Đó là ý kiến của đa số đại biểu tại hội nghị tuyển sinh 2011 diễn ra hôm nay 18/2 về mức độ xử lý kỷ luật đối với các trường không tổ chức thi mà gửi giấy báo trúng tuyển, thư mời cho thí sinh gây “loạn” giấy báo trúng tuyển trong thời gian vừa qua.


Kỷ luật nặng trường gây “loạn” giấy báo trúng tuyển - Ảnh 1

Hôm nay, hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN năm 2011 được tổ chức qua 6 cầu truyền hình tại các điểm Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ.



Đề nghị kỷ luật Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh

Tại hội nghị, đa số ý kiến của các trường tán đồng với những sửa đổi, bổ sung trong tuyển sinh 2011 của Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến trước đó. Tuy nhiên, vấn đề “Cảnh cáo đối với cán bộ tuyển sinh vi phạm một trong các lỗi: Gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng kí xét tuyển vào trường; thông báo nhận và kết thúc việc nhận hồ sơ đăng kí xét tuyển của thí sinh không đúng thời gian quy định”, các trường đều đề nghị Bộ không chỉ dừng lại ở mức cảnh cáo mà tăng hình thức kỷ luật mới đủ sức răn đe.


Hiệu trưởng Trường CĐ Tài chính Thái Nguyên, ông Nguyễn Công Dương, rất tán thành với chế tài xử lý vi phạm của Bộ GD-ĐT đưa ra. Tuy nhiên, ông Dương cho rằng: “Hình thức cảnh cáo chưa đủ, theo tôi không phải xử lý cán bộ tuyển sinh mà phải xử lý hiệu trưởng hoặc chủ tịch Hội đồng tuyển sinh vì lãnh đạo của trường có đồng ý thì cán bộ tuyển sinh mới thực hiện được”.


TS Hoàng Văn Thi, Trường ĐH Hồng Đức cho rằng:  “Bộ tăng hình phạt đối với các trường không tổ chức thi mà gửi giấy triệu tập trúng tuyển, thậm chí tăng hình phạt với hiệu trưởng hoặc Chủ tịch Hội đồng thi của trường đó thì may ra mới ngăn chặn được hiện tượng này”.


Thanh minh về vấn đề này, GS Đặng Ứng Vận, hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình, cho rằng: “Các trường không nên quá bức xúc về vấn đề này. Ở các trường ĐH tư thục, các thí sinh biết thông tin rất ít. Chúng tôi chỉ gửi thư mời nhập học tới thí sinh chứ không phải giấy triệu tập trúng tuyển. Nghĩa của 2 từ này khác nhau”.

 

Kỷ luật nặng trường gây “loạn” giấy báo trúng tuyển - Ảnh 2

Năm nay các thí sinh sẽ không phải nhận hàng chục loại giấy báo


Về việc nhiều trường thông báo nhận và kết thúc việc nhận hồ sơ đăng kí xét tuyển của thí sinh không đúng thời gian quy định, TS Ngô Tấn Lực, hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang, cho biết: “ NV2, NV3 và thực hiện nộp hồ sơ xét tuyển trực tiếp đã mở ra điều kiện thuận lợi cho các trường địa phương và thí sinh. Tuy nhiên, tôi thấy có điểm phức tạp trong quy định này là chưa kết thúc ngày nộp, nhiều trường đã công bố hồ sơ dự thi, gây ảnh hưởng không ít với các trường xét tuyển. Do vậy, Bộ quy định chặt chẽ hơn trong quy định mở hồ sơ thí sinh xét tuyển chứ không phải là biện pháp cảnh cáo”.

 

Gửi giấy báo kết quả thi nhờ về Sở GD-ĐT?

Nhiều đại biểu băn khoăn đề nghị Bộ xem xét sửa đổi vấn đề gửi kết quả thi nhờ của thí sinh về Sở GD-ĐT thay cho việc gửi về các trường không tổ chức thi như hiện nay.

Ông HoàngVăn Châu, hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cho rằng: “Những trường tổ chức thi rất vất vả sau khi có điểm thi phải mất nhiều thời gian lọc hồ sơ của thí sinh thi nhờ gửi giấy báo cho trường thí sinh đăng ký. Do vậy, đề nghị Bộ xem xét quy định gửi giấy báo kết quả thí sinh thi nhờ về từng Sở GD-ĐT thay như về từng trường như hiện nay”.


Ngoài ra, ông Châu cũng nhấn mạnh đến vấn đề hậu kiểm và cho rằng: “Việc đẩy mạnh vấn đề hậu kiểm là vô cùng quan trọng nhằm ngăn chặn những tiêu cực trong thi cử, nhất là hiện tượng thi hộ”.


Còn ông Hoàng Văn Thi, Trường ĐH Hồng Đức đề nghị Bộ sửa đổi quy định để các trường tổ chức thi gửi giấy báo điểm cho thí sinh thi nhờ về Sở GD-ĐT tránh tình trạng gửi cho các trường không tổ chức thi để các trường tiện xét tuyển NV2, NV3.


Đại diện Trường ĐH Đồng Tháp lại đề nghị Bộ vẫn thực hiện quy định cũ là các trường tổ chức thi gửi thẳng kết quả của thí sinh dự thi nhờ về thẳng trường không tổ chức thi, không nên thay đổi.


Trả lời các đại biểu về vấn đề này, ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho biết: “Tiếp thu ý kiến của các đại biểu và nghiên cứu thêm nhưng theo quy chế, thí sinh có NV1 học tại trường không tổ chức thi, trường tổ chức thi có nhiệm vụ: in và gửi giấy báo dự thi, coi thi, chấm thi nhưng không xét tuyển trong đợt 1“.


Một vấn đề quan trọng nữa mà đa số ý kiến tại hội nghị kiến nghị với Bộ là đưa hướng dẫn thi trắc nghiệm vào quy chế tuyển sinh cho gọn nhẹ, đỡ rắc rối khi triển khai.


Về vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết: “Sẽ có nghiên cứu và điều chỉnh quy chế thi trắc nghiệm cho hợp lý. Tuy nhiên có nhiều điểm không thể thống nhất được giữa thi trắc nghiệm và tự luận. Thi trắc nghiệm cần có hướng dẫn chi tiết để giám thị không sai sót vì thi trắc nghiệm thời gian rất ngắn, mất 5 - 7 phút của thí sinh đã ảnh hưởng rất nhiều đến bài thi”.


Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: “Vấn đề quy chế cho các môn thi trắc nghiệm như kiến nghị của nhiều đại biểu, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã yêu cầu Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện, nhưng trên nguyên tắc đi vào khái quát, không cầm tay chỉ việc”.

Riêng đối với tuyển sinh NV2, NV3, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, nên triển khai trên tinh thần công khai, không nên hạn chế cơ hội của thí sinh, càng công khai được thì tiêu cực càng giảm. Thời gian xét tuyển cũng không nên cứng quá để tạo thuận lợi cho thí sinh và các trường.

Theo dantri