Khuyến khích hiểu biết nhưng không tùy tiệnNhiều trường có xu hướng thích đưa những “sự kiện nóng” vào đề thi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Cảnh báo lạm dụng và “biến tấu”

Khẳng định tính cần thiết của việc ra đề theo hướng mở, bà Nguyễn Thị Kim Anh, giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cho rằng đề thi mang tính thời sự và theo hướng mở là để dạy học sinh (HS) cách suy ngẫm, lập luận về một vấn đề mà nếu không ngồi trước đề thi thì trò ít khi nghĩ ngợi một cách sâu sắc. Đề mở là dạng đề tạo cơ hội cho HS được chủ động thể hiện những hiểu biết và kỹ năng của mình trên cơ sở có những định hướng nhất định của thầy cô về kiến thức cũng như kỹ năng.
Tuy nhiên, theo bà Kim Anh, bản thân thầy cô cũng cần luyện để có khả năng tốt trong biên soạn đề, rất cần lưu ý khi ra đề kiểu này dễ bị lạm dụng hoặc “biến tấu khôn lường” ở giáo viên chưa tự trang bị được kỹ năng ra đề và kiểm soát tốt để có thể theo kịp. Có đề hỏi HS về chống tham nhũng, chống bạo hành, chống tệ nạn xã hội như ma túy và mại dâm. Tuy nhiên, HS sẽ khó nói hay, thậm chí rơi vào sáo rỗng khi mà người lớn còn lúng túng, nhà nước và nhiều cơ quan chức năng phải lên chương trình dài hơi để giải các bài toán xã hội và thời cuộc đặt ra. Vậy thì HS phổ thông làm sao viết được...
Trong quá trình giảng dạy cũng vậy, theo bà Kim Anh, không nên hiểu đơn giản là sự cập nhật thông tin càng nhiều càng tốt. Bài giảng của thầy cô có tính thời sự không chỉ vì thầy cô thạo tin, lại càng không phải là chuyên mục “điểm báo trong tuần”. Mà đó là sự chọn lọc, mới mẻ. Làm sao chỉ từ một vấn đề mà cho HS có được liên hệ và mở mang tầm nhìn đến những vấn đề khác.
Bà Kim Anh cho rằng các thầy cô cần trao đổi, thảo luận trong tổ nhóm chuyên môn về việc ra đề theo hướng mở nhưng không tùy tiện, thế nào cũng được và không đánh đố HS.

Đừng chỉ để gây chú ý

Tại hội thảo đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn ngữ văn ở trường phổ thông gần đây, PGS Đỗ Ngọc Thống, Thường trực Đề án đổi mới giáo dục phổ thông sau 2015, Bộ GD-ĐT, cho rằng mục tiêu của đánh giá theo yêu cầu phát triển năng lực cần xác định được khả năng vận dụng tổng hợp những gì đã học của HS vào việc giải quyết một bài toán mới, đáp ứng các yêu cầu mới trong một tình huống tương tự; tăng cường yêu cầu HS tìm mối liên hệ giữa các kiến thức, kỹ năng của bài học với hiện tượng, sự vật, sự việc, con người… thường xuất hiện trong đời sống sinh hoạt cũng như công việc hằng ngày. Phương thức đánh giá không chú trọng yêu cầu học thuộc, nhớ máy móc, nói đúng và đầy đủ những điều thầy cô đã dạy… mà coi trọng ý kiến và cách giải quyết vấn đề của mỗi cá nhân người học; động viên những suy nghĩ sáng tạo, mới mẻ, giàu ý nghĩa; tôn trọng sự phản biện trái chiều, khuyến khích những lập luận giàu sức thuyết phục.
Muốn thế, theo ông Thống, đề thi và đáp án cần có những yêu cầu và mức độ phù hợp; tