- Học sinh của tôi, 100% các em thi tốt nghiệp mà phải đi hàng trăm km về thành phố dự thi. Vậy Bộ GD&ĐT có nghĩ đến sự lãng phí này hay chưa? (Nguyễn Sơn, 37 tuổi, Lào Cai).

Bộ trưởng: Đối với các cháu chỉ thi để xét công nhận tốt nghiệp sẽ thi 4 môn - số lượng bài thi như những năm trước. Đi lại thì xa hơn, trước đây từ xã lên huyện thì nay phải lên tỉnh. Chúng tôi chủ trương các cháu không phải nộp lệ phí thi. Chi phí phát sinh về di chuyển thì ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ. Các địa phương sẽ tổ chức đưa học sinh đến điểm thi an toàn, thuận lợi. Nguồn kinh phí hỗ trợ được lấy từ khoản tiết kiệm được do bỏ một kỳ thi.

Trước đây địa phương phải lo 100% cho các cháu thi tốt nghiệp, nay chỉ lo cho một phần nhỏ các cháu chỉ thi tốt nghiệp, tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 20%, như vậy tiết kiệm được 80% so với trước đây.

Chúng tôi đã trao đổi với nhiều giám đốc Sở Giáo dục trong đó có đại diện tất cả các miền từ miền núi đến đồng bằng, Hà Nội để kiểm tra khái quát, trong kỳ thi tốt nghiệp năm trước, kinh phí chi từ ngân sách bình quân là 400.000 đồng mỗi cháu. Chúng ta có khoảng 1 triệu học sinh, ngân sách phải chi khoảng 400 tỷ. Nay chỉ có khoảng 20% có nhu cầu thi tốt nghiệp, sẽ giảm được khoảng 320 tỷ đồng. Một phần trong khoản tiết kiệm này sẽ được dùng để hỗ trợ học sinh chỉ thi tốt nghiệp.

- Xin hỏi Bộ trưởng là khi nào thì công cuộc cải cách giáo dục sẽ hoàn thiện? (Trần Kiên, 40 tuổi, Sơn La).

Bộ trưởng: Theo nghị quyết của Quốc hội vừa mới thông qua thì chương trình và SGK mới sẽ được triển khai từ năm 2018, việc cuốn chiếu sẽ được tiến hành đồng thời ở cả 3 cấp học. Quá trình cải cách diễn ra từ 2018 kéo dài trong 5 năm. Công việc này đang được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo. Bộ Giáo dục đang triển khai theo kế hoạch này.

- Trong trường hợp có nhiều hồ sơ có điểm số bằng nhau thì các trường sẽ căn cứ vào tiêu chí nào để xét tuyển? (Ngô xuân Tuyến, 44 tuổi, Linh đàm, Hoàng mai, Hà nội).

Cục trưởng Mai Văn Trinh: Công tác tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các trường ĐH-CĐ theo luật Giáo dục ĐH. Các trường sẽ có quy định cụ thể về công tác tuyển sinh để vừa đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh đồng thời đáp ứng chất lượng nguồn tuyển trên cơ sở các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào. Các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng các tiêu chí phụ để lựa chọn các thí sinh có cùng điểm. Các em theo dõi thông tin tuyển sinh của các trường để thực hiện.

- Mỗi thí sinh có đến 16 cơ hội đậu vào các trường ĐH, CĐ. Như vậy có ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo và việc làm khi ra trường? (Tran Quang Huong, 54 tuổi, Thủ Đức TP.HCM).

Bộ trưởng: Cơ hội, nguyện vọng đăng ký vào trường khác với chỉ tiêu. Các cháu có thể đăng ký là tăng cơ hội cho các cháu, còn có vào hay không dựa vào kết quả điểm. Chỉ tiêu tuyển sinh của các nhà trường sẽ được xác định căn cứ trên các điều kiện đảm bảo chất lượng. Cụ thể là căn cứ vào số lượng giáo viên cơ hữu nhà trường hiện có, diện tích xây dựng tính trên đầu sinh viên, đảm bảo cho việc dạy và học cũng như ăn ở của sinh viên.

