Bài 1: Thầy và trò: Âu lo, nhưng đã sẵn sàng!

Không khỏi có những lo lắng, băn khoăn, bỡ ngỡ nhất định trước một kỳ thi có nhiều điểm đổi mới quan trọng, song, về phía nhà trường, khi thầy cô quan tâm, chuẩn bị những bước cần thiết và học sinh có một lực học ổn định, thì kỳ thi sẽ được vượt qua một cách… “ngon lành”. Ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động về tâm tư của thầy và trò trước kỳ thi mới - kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2015 này.

Kỳ thi mới - những điểm nhấn mới

Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp năm 2014 tại hội đồng thi Trường THPT Bùi Thị Xuân (TPHCM). Ảnh: T.KK

Thầy: Nỗi lo cụm thi

Có thể nói, ngay từ năm học 2013 - 2014, khi Bộ GDĐT thực hiện đổi mới là thi tốt nghiệp phổ thông, học sinh (HS) được quyền chọn các môn thi. Trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM) đã chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia: Ngoài việc thông báo rõ tình hình thay đổi, tư vấn cho phụ huynh, có kế hoạch sắp xếp HS theo từng lớp, ban mà HS đã chọn để vừa song song dạy kiến thức mới, lại vừa có thể luyện thi cho HS. Hiệu trưởng của trường - cô giáo Bích Duyên - chia sẻ: “Hiện giờ, phụ huynh kỳ vọng Bộ GDĐT và các trường ĐH sớm ra quy chế thi cụ thể và chính thức.

Với giáo viên (GV), trường luôn cập nhật tin tức, phổ biến cho các GV chủ nhiệm nói cho các em không bỡ ngỡ, giúp các em định hướng rõ rệt cho mình”. Tuy nhiên, theo cô Bích Duyên, băn khoăn lớn nhất của thầy và trò lúc này là việc sắp xếp các cụm thi: “Chúng tôi được nghe phổ biến, TPHCM sẽ có 6 cụm thi, nhưng vẫn chưa rõ các em sẽ thi theo hệ thống thế nào. Băn khoăn nữa là năm nay HS được kéo dài thời gian ôn tập dài hơn so với mọi năm nên nhà trường lo không biết phải sắp xếp lại lịch dạy thêm cho HS thế nào, bởi cứ để các em tự do ôn luyện ở các trung tâm luyện thi bên ngoài thì không yên tâm…”.

Theo thầy Trần Đức Huyên - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) - nhà trường hoàn toàn đồng tình với chủ trương thi năm nay của bộ về kỳ thi THPT quốc gia. “Chúng tôi cho rằng nên giữ thang điểm 10 là vì, nếu chúng ta muốn tính chi tiết hơn thì chúng ta có thể quy định mỗi câu 0,125...

Chúng ta chia nhỏ ra thì vẫn chia nhỏ được. Thang điểm này khi kết hợp cộng điểm với điểm học lớp 12 thì dễ dàng tính toán hơn. Chúng tôi cũng mong bộ sớm công bố quy chế thi để HS yên tâm đăng ký dự thi và phụ huynh cũng có định hướng rõ hơn trong quá trình chuẩn bị cho kỳ thi của con mình” - thầy Huyên băn khoăn. Một số GV bày tỏ băn khoăn về việc xét tuyển của nhiều trường ĐH theo kết quả tốt nghiệp THPT và điểm học tập trung bình lớp 12.

Kỳ thi mới - những điểm nhấn mới

Thầy trò khối lớp 12 - trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM) tự tin trước một kỳ thi có nhiều đổi mới. Ảnh: Â.T

Trò: Bình tĩnh và nỗ lực

Học tốt các môn xã hội, trúng tuyển đội tuyển HS giỏi cấp thành phố môn sử, muốn trở thành chuyên gia tâm lý, ngay từ năm lớp 11, Phạm Minh Anh (lớp 12D1 - THPT Gia Định, TPHCM) đã quyết định thi vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn.

“Kỳ thi năm nay, theo em có ích lợi với thí sinh là thí sinh có thể phát huy năng lực sở trường của mình, nhưng điều em lo, đây là năm đầu tiên thực hiện kỳ thi theo lối mới, nên dễ xảy ra các sai sót như thí sinh ảo, hay việc xét điểm theo học bạ có thể chưa chính xác lắm, vì đôi khi chất lượng điểm trong học bạ chưa chắc đánh giá đúng thực lực học của HS. Việc thí sinh không đăng ký trước mã ngành, mã trường mình dự định thi tuyển… là điều tốt, vì như vậy, ai cũng có điều kiện học đại học” - Minh Anh nói.

