằng không cần phân biệt 2 loại cụm thi khác nhau

Tạo thuận lợi cho thí sinh

Năm 2015, các thí sinh dự thi với 2 mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ bắt buộc phải thi ở cụm thi liên tỉnh do trường ĐH chủ trì. Việc này đã dẫn tới thí sinh ở tỉnh này ồ ạt kéo sang tỉnh khác để tham dự kỳ thi THPT quốc gia kéo dài tới 4 ngày. Ông Phạm Văn Sáng, Hiệu trưởng trường THPT Ứng Hòa B, huyện Ứng Hòa cho biết, năm ngoái, học sinh của trường này chia về 2 cụm thi tại Xuân Mai và Phú Xuyên. “Việc di chuyển này khiến học sinh vất vả hơn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm trước. Tuy nhiên, so với học sinh các tỉnh khác phải về Hà Nội dự thi thì học sinh Thủ đô vẫn thuận lợi hơn rất nhiều. Năm nay, quy định mới của Bộ GD-ĐT mỗi tỉnh đều có 2 cụm thi sẽ hạn chế vất vả cho thí sinh ở tất cả các địa phương” - ông Phạm Văn Sáng cho biết.

Để tạo thuận lợi cho thí sinh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, dự thảo quy chế thi THPT quốc gia 2016 đưa ra quy định mỗi tỉnh sẽ tổ chức 2 cụm thi, một cụm thi do địa phương tổ chức và một cụm thi do các trường ĐH tổ chức. Như vậy, với những thí sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT thì vẫn được thi ở cụm thi do sở GD-ĐT địa phương đó chủ trì. Còn thí sinh có 2 mục đích thì thi ở cụm thi do các trường ĐH chủ trì.

Không nên có sự phân biệt

Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, mặc dù Sở GD-ĐT chủ trì cụm thi địa phương nhưng vẫn phải phối hợp với cụm thi đó trường ĐH tổ chức. Vì thế sẽ không có chuyện thi ở cụm thi địa phương dễ hơn thi ở cụm do trường ĐH chủ trì. Mô hình tổ chức cụm thi ở địa phương hay cụm do trường ĐH chủ trì đều giống nhau. Cả 2 loại cụm thi đều có sự phối hợp giữa các trường ĐH và sở GD-ĐT trong việc điều động cán bộ, giáo viên coi thi, chấm thi, tham gia các khâu trong việc tổ chức kỳ thi. “Vì thế, với cả 2 loại cụm thi, sự tin cậy, khách quan đều sẽ được quan tâm, đảm bảo” - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội phân tích: “Nếu cách làm như nhau, đề thi, chấm điểm giống nhau, cùng có sự phối hợp giữa địa phương và các trường ĐH thì tại sao lại phải chia làm 2 loại cụm thi? Điều này khiến các thí sinh vô tình bị phân biệt thành 2 loại với chất lượng thi khác nhau. Tôi cho rằng không nên có sự phân biệt thí sinh. Các em cần được đánh giá công bằng khi đã làm cùng một bài thi. Việc Bộ khẳng định, cả 2 cụm thi cùng công bằng, khách quan nhưng lại chỉ cho phép các trường xét tuyển các thí sinh dự thi ở cụm thi ĐH chủ trì là mâu thuẫn”.

Ông Phạm Văn Sáng cũng đồng ý quan điểm chỉ cần 1 loại cụm thi với sự phối hợp của trường ĐH và Sở GD-ĐT. “Năm ngoái, tâm lý các thí sinh chỉ dự thi để xét tốt nghiệp THPT có phần lo ngại thi ở cụm thi do trường ĐH chủ trì sẽ khắt khe hơn. Tuy nhiên, sau kỳ thi, thí sinh và người nhà có thể nhận thấy thi ở đâu cũng như vậy. Năm nay, thí sinh lại không phải thi liên tỉnh thì việc phân làm 2 cụm theo tôi là không cần thiết” - ông Phạm Văn Sáng chia sẻ.

Thêm một vấn đề là năm 2015, Bộ GD-ĐT đã phân chia thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ phải dự thi ở cụm thi do trường ĐH chủ trì. Tuy vậy, ngoại trừ một số trường ĐH tốp đầu thực hiện nghiêm túc việc chỉ tuyển sinh thí sinh dự thi ở cụm thi ĐH thì những trường tốp dưới đều sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển, mà không cần phân biệt thi ở cụm thi địa phương hay cụm thi ĐH. “Tôi cho rằng kỳ thi THPT quốc gia năm nay cần được tổ chức gọn nhẹ, hạn chế vất vả đi lại cho thí sinh, có sự tham gia phối hợp giữa các trường ĐH, trường THPT và chính quyền địa phương. Vì vậy Bộ GD-ĐT nên thống nhất chỉ có 1 loại cụm thi” - ông Phạm Văn Sáng nên ý kiến.

Theo ANTĐ, nguồn: http://anninhthudo.vn/giao-duc/ky-thi-thpt-quoc-gia-co-can-thiet-mot-noi-hai-cum-thi/662972.antd