Dựa trên chỉ tiêu này nhà trường sẽ xét các cháu từ điểm cao nhất xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu. Vì vậy không có chuyện buông lỏng chất lượng và "thượng vàng hạ cám".

- Cháu có thắc mắc về vấn đề thi liên thông thẳng chung đợt với kỳ thi tuyển sinh 2015 thì thủ tục nộp hồ sơ, các môn thi và cách chấm điểm như thế nào ạ? (Đỗ Thị Thu Thảo, 22 tuổi, Hoài Nhơn-Bình Định).

Cục trưởng Mai Văn Trinh: Với đối tượng thí sinh thi liên thông dự thi THPT quốc gia để tuyển sinh vào ĐH, các em chỉ đăng ký thi các môn phù hợp với quy định về khối thi do trường ĐH quy định cụ thể cho các ngành. Các thí sinh này cùng làm một đề thi chung như các đối tượng khác, công tác coi thi chấm thi cũng được thực hiện giống như các thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Việc đăng ký dự thi sẽ có hướng dẫn cụ thể cho mọi đối tượng tham gia dự thi này.

- Thưa Bộ trưởng, ngành giáo dục liên tục nói giảm tải, nhưng tôi thấy chả giảm được bao nhiêu. Vậy phải chăng khẩu hiệu giảm tải chỉ nằm trên văn bản giấy tờ, hô hào khẩu hiệu, chứ không thực chất? (Hồng Khánh, 39 tuổi, Quảng Ngãi)

Bộ trưởng: Đây là chủ trương nhất quán của Bộ Giáo dục trong quá trình thực hiện nghị quyết 29 của trung ương. Chúng tôi đã chỉ đạo triển khai trong toàn hệ thống và cũng chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện chủ trương này ở cơ quan Bộ cũng như các cơ sở giáo dục ở các địa phương.

Xét bình diện chung trên cả nước đã có những chuyển biến tích cực, nhiều trường thực hiện khá tốt. Tuy nhiên chưa đồng bộ. Còn những trường, thầy cô chưa thay đổi đồng bộ giữa việc tổ chức dạy và kiểm tra, thi cử, đánh giá. Chúng tôi sẽ tiếp tục công việc một cách mạnh mẽ, hi vọng các bậc phụ huynh, chính quyền địa phương, các tổ chức như hội Khuyến học, Cựu giáo chức sẽ phối hợp cùng Bộ.

Cùng với đổi mới thi cử, Bộ đang thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

- Những phụ huynh học sinh như tôi rất mong Bộ trưởng trả lời, bao giờ thì chương trình học phổ thông được giảm tải và giảm tải khoảng báo nhiêu phần trăm so với hiện nay? (Lan Anh, 35 tuổi, Hà Nội)

Bộ trưởng: Từ 3 năm nay Bộ đã chỉ đạo giảm tải chương trình hiện hành. Cùng với đó là thay đổi cách dạy cách học, đánh giá, kiểm tra, thi cử theo hướng không bắt các cháu học thuộc lòng, không khuyến khích sử dụng bài văn mẫu...

Chương trình mới sẽ được thiết kế theo hướng giảm tải và chuyển sang hướng phát triển năng lực cho học sinh. Lúc đó việc truyền thụ kiến thức cho học sinh không phải mục tiêu duy nhất mà chúng ta hướng tới việc giúp cho học sinh hình thành kỹ năng và phẩm chất của nguời lao động mới. Các tiếp cận như vậy sẽ giảm tải rất nhiều so với chương trình hiện nay.

- Tôi là phụ huynh, quá sốc khi Bộ Giáo dục thay đổi kỳ thi tốt nghiệp và đại học. Tôi đã định hướng cho con theo đúng quy chế của Bộ Giáo dục là thi theo ban, theo khối. Nay lại thay đổi, cả phụ huynh và học sinh đều bối rối, không biết sẽ phải làm thế nào? (Hưng Yên, 45 tuổi, Hưng Yên)

Bộ trưởng: Để thi tốt nghiệp các cháu phải thi 4 môn trong đó có 3 môn bắt buộc, một môn tự chọn. Điều này không có gì thay đổi so với trước. Thi để xét tuyển đại học vẫn là tổ hợp các khối thi, môn thi như trước. Các trường có thể có thêm tổ hợp khối thi mới.

