Trong cuộc sống, muốn đạt được điều mình mong muốn đối với bất kỳ công việc gì, mỗi người cần đề ra mục tiêu của bản thân. Vậy việc thiết lập mục tiêu cá nhân là gì? Làm thế nào để xây dựng điều này? Cùng bài viết dưới đây tìm hiểu nhé!

1. Kỹ năng thiết lập mục tiêu của bản thân là gì? 

Kỹ năng xác định mục tiêu là khả năng định hướng về những gì bạn muốn đạt được, đưa ra các bước thực hiện rõ ràng trong từng giai đoạn.

Thông thường mục tiêu cá nhân được chia làm 2 loại, gồm:

  • Mục tiêu ngắn hạn: Gồm những kế hoạch trong khoảng thời gian ngắn như trong ngày, trong tuần, trong tháng hoặc 2 - 3 năm.
  • Mục tiêu dài hạn: Đây là các kế hoạch trong một thời gian dài từ 5 - 10 năm hoặc nhiều hơn.

2. Vì sao mỗi người cần xây dựng mục tiêu cá nhân cho mình? 

Đây là một kỹ năng mềm hết sức cần thiết, và khi có những mục tiêu rõ ràng bạn sẽ nhận được những lợi ích sau:

  • Giúp bạn nhận biết được điều gì thực sự quan trọng và cần ưu tiên.
  • Sắp xếp thời gian hiệu quả và tận dụng triệt để mọi nguồn lực.
  • Có thêm động lực và tự tin hơn trong các quyết định của bản thân.
  • Xác định được những trở ngại và có kế hoạch vượt qua chúng.
  • Loại bỏ được các công việc không mang lại ích.
  • Cơ hội để nhìn nhận khả năng và dõi theo sự tiến bộ của bản thân.
  • Sớm đạt được kết quả bản thân mong muốn.

Vì sao cần thiết lập mục tiêu cá nhân

Bạn muốn mình trở thành một người giỏi, một người thành công thì chắc chắn bạn phải đưa ra mục tiêu cá nhân cho mình.

3. Nguyên tắc cần tuân thủ khi xây dựng mục tiêu cá nhân 

Dưới đây là các nguyên tắc bạn cần chú ý để quá trình đề ra mục tiêu bản thân đi đúng hướng và sớm đạt được kết quả mong muốn:

  • Mục tiêu đặt ra cần mang lại động lực lớn cho bạn.
  • Mục tiêu đề ra cần đáp ứng mô hình SMART.
  • Luôn chủ động, có tính tự giác và kiên trì khi thực hiện.
  • Tuân thủ thời gian đã đặt ra cho kế hoạch mục tiêu.
  • Cần thường xuyên quản lý thời gian đúng tiến độ và mức độ hoàn thành mục tiêu.
  • Không nên quá nôn nóng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.

4. Hướng dẫn cách xác định và thiết lập mục tiêu cá nhân 

Để lập kế hoạch mục tiêu cho bản thân hiệu quả, bạn cần thực hiện theo hướng dẫn sau:

4.1. Xác định mong muốn và khả năng của bản thân

Trước tiên, bạn cần xác định mục tiêu của bản thân thuộc lĩnh vực nào của cuộc sống, chẳng hạn như:

  • Học tập: Bạn muốn học thêm kỹ năng gì, học ở đâu và cách học như thế nào?
  • Sự nghiệp: Bạn muốn có vị trí công việc gì, thăng tiến như thế nào sau 3 - 5 năm nữa?
  • Gia đình: Bạn muốn ngôi nhà mình trông ra sao? Bạn có muốn trở thành cha mẹ không?
  • Sức khỏe: Bạn có muốn một sức khỏe tốt, cơ bắp săn chắc không?
  • Tích lũy: Bạn muốn tiết kiệm và tích lũy được bao nhiêu tiền trong quá trình làm việc?

Kế tiếp, bạn cần áp dụng phương pháp SWOT để có cái nhìn tổng quan về bản thân từ đó xác định khả năng, năng lực của mình. Cụ thể, SWOT bao gồm 4 yếu tố như: Strengths (điểm mạnh), Weaknesses (điểm yếu), Opportunities (cơ hội) và Threats (thách thức).

Cách thiết lập mục tiêu cá nhân bằng mô hình SWOT

Phân tích SWOT là công cụ phân tích những yếu tố cơ bản của bản thân, từ đó dễ dàng đặt ra mục tiêu tương lai phù hợp.

4.2. Thiết lập mục tiêu cá nhân ngắn hạn hay dài hạn

Tiếp theo, bạn cần tạo ra cho mình kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. Điều này là cách giúp bạn sắp xếp các việc quan trọng cần làm, từ đó dễ dàng đạt được kết quả tốt hơn. Cụ thể, khi bạn đã định được mục tiêu dài hạn thì bạn nên nghĩ đến các mục tiêu ngắn hạn để đạt được kết quả cuối cùng.

Ví dụ, để hoàn thành mục tiêu dài hạn - ước mơ trở thành giáo viên. Bạn cần hoàn thành các mục tiêu ngắn hạn như thi đậu kỳ tuyển sinh, hoàn thành chương trình học tập sư phạm và tìm được chỗ thực tập.

Cách thiết kế bảng tầm nhìn ước mơ (Vision Board)

4.3. Đánh giá mức độ khả thi của mục tiêu

Sau khi có mục tiêu, bạn cần xem xét liệu có thực hiện được mục tiêu hay không. Để kiểm tra độ khả thi này, bạn áp dụng phương pháp SMART:

  • S – Specific (Cụ thể): Mục tiêu đề ra phải cụ thể rõ ràng.
  • M – Measurable (Khả năng đo lường): Mục tiêu phải đo lường được thì mới hiệu quả.
  • A – Achievable (Tính thực tế): Mục tiêu phải trong khả năng và có thể thực hiện được.
  • R – Relevant (Tính liên quan): Mục tiêu có tính thống nhất, phù hợp với những đầu việc bạn dự định làm hay không.
  • T – Time-bound (Kỳ hạn): Thời gian thực hiện mục tiêu rõ ràng, phù hợp.

4.4. Xác định các kiến thức, kỹ năng cần có để hoàn thành mục tiêu

Dựa trên mục tiêu đã đề ra, bạn xác định các kiến thức hay kỹ năng cần thiết để bạn hoàn thành mục tiêu của mình. Sau đó, bạn lập kế hoạch học tập, rèn luyện phù hợp. Ví dụ, nếu muốn trở thành giáo viên dạy Toán thì cần trang bị chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, các kiến thức về đại số, hình học, kỹ năng truyền tải kiến thức.

4.5. Lên kế hoạch hoàn thành mục tiêu

Tiếp theo, bạn cần đưa ra danh sách những việc quan trọng và ưu tiên làm trước, theo sau là những việc ít quan trọng hơn. Đồng thời, phân bố thời gian thực hiện từng đầu việc cụ thể để đảm bảo hiệu quả công việc.

Cách lên kế hoạch thiết lập mục tiêu

Lên kế hoạch là bước thiết lập mục tiêu cá nhân quan trọng giúp bạn xác định rõ những định hướng công việc và tạo ra động lực để đạt kết quả tốt.

4.6. Xác định các trở ngại phải vượt qua

Song song cùng việc liệt kê những việc cần thực hiện, bạn cũng nên nghĩ đến những khó khăn, rủi ro có thể gặp phải và đưa ra phương án dự phòng hợp lý. Điều này sẽ giúp bạn không lệch hướng, hạn chế thất bại và hoàn thành tốt mục tiêu đã đặt.

4.7. Xác lập thời gian hoàn thành mục tiêu

Xác định thời gian thực hiện mục tiêu (deadline) không chỉ tạo động lực thực hiện, mà còn giúp bạn dễ dàng phân bố thời gian hợp lý để hoàn thành công việc đúng hạn. Qua đó, bạn dễ dàng kiểm soát thành quả đã đạt được và những việc bản thân cần cố gắng hơn trong tương lai.

4.8. Đánh giá lại các mục tiêu

Sau khi hoàn thành các mục tiêu nhỏ, bạn cũng nên đánh giá lại mức độ hoàn thành và xem xét kết quả có đúng như mong muốn ban đầu hay không. Qua đó, thay đổi kế hoạch cho phù hợp, ví dụ như nếu mục tiêu đã đạt quá dễ dàng thì bạn nên tăng độ khó lên, nếu bạn gặp khó khăn khi hoàn thành mục tiêu thì cần đề ra mục tiêu dễ hơn.

Nhìn chung, kỹ năng thiết lập mục tiêu cá nhân là cực kỳ cần thiết đối với bất cứ cá nhân nào, đặc biệt là sinh viên, nhân viên văn phòng. Vì vậy bạn cần phải lên kế hoạch cho việc này càng sớm càng tốt để có định hướng rõ ràng trong cuộc sống và công việc. Chúc các bạn thành công và được được những điều bản thân mong muốn!