Có thể hạn chế tiêu cực

Không chỉ những con số thống kê khảo sát thí sinh được thí điểm mà những đại biểu tham gia hội thảo cũng đánh giá cao phương án tuyển sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN).

Đó là kết quả chung tại Hội thảo tham vấn “Đôi mới tuyển sinh ĐH, sau ĐH theo hướng đánh giá năng lực: thực tiễn triển khai thí điểm ở ĐHQGHN” do trường ĐHQGHN phối hợp với Hội đồng Quốc gia và phát triển nhân lực diễn ra sáng 27/9.

Năm 2014, ĐHQG Hà Nội thí điểm phương án đổi mới tuyển sinh bậc ĐH để tuyển sinh trên các chương trình đào tạo tiến tiến, tài năng, chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế.

Với dạng thức bài thi tổng hợp đánh giá năng lực gồm Toán (50 câu), Ngữ văn (50 câu), Khoa học tự nhiên (40 câu) hoặc Khoa học xã hội( 40 câu), trong thời gian 195 phút. Với trọng số theo mức năng lực như sau 20% câu dễ, 60% câu trung bình, 20% câu khó.

Cùng đó, nội dung đề thi theo trọng số: Toán và Ngữ văn: 10% lớp 10+20% lớp 11+70% lớp 12. Còn khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân) sẽ gồm 30% lớp 11+ 70% lớp 12.

ĐHQGHN đã tổ chức thi và chấm thí điểm trực tuyến. Kết quả bài thi được tính theo điểm thô (1điểm/câu trả lời đúng, câu trả lời sai không bị trừ điểm)

Theo PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, các kỳ thi diễn ra không hề xảy ra lỗi phần mềm. Qua phân tích kết quả đánh giá năng lực và so sánh với kết quả thi ba chung của Bộ GDĐT cho thấy đề thi có chất lượng tốt. Bài thi đánh giá năng lực về cơ bản đã đánh giá đúng năng lực người học và có mối tương quan thuận chiều với kết quả kỳ thi ba chung. Những thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực cao cũng là những thí sinh có kết quả cao ở kỳ thi ba chung.

Chi tiết phương án tuyển sinh Đại học quốc gia Hà Nội 2015

Chi tiết phương án tuyển sinh Đại học quốc gia Hà Nội 2015

Qua khảo sát ý kiến của hơn 1000 thí sinh trực tiếp tham gia kỳ thi này về bài thi đánh giá năng lực ở bậc ĐH, đa số ý kiến cho rằng bài thi đánh giá đúng năng lực để học ngành đăng ký, cấu trúc và thời gian bài thi là hợp lý.

Hơn 80% thí sinh dự thi cho rằng đề thi đánh giá đủ kiến thức cần thiết về mọi mặt của sinh viên, bám sát chương trình học, độ phủ kiến thức rộng trong suốt chương trình THPT, có tính phân loại tốt.

Điều này yêu cầu thí sinh phải học đều, nắm được kiến thức các môn học. Ngoài ra, 2/3 ý kiến cho biết hình thức thi trên máy tính tiện lợi, đơn giản và đặc biệt khách quan, công bằng trong đánh giá.

Về ưu điểm, theo ông Sơn, kỳ thi chỉ một bài thi duy nhất, thi trong 1 buổi, gọn nhẹ, dễ triển khai, đơn giản, thiết thực, tiết kiệm, dễ được xã hội đồng tình, ủng hộ. Đề thi dạng trắc nghiệm khách quan gồm 140 câu hỏi, thi trên máy tính với đề thi được tổ hợp khác nhau, thí sinh không thể nhận trợ giúp từ bên ngoài, hạn chế tiêu cực mà không cần các phương tiện giám sát phức tạp, tránh gây bức xúc cho xã hội.

Bài thi có phổ rộng theo độ khó dễ, phủ kín các mức năng lực. Dạng thức bài thi phù hợp với chương trình, SGK chưa thay đổi, không gây khó cho thí sinh. Người coi thi không bị áp lực, chấm thi đơn giản, nhanh chóng, tiết kiệm nhân lực. Kỳ thi được tổ chức nhiều lần trong năm, tạo cơ hội lựa chọn cho thí sinh, giảm áp lực thi cử. Thí sinh có thể xem dạng thức các đề thi mẫu trên mạng.

Về hạn chế, thí sinh chưa quen với dạng thức bài thi kiểu mới, nội dung đánh giá rộng, trái với thói quen học lệch theo khối hiện nay. Thí sinh ở các vùng xa có bất lợi nhất định khi thi trên máy tính. Tuy nhiên, theo ông Sơn, những hạn chế này hoàn toàn có thể khắc phục được với việc phổ biến sớm và rộng rãi về dạng thức bài thi, các câu hỏi mẫu trên internet,…

Theo đại diện trường ĐHQGHN, dạng thức tuyển sinh ĐH năm 2015 sẽ theo dạng thức bài thi năm 2014 và được điều chỉnh theo kết quả phản hồi của thí sinh và góp ý của các chuyên gia. Thí sinh dự tuyển vào ĐHQG Hà Nội chỉ phải thực hiện bài thi tổng hợp đánh giá năng lực chung. Có thể áp dụng trọng số điểm cho từng điểm hợp phần của bài thi để xét tuyển vào các ngành với đặc thù khác nhau,…

Kỳ thi dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 4 và tháng 8 và các thí sinh có thể tham dự thi ở các địa điểm thi tại các tỉnh/thành trong các phòng thi chuẩn hóa.

Về việc chuẩn bị ngân hàng câu hỏi đề thi, PGS.TS Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho biết, hiện ĐHQG Hà Nội đã xây dựng được khoảng 4500 câu hỏi đánh giá năng lực theo các hợp phần. Trong đó, khoảng 1000 câu hỏi đã được thử nghiệm thực tế. Và trong thời gian tới, số lượng câu hỏi sẽ tiếp tục được bổ sung thêm.

Tại hội thảo, phần đa đại biểu bày tỏ đồng tình với phương án của ĐHQG Hà Nội và cho rằng đây sẽ là phương án tuyển sinh thích hợp về lâu dài.

Đánh giá cao về phương án này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT): “Đấy là sự nỗ lực cố gắng của ĐHQG Hà Nội. Nhìn chung, đường lối của Bộ GDĐT và ĐHQG Hà Nội không hề mâu thuẫn mà đều đi đến cùng một mục đích”

Tuy nhiên, ông Trinh cho rằng hơn 4000 câu hỏi dùng cho ngân hàng đề thi tại thời điểm bắt đầu là rất tốt tuy nhiên để xứng với tầm của kỳ thi quốc gia là chưa nhiều và cần bổ sung thêm trong thời gian tới.

Nguồn tin: http://infonet.vn/ky-thi-dai-hoc-2015-chi-tiet-phuong-an-thi-cua-dhqg-ha-noi-post146230.info