Nhưng Bộ đã quy định chỉ tiêu để xét khối thi mới không vượt quá 25%. Đồng thời các nhà trường muốn bỏ khối thi truyền thống, thay khối thi mới phải thông báo trước ít nhất 3 năm. Tức là khi học sinh vào học lớp 10 đã biết để định hướng việc học tập. Nên con của bạn chuẩn bị thi theo ban nào thì cứ thi theo ban đó.

- Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sau khi có quy chế hoàn chỉnh sẽ được kéo dài ít nhất là bao nhiêu năm? (Đỗ Trọng Trung, 43 tuổi, Hải Phòng)

Bộ trưởng: Theo quyết định của Quốc hội chương trình SGK mới sẽ được triển khai vào năm học 2018 - 2019. Số học sinh vào đại học của chương trình này nhanh nhất là 2021. Như vậy quy chế hiện nay sẽ ổn định đến 2021.

- Bộ Giáo dục có đường dây nóng riêng không thưa Bộ trưởng để người dân có thể phản ánh và góp ý và xây dựng một nền giáo dục vững mạnh cho nước nhà? (Nguyễn Hồng Anh, 28 tuổi)

Bộ trưởng: Chúng tôi đã công bố địa chỉ email của Bộ trưởng từ nhiều năm nay. Đó là [email protected] và địa chỉ của Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục là [email protected]; Vụ Giáo dục Trung học là [email protected]; Vụ giáo dục tiểu học là [email protected].

Với các chủ trương lớn của Bộ ngành, Bộ đều công bố dự thảo để lấy ý kiến góp ý của người dân. Chúng tôi mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến cho các công việc của Bộ.

- Khó khăn nhất ông gặp phải khi đưa ra chủ trương đổi mới từ đâu? Cấp trên, các nhà giáo, các nhà khoa học, phụ huynh, học sinh, báo chí...? (Hồng Khánh, 45 tuổi)

Bộ trưởng: Quyết định chiến lược về đổi mới giáo dục không phải do tôi đưa ra mà từ Ban chấp hành trung ương Đảng và khẳng định trong văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11. Công việc mà chúng tôi đang triển khai khó khăn nhất là thói quen cũ liên quan đến nhận thức và tư duy, trước hết là của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, sinh viên và xã hội.

- Kể từ khi công bố kênh thông tin tiếp nhận ý kiến trực tiếp từ người dân, ông đã nhận được bao nhiêu câu hỏi và cách thức xử lý như thế nào? (Hồng Khánh, 45 tuổi, Hà Nội).

Bộ trưởng: Chúng tôi có tổ chức một nhóm công tác bao gồm những cán bộ quản lý và chuyên gia thường trực tiếp nhận xử lý thông tin do một Thứ trưởng trực tiếp chỉ đạo. Cá nhân tôi thường xuyên nghe báo cáo, đọc trực tiếp các ý kiến này và cũng nhận được nhiều email. Các kênh truyền thông cũng chuyển nhiều ý kiến cho chúng tôi.

Chúng tôi thường xuyên cập nhật, phân loại, phân tích, xử lý để hoàn thiện phương án.

- Điều lo lắng nhất của ông trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới là gì? (Thu Hương, 40 tuổi, Hà Nội)

Bộ trưởng: Tôi không có điều gì quá lo lắng cả. Tôi tin rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng thuận của toàn xã hội, sự quyết tâm của ngành xã hội và với kinh nghiệm chúng tôi đã có sẽ triển khai thắng lợi kỳ thi này.

Theo Báo Tấm gương, tin gốc: http://www.tamguong.vn/hoc/685036/ky-thi-thpt-quoc-gia-2015-hoc-sinh-khong-phai-nop-le-phi-thi-tpot.html

Từ khóa: tuyển sinh 2015, lệ phí tuyển sinh 2015, kỳ thi THPT quốc gia