Kỳ thi tốt nghiệp 2015: Nhiều ý kiến đồng ý phương án 1

Theo nhiều lãnh đạo các Sở GD&ĐT và lãnh đạo các địa phương, việc ra đề thi tích hợp theo lĩnh vực hướng tới kiểm tra đánh giá năng lực của người học là ý tưởng hay nhưng để phù hợp với thực tiễn dạy và học ở cơ sở hiện nay thì cần có lộ trình phù hợp. Trong 3 phương án Bộ GD&ĐT đưa ra, nhiều địa phương nghiêng về phương án I.

>> Xem 3 phương án cho kỳ thi chung quốc gia

Về cơ bản, phương án I không khác mấy so với phương thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT đã triển khai từ kỳ thi năm nay. Chỉ khác ở chỗ thay vì tổ chức thi dồn dập tám môn trong hai ngày rưỡi (năm buổi thi) thì thời gian diễn ra kỳ thi của phương án I được thiết kế là bốn ngày (tám buổi thi).

Về phương án này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng phân tích đây là phương án ít xáo trộn, không gây lo lắng, áp lực tâm lý đối với giáo viên, học sinh, nhất là đối với những học sinh đã học xong chương trình THPT từ năm 2014 trở về trước mà vẫn có nhu cầu tham dự kỳ thi năm 2015.

Hơn nữa, nếu áp dụng phương án này, việc chấm bài thi thuận lợi, dễ dàng. Dù số môn thi tối thiểu với mỗi học sinh là bốn, nhưng Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh có thể đăng ký dự thi nhiều môn hơn số tối thiểu này nên thuận lợi cho việc đáp ứng nguyện vọng đa dạng của học sinh, các em hoàn toàn có thể tự tạo ra cho mình nhiều cơ hội dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Đây là phương án đang được nhiều lãnh đạo địa phương, các Sở GD&ĐT bày tỏ đồng thuận nhất. Bà Vũ Thị Bích Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang nói: “Sự lựa chọn của tôi thiên về phương án I.

Phương án II và III yêu cầu khả năng làm bài thi tích hợp mấy môn học vào một bài thi như thế thì học sinh miền núi của chúng tôi chưa đáp ứng được. Việc hướng dẫn cho học sinh học để thi theo bài thi tích hợp sẽ rất khó khăn”.

Kỳ thi tốt nghiệp 2015: Nhiều ý kiến đồng ý phương án 1

Kỳ thi tốt nghiệp 2015: Nhiều ý kiến đồng ý phương án 1

Bà Việt còn chia sẻ một số băn khoăn khác về giải pháp kỹ thuật cho các phương án II, III nếu được thực hiện: “Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT nói, tổ chức thi theo bài mà một bài tích hợp ba môn thì buổi thi cũng như kinh phí tổ chức coi thi có thể giảm. Nhưng theo hình dung của tôi, giáo viên chấm bài sẽ phải tăng lên, bởi một bài thi cần tới ba người chấm. Và như vậy thí sinh phải làm bài vào ba tờ giấy thi khác nhau hay sao?”.

Ông Bùi Đức Cường, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên cũng cho rằng, muốn thực hiện được các phương án II và III, các địa phương phải có thời gian chuẩn bị để thầy và trò thay đổi cách dạy – học, phương thức ra đề tích hợp cũng đòi hỏi phải có thời gian cho các em làm quen.
Không chỉ các địa phương miền núi mới ủng hộ phương án I mà cả những cán bộ quản lý đến từ thành phố lớn cũng cho rằng, cần có lộ trình khi thực hiện đổi mới thi.

“Tôi cho rằng, cả ba phương án đều tốt nhưng Bộ GD&ĐT nên làm theo lộ trình. Năm 2015 thực hiện luôn phương án I, phương án II sớm nhất là 2016, còn phương án III có thể thực hiện sau khi chúng ta tổ chức rút kinh nghiệm và có được một lực lượng ra đề thi theo hướng bài thi tích hợp”, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh nói.

Có làm được nghiêm túc không?

Nhiều lãnh đạo cũng như cán bộ quản lý ngành GD&ĐT các địa phương cho biết, họ ủng hộ các phương án II, III nhưng chỉ băn khoăn liệu kỳ thi có nghiêm túc, thực chất để kết quả thi là căn cứ đáng tin cậy cho các trường ĐH, CĐ sử dụng không? Ông Bùi Đức Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nói: “Tôi thiên về ủng hộ phương án hai, bởi đúng là cần phải nâng cao khả năng tích hợp, tổng hợp của học sinh.

Theo tôi vẫn có thể dạy theo môn nhưng thi theo bài được. Thậm chí, bài thi xã hội thì cần có thêm nội dung giáo dục công dân vào, như vậy sẽ toàn diện hơn. Nhưng cần tính toán rất kỹ và có thể năm 2015 chưa kịp thì có thể để sang 2016”.

Ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang thì bày tỏ hy vọng gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THTP và tuyển sinh ĐH, CĐ vào một kỳ thi quốc gia. Khi đó thì những ưu điểm về tính nghiêm túc của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ tác động tới một kỳ thi quốc gia, vì thế tác động lại cả quá trình giáo dục.

Ông Đức đề xuất: “Tôi muốn nhắc lại một đề nghị mà từ khi còn là Giám đốc Sở GD&ĐT tôi đã từng nêu: Đã tổ chức thi theo cụm thì chấm thi cũng theo cụm, hoặc phải có một cách làm nào đó khác với việc chấm chéo trước đây. Trước đây có sự chấm chéo, nhưng giám khảo lại biết mình đang chấm bài cho tỉnh nào nên có sự “tranh thủ” lẫn nhau. Còn giờ phải làm sao để khiến cho người chấm không hề biết là mình đang chấm bài cho tỉnh nào”.

Ông Trần Xuân Hưng, Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái cho rằng, việc gộp hai kỳ thi thành một kỳ thi THPT quốc gia duy nhất là một cơ hội để ngành GD&ĐT hiện thực hóa mong muốn có kỳ thi tốt nghiệp THPT mà kết quả trung thực, tin cậy.

Theo ông Hưng, có thể giai đoạn đầu khi tổ chức kỳ thi quốc gia duy nhất sẽ có nhiều khó khăn, và đặc biệt sẽ có nhiều áp lực với các địa phương. “Trước đây chúng ta tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thì đại bộ phận nhân dân hiểu với các cháu học đến lớp 12, cái bằng tốt nghiệp đó là chuẩn chung để ra cuộc sống. Nhưng khi chúng ta tích hợp hai kỳ thi trong một thì sẽ có một bộ phận học sinh được lựa chọn vào các trường ĐH, như vậy kỳ thi sẽ rất khác và đó chính là áp lực. Để giải quyết được áp lực này thì dứt khoát phải có sự tham gia của các trường ĐH. Sở GD&ĐT phải kết hợp rất tốt với các trường ĐH mới tổ chức được”, ông Hưng nói.

Còn PGS TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, ông rất ủng hộ phương án II và mong muốn Bộ, tính toán kỹ khi đưa ra các quy định về việc tuyển sinh của các trường ĐH: “Tránh để xảy ra tình trạng sau này các trường ĐH sẽ quay về việc thi riêng thiếu kiểm soát khiến việc dạy hêm học thêm bùng nổ”.

Ngoại ngữ lại quay về môn thi bắt buộc

Trong cả 3 phương án thi đối với một kỳ thi THPT quốc gia mà Bộ GD-ĐT công bố, môn ngoại ngữ đều là môn thi bắt buộc chứ không phải môn thi tự chọn như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 nữa.

Tuy nhiên, cũng giống như khi môn ngoại ngữ là một trong 3 môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, dự thảo lần này Bộ cũng cho phép những học sinh, học viên không được học hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học không bắt buộc phải thi môn ngoại ngữ. Đối tượng thí sinh này chỉ phải thi các môn thi/bài thi ứng với mỗi phương án (gồm 2 môn thi/bài thi bắt buộc và 1 môn thi/bài thi tự chọn).
Bên cạnh đó, Bộ cho hay sẽ tích cực chuẩn bị các điều kiện để xây dựng và đưa vào hoạt động trung tâm đánh giá năng lực ngoại ngữ quốc gia để tổ chức thi nhiều đợt trong năm. Khi đó, các thí sinh có thể đăng ký thi nhiều đợt trong năm, vào thời gian phù hợp; kết quả các lần thi này được sử dụng trong xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.

Khi đưa ngoại ngữ thành môn thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ cũng lý giải: việc đưa môn ngoại ngữ thành môn thi bắt buộc là xu thế tất yếu nhưng cần có thời gian để việc dạy và học ngoại ngữ ở các nhà trường trở về với mục tiêu thực chất của nó là học xong phải sử dụng được, giao tiếp được chứ không phải chỉ kiểm tra ngữ pháp như cách thi hiện nay. Khi ấy kiểm tra ngoại ngữ sẽ phải đánh giá đủ 4 kỹ năng: nghe - nói - đọc - viết.

Nhiều đại biểu tại hội nghị tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới diễn ra ngày 29.7 cho rằng một năm có đủ để ngành GD-ĐT làm được mục tiêu ngành giáo dục mong muốn là học sinh phải giao tiếp được và thi cử đánh giá cũng dựa theo hướng đó hay chưa?

Tổng hợp TPO, Thanh niên