>> Giáo dục, tuyển sinh, hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, học đường

Chiều 9/1, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập (ĐH, CĐ) đã họp và đưa ra văn bản góp ý cho dự thảo quy định tuyển sinh của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT). Hiệp hội đã thống nhất kiến nghị với Bộ GD-ĐT "5 bỏ": bỏ điểm sàn, bỏ khối, bỏ cấm sử dụng chung kết quả thi, bỏ đề án, bỏ thi ĐH.

Các trường … nản với quy định của Bộ

Phải biểu mở đầu cuộc họp về dự thảo đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra lấy ý kiến, GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng Bộ chưa thực sự sẵn sàng trao ngay quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường nên đã đưa ra những yêu cầu quá phức tạp.

Ông Lê Viết Khuyến (nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT) cho rằng việc Bộ yêu cầu các trường phải làm đề án đưa lên Bộ xem xét, lấy ý kiến phản biện xã hội là quá nhiêu khê, một cách khiến các trường chán nản với tuyển sinh riêng.

Ông nhấn mạnh: “Tự chủ tuyển sinh là quyền đương nhiên của các trường, không phải làm đề án. Chúng tôi có cảm nhận dường như Bộ chưa thực sự sẵn sàng trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường, nên đã đưa ra những yêu cầu quá phức tạp đối với các trường muốn tự chủ tuyển sinh để vô tình buộc các trường phải chấp nhận kỳ thi tuyển sinh chung của Bộ lâu nay”.

Trường ngoài công lập kiến nghị bỏ kì thi đại học

Ông Lê Viết Khuyến cho rằng các trường đã "nản" với các quy định của Bộ GD-ĐT về tự chủ tuyển sinh.

Đồng quan điểm, ông Trần Hữu Nghị (Hiệu trưởng Đại học dân lập Hải Phòng) cho biết: “Đã có quy định trong Luật Giáo dục Đại học về tự chủ tuyển sinh. Nếu tôi vi phạm thì tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật. Phải đưa đề án để Bộ chấp thuận thực chất là cơ chế xin - cho.

Ông Vũ Duy Chu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Đông Á (Bắc Ninh) cũng nhấn mạnh: “Bộ đừng bắt ép trường làm đề án. Bộ không có người và thời gian để duyệt. Đề án đó trường có thể công bố trên website của trường để xã hội biết.”

Từ đó, Hiệp hội ĐH, CĐ ngoài công lập đề xuất, cách làm có thể tương tự như cách Bộ đã cho các trường từ năm 2001 được tự quyết định cho mình chỉ tiêu tuyển sinh và Bộ GD-ĐT chỉ nên thực hiện hậu kiểm.

Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, phần lớn các cơ sở giáo dục đại học do quy mô tuyển sinh nhỏ, đơn ngành nên thường gặp khó khăn trong việc chuẩn bị đề thi, nhưng lại hoàn toàn đủ năng lực để thực hiện công việc xét tuyển.

Do đó Bộ GD-ĐT nên xem xét tuyển (hoặc xét tuyển kết hợp với thi tuyển hạn chế) là phương thức tuyển sinh chủ yếu để giúp các trường nhanh chóng thể hiện quyền tự chủ tuyển sinh của mình.

GS Trần Hồng Quân nhấn mạnh: "Bộ không nên can thiệp quá sâu. Chính điều đó mới thể hiện quyền tự chủ tuyển sinh thực sự của các cơ sở giáo dục đại học, theo đúng tinh thần của Điều 34 Luật Giáo dục đại học".

Trường ngoài công lập kiến nghị bỏ kì thi đại học

Bên cạnh kiến nghị được bỏ việc trình đề án tuyển sinh, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cũng đề nghị Bộ cần công bố quy định quốc gia về trình độ đầu vào tối thiểu của các cơ sở giáo dục đại học.

Theo đó, tất cả những ai đạt được chuẩn này đều đủ điều kiện để được tiếp nhận vào các cơ sở giáo dục ĐH. Còn điều kiện để thí sinh được vào học tại một trường cụ thể (căn cứ xét tuyển, điểm xét tuyển, nội dung thi, các kỳ thi bổ sung, kết quả học lực phổ thông, hạnh kiểm, năng lực xã hội…) thì phải dành cho các trường tự quyết định và tự công bố công khai, tuỳ theo đặc điểm ngành nghề và thương hiệu của mình, Bộ không nên can thiệp quá sâu. Chính điều đó mới thể hiện quyền tự chủ tuyển sinh thực sự của các cơ sở giáo dục ĐH, theo đúng tinh thần của Điều 34 Luật Giáo dục đại học.

Hiệp hội cũng cho rằng: Bộ chỉ nên xem kỳ thi chung do Bộ tổ chức (cả hiện nay cũng như sau này) như là một dịch vụ công ích cần thiết để hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục ĐH, giúp họ thể hiện quyền tự chủ tuyển sinh của mình. Do đó, tất cả các cơ sở giáo dục ĐH phải được quyền hưởng dịch vụ công ích này, tức là phải được quyền sử dụng hoàn toàn, sử dụng một phần, hay không sử dụng các kết quả của kỳ thi đó.

Bộ không nên ép các trường nếu muốn sử dụng các kết quả của kỳ thi chung thì phải đăng ký với Bộ và phải chấp nhận "luật chơi riêng" là điểm sàn và khối thi của Bộ (bỏ điểm sàn và không phải xét tuyển theo khối thi). Bộ cũng không nên tuyên bố sẽ chấm dứt chức năng trên từ sau năm 2016.

Đặc biệt, Hiệp hội kiến nghị với Bộ cần sớm nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một (bỏ kỳ thi ĐH và chỉ dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH), thực hiện trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục ĐH.

Hiệp hội cũng cho rằng, kinh nghiệm thế giới cho thấy chuẩn trình độ đầu vào của các cơ sở giáo dục đại học thường được nhiều quốc gia chọn là văn bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc các văn bằng tương đương khác.

Ông Đỗ Văn Chừng (Đại học Bắc Hà) lý giải: “Thi tốt nghiệp không tốn kém như thi đại học. Điều này sẽ giảm lãng phí tiền bạc cho xã hội và tránh được luyện thi tràn lan”.

Kết luận cuộc họp, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ (Phó Chủ tịch Hiệp hội ĐH, CĐ ngoài công lập) nhấn mạnh: "Trong bản góp ý gửi lãnh đạo Bộ GD-ĐT, chúng tôi sẽ kiến nghị 5 "bỏ": bỏ điểm sàn, bỏ khối thi, bỏ cấm sử dụng chung kết quả, bỏ nộp đề án và bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH".

Lãnh đạo Hiệp hội các trường ngoài công lập cũng cho biết, sáng 10/1, bản kiến nghị này sẽ được gửi lên Bộ GD-ĐT.

>>Các mốc tuyển sinh 2014 quan trọng cần chú ý

Theo Vương Tâm, Petrotimes