Lê Việt Dũng (lớp 12 - THPT Trương Định, Hà Nội) tỏ ra khá tự tin trước kỳ thi có nhiều thay đổi bước ngoặt: “Nói chung ở nhà không tạo nhiều áp lực cho em lắm. Rõ ràng chỉ phải thi một lần cho cả tốt nghiệp và đại học thì đỡ mệt hơn nhiều, nên em cũng cảm thấy tương đối thoải mái”. Việc thay đổi đăng ký ngành (chỉ thực hiện sau khi có điểm thi) cũng được Dũng coi là lợi thế, bởi với sức học tự đánh giá là bình thường thì em có nhiều cơ hội lựa chọn ngành hơn sau khi biết điểm của mình.

Trong khi đó, Thanh Ngọc (lớp 12 - THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội) lại tỏ ra rất lo lắng và băn khoăn. Ngay từ khi bước vào cấp 3, Ngọc đã xác định sẽ thi khối A nên em chú trọng đi học thêm toán, lý, hóa ở các trung tâm luyện thi. Thế nhưng, với quy định mới buộc phải thi cả ngữ văn và tiếng Anh, Ngọc cảm thấy như mình đã bị “lệch tủ” ngay từ đầu. Em chia sẻ: “Ở lớp, rất nhiều bạn lo lắng vì cũng học thiên về khối A như em. Có những bạn còn hỏi nhau, thi Bách Khoa hay Xây dựng thì thi văn để làm gì. Môn tiếng Anh cũng là điểm yếu của rất nhiều bạn. Em thấy hoang mang, vì mục tiêu của em là Đại học Ngoại thương, nhưng cũng có rất nhiều bạn học giỏi ở lớp em muốn đăng ký vào trường này, nên cơ hội của em sẽ giảm đi”.

Ông Thanh Hải - phụ huynh em Nhật Minh - lớp 12 A1, THPT Nguyễn Thị Minh Khai:

“Theo quy chế mới của Bộ GDĐT, vấn đề thi tốt nghiệp phổ thông thì có thể vừa sức, nhưng kỳ thi xét tuyển vào ĐH mới thực sự căng thẳng, vì vào thời điểm ấy, các trường mới ra chỉ tiêu đủ điểm để xét tuyển. Có trường xét tuyển theo kết quả học bạ 3 năm phổ thông và điểm thi tuyển. Học sinh phải làm nhiều thủ tục, phải có đủ thông tin tham khảo từ các trường thì mới đảm bảo chọn đúng khối thi phù hợp. Tuy là kỳ thi hai trong một, nhưng các trường vẫn xét theo khối.

Cho đến bây giờ, bộ vẫn chưa có quy chế nào cụ thể làm phụ huynh, học sinh hoang mang. Việc thay đổi, xáo trộn của kỳ thi rõ ràng ảnh hưởng nhiều đến việc học, vì việc thi đối với ban D thì thuận lợi, các ban khác như A, A1, C, B rất khó vì tăng các môn thi khác. Đề thì mở có phần nào giúp học sinh bớt học thuộc lòng, nhưng vẫn cần kiến thức tổng hợp. Hiện tại, cách dạy của phổ thông vẫn thụ động, bao giờ đạt được yêu cầu như các nước thì mới hy vọng học sinh phát huy khả năng tư duy một cách sáng tạo. Cách cải cách kỳ thi như năm nay có thể sẽ giúp Nhà nước và các trường tiết kiệm hơn thôi”.

Cô Nguyễn Thị Việt Hà - mẹ HS Lê Việt Dũng, lớp 12, THPT Trương Định ( Hà Nội): Là một người mẹ, tôi đã phải tự đánh giá về lực học và năng khiếu của con mình từ nhỏ, nên tôi nhận thấy con phù hợp với khối D và hướng ngay từ sớm. Văn và ngoại ngữ của con ở mức khá tốt, song con vẫn còn yếu ở môn toán. Dù sao thì tôi cũng không làm cho con mình quá căng thẳng với mục tiêu đỗ đại học. Ở thời buổi này, có rất nhiều lựa chọn khác ngoài bằng đại học chính quy.

Quan trọng là về sau, con có kỹ năng, làm được việc gì để tự lo cho bản thân thôi. Quan điểm của tôi rõ ràng thế nên con cảm thấy thoải mái hơn. Tôi ủng hộ chủ trương và quyết định của Bộ GDĐT khi gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học vào làm một. Tôi nghĩ càng đơn giản cho học sinh thì càng tốt. Bọn trẻ đỡ phải vật vã lo hết lần thi này tới lần thi khác. Quan trọng là hiệu quả. Về phía gia đình, bên cạnh việc không đặt nặng áp lực lên con, tôi còn còn tích cực khuyến khích Dũng học thêm môn toán - vốn là điểm yếu của em, để Dũng cảm thấy thực sự tự tin khi bước vào kỳ thi có những thay đổi khác biệt so với các năm trước…

Theo Lao Động, tin gốc: http://laodong.com.vn/xa-hoi/ky-thi-moi-nhung-diem-nhan-moi-291780.bld

Tuyển sinh 2015, kỳ thi quốc gia  2015, quy chế tuyển sinh