Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, học đường

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa quyết định thành lập Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục (KĐCLGD) thuộc ĐH Quốc gia TP HCM (VNU-HCM EAC).

Quá tải công việc?

Một trong những nội dung Nghị quyết của Ban cán sự Đảng bộ GD&ĐT về đổi mới quản lý giáo dục ĐH giai đoạn 2010-2012 là: Đẩy mạnh việc đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH. Đồng thời, xây dựng tiêu chuẩn và hình thành một số cơ quan KĐCLGD ĐH độc lập. Cả nước hiện có hai trung tâm kiểm định độc lập thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP HCM. Các trung tâm này được quyền đưa ra các quyết định công nhận hay không công nhận các trường ĐH, các chương trình đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục mà không bị can thiệp bởi bên thứ ba.

>>Thành lập trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG Tp.HCM

Tuy nhiên, thống kê của Vụ Giáo dục đại học (GDĐH), Bộ GD&ĐT cho thấy, hệ thống các cơ sở GDĐH trong 5 năm qua đã phát triển và mở rộng trên phạm vi cả nước. Tới năm 2013, Việt Nam có tổng cộng 476 cơ sở GDĐH, trong đó có 207 trường ĐH, 214 trường CĐ và 55 viện nghiên cứu có đào tạo trình độ tiến sĩ. Hệ thống các trường ngoài công lập cũng được hình thành và phát triển, trong đó vấn đề chất lượng giáo dục các trường ngoài công lập đang là vấn đề gây nhiều bức xúc thời gian gần đây. Theo quy định, với chu kỳ 5 năm/lần kiểm định và bình quân mỗi năm, 2 trung tâm này sẽ kiểm định 100 trường/ năm. Như vậy liệu có quá tải?

Có nên xã hội  hóa?

Thừa nhận chất lượng GDĐH còn nhiều yếu kém, việc có con số đo lường cụ thể để đảm bảo chất lượng GDĐH là rất quan trọng. Theo TS Phạm Xuân Thanh, Cục Khảo thí và KĐCLGD Bộ GD&ĐT: Kiểm định chất lượng giáo dục là một trong những hoạt động đảm bảo chất lượng bên ngoài cơ sở đào tạo. Quá trình kiểm định chất lượng giáo dục nhằm mục tiêu đưa ra các quyết định công nhận về mức độ tiến bộ và đảm bảo chất lượng giáo dục tại các trường CĐ, ĐH…

TS Hoàng Thị Xuân Hoa - Viện đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQG Hà Nội, cho rằng: Hệ thống GDĐH đang chuyển dịch từ quy mô và số lượng sang chất lượng và tính hệ thống, ngoài việc cho thấy sự ổn định của hệ thống GDĐH Việt Nam, nó còn cho thấy các tiêu chí đánh giá trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo, khung chương trình, đội ngũ… Đây là đòi hỏi bắt buộc của quá trình hội nhập, đổi mới.

Điều đáng bàn ở chỗ, mặc dù hai trung tâm KĐCLGD được cho là độc lập, nhưng vẫn kiểm định theo tiêu chí và trực tiếp chịu sự quản lý của Bộ GD&ĐT. Ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng trường ĐH Lương Thế Vinh cho rằng: “Không quan trọng đơn vị công lập hay ngoài công lập, điều cốt lõi là việc kiểm định có độc lập, khách quan hay không và phải có kinh nghiệm và thời gian để làm việc này”. Nhiều ý kiến từ các chuyên gia khác cho rằng, nên có những trung tâm kiểm định tư nhân.

Hai tổ chức kiểm định do Bộ GD&ĐT thành lập ở hai ĐH Quốc gia chỉ thuộc Nhà nước trong giai đoạn đầu để có thời gian hình thành và phát triển. Sau 5 năm đầu, các đơn vị này sẽ tách ra độc lập hoàn toàn, trong lộ trình đến 2015 sẽ thành lập 3 tổ chức kiểm định. Tuy nhiên, về các trung tâm kiểm định tư nhân thì sau năm 2015, Bộ mới tính đến cho phép thành lập các tổ chức ngoài công lập.

Nhu cầu phải đo lường một cách cụ thể chất lượng GDĐH trong nước đã đặt ra trong nhiều năm, nếu như các nước có bảng xếp hạng các trường ĐH để người học và mọi người có căn cứ đánh giá thì ở Việt Nam, chúng ta chưa có bất cứ thông số hay bảng xếp hạng cụ thể nào để đánh giá chất lượng GDĐH. Với chỉ hai trung tâm khi quy mô hệ thống ĐH, CĐ ngày càng mở rộng thì không biết đến khi nào chúng ta mới công bố được kết quả kiểm định?

Xem thêm:

>>Mỏi mắt chờ kiểm định chất lượng giáo dục

Theo phapluatxahoi