Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Còn tiềm ẩn yếu tố khó lườngNăm 2015, nhiều thí sinh đã gặp phải khó khăn khi đăng ký xét tuyển vào các trường đại học. Ảnh ĐH

Nguy cơ “vỡ trận”

Năm nay, đợt xét tuyển đầu tiên mỗi thí sinh được đăng ký vào tối đa 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành đào tạo. Thí sinh có thể nộp đăng ký xét tuyển theo đường bưu điện hoặc qua internet.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, điều này sẽ xảy ra tình trạng thí sinh chờ đến những ngày cuối cùng của mỗi đợt xét tuyển để lựa chọn đăng ký xét tuyển vào các trường. Khi một lượng thí sinh “dồn dập” đăng ký vào những ngày cuối cùng nếu các phương tiện kỹ thuật, đường truyền internet… không đáp ứng yêu cầu sẽ khiến cho các trường đại học “trở  tay” không kịp.

Bên cạnh đó, thí sinh được phép thay đổi nguyện vọng 3 trường ở các đợt sau. Mỗi trường, thí sinh được phép thay đổi 2 ngành học khác nhau thì rất có thể lặp lại tình trạng rút- nộp hồ sơ một cách ồ ạt như năm 2015 khiến các trường đại học xử lý không kịp và thí sinh rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Ông Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Well Spring (Hà Nội) cho biết: Ở những đợt xét tuyển, thí sinh có thể sẽ chờ đến những ngày cuối cũng mới đăng ký xét tuyển để có thêm thời gian “nghe ngóng” thông tin các trường. Nếu các trường không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về phương tiện kỹ thuật sẽ xảy ra tình trạng “vỡ trận” trong những đợt xét tuyển như năm 2015.

Ngoài ra, năm nay, Sở GD- ĐT được công bố kết quả thi tốt nghiệp vẫn khó có thể xảy ra tình trạng tắc nghẽn đường truyền internet. Vì năm nay sẽ có một lượng lớn thí sinh ở cụm thi địa phương truy cập vào đường truyển internet của Sở GD-ĐT cùng một lúc, cùng một ngày.

Đối với những trường đại học, việc tính toán lượng hồ sơ ảo cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo, Trường đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết: Năm 2015 chúng tôi có thể tính được lượng thí sinh ảo do đợt 1 thí sinh đăng ký 4 nguyện vọng ở một trường. Nhưng năm 2016, các trường sẽ gặp khó khăn trong việc tính toán lượng hồ sơ ảo do đợt 1 thí sinh được đăng ký xét tuyển vào 2 trường, mỗi trường 2 ngành.

"Năm nay thí sính đăng ký xét tuyển qua internet và bưu điện nên việc quy định thời gian đăng ký xét tuyển 12 ngày tương đối dài. Theo tôi thời gian đăng ký xét tuyển  nên rút ngắn xuống  từ 7 đến 10 ngày", ông Thực nhấn mạnh.

Làm “đẹp” học bạ

Mùa tuyển sinh 2016, nhiều trường công lập và ngoài công lập công bố phương án tuyển sinh dựa vào kết quả học tập THPT. Liệu rằng xảy ra tình trạng phụ huynh và học sinh sẽ làm “đẹp”  để tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học?

Về vấn đề này, Đặng Đình Đại cho biết: “Năm nay, nhiều trường xét tuyển dựa vào kết quả học tập nên tôi nghĩ sẽ xảy ra tình trạng chạy điểm, sửa chữa học bạ. Tôi cũng đề nghị các sở GD-ĐT phát hiện và xử lý thật nghiêm để cảnh báo các nhà trường”.

Ông Nguyễn Tu Tập, Hiệu trưởng Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội) cũng khẳng định: Năm nay, nhiều trường đại học, cao đẳng xét tuyển dựa vào kết quả THPT nên sẽ có trường hợp học sinh "chạy" điểm để làm "đẹp" học bạ. Tuy nhiên, số học sinh đó cũng sẽ rất ít và chỉ rơi vào những học sinh yếu kém muốn đi học đại học. “Tôi nghĩ ở trường nào để xảy ra tình trạng chạy điểm là giáo viên chưa thực hiện đúng đạo đức nghề nghiệp. Học sinh học đến đâu phải đánh giá điểm ở mức đó, như vậy, giáo dục Việt Nam mới có chất lượng thực”. ông Tập nhận định.

Theo ông Tập: Để ngăn chặn tình trạng ngày, những trường xét học bạ nên công bố phương án tuyển sinh trước thời gian thi tốt nghiệp khoảng 15 ngày. Như vậy, học sinh muốn chạy điểm làm đẹp học bạ cũng không có thời gian.

Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia giáo dục, phần lớn những trường xét tuyển dựa vào kết quả THPT chủ yếu là những trường tốp dưới, có nguồn tuyển hạn chế. Do vậy, thí sinh xét vào những trường này đều có đầu vào thấp và các trường đại học, cao đẳng phải chịu trách nhiệm với đầu vào của mình.

Nhiều trường không có thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử

Tại trường THPT Nguyễn Tất Thành, trong số 292 học sinh lớp 12, có đến 158 em đăng ký thi môn tự chọn là Vật lý. Môn Địa lý đứng thứ hai với 109 em; Hóa học: 103; Sinh học: 12 học sinh. Ít nhất là Lịch sử: 11 học sinh đăng ký.

Theo Hiệu trường Trường THPT Ứng Hòa A (Ứng Hòa- Hà Nội) qua khảo sát đăng ký môn thi THPT quốc gia của học sinh khối 12 chỉ 9 em đăng ký dự thi môn Lịch sử.

Ông Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Well Spring (Long Biên- Hà Nội) cho biết: Năm nay, ngoài 3 môn thi bắt  buộc và Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ, học sinh của trường chủ yếu đăng ký dự thi môn Vật lý, Địa lý và không có học sinh nào đăng ký dự thi môn Lịch sử,. “Mặc dù, học sinh cũng thích học môn Lịch sử nhưng khối lượng kiến thức nhiều các em thấy quá nặng nề nên đã không chọn thi môn này ”, ông Đại khẳng định.

Khối 12 trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội) có hơn 500 học sinh, tuy nhiên, không có học sinh nào đăng ký dự thi môn Lịch sử. Ông Nguyễn Tu Tập, Hiệu trưởng Trường THPT Sóc Sơn cho biết: Từ giữa học kỳ 1 năm học 2015-2016, nhà trường đã cho học sinh đăng ký thi môn thứ 4. Qua đăng ký của học sinh cho thấy số lượng đăng ký chủ yếu môn Vật lý, Hóa học,  Địa lý, Sinh học và chưa có thí sinh nào đăng ký môn Lịch sử.

Năm nay, Trường THPT Tây Đô (Hà Nội) không có thí sinh nào đăng ký dự thi môn Lịch sử. Đại diện Trường THPT Tây Đô cho biết: Chúng tôi không lý giải được vì sao học sinh không đăng ký thi môn Lịch sử. Có thể môn Địa lý giáo viên giảng dạy có sức hấp dẫn hơn và dữ liệu cũng dễ nhớ hơn nên được học sinh lựa chọn nhiều.


Theo Hải quan, nguồn: http://www.baohaiquan.vn/pages/thi-thpt-quoc-gia-van-tiem-an-nhieu-nguy-co-kho-luong.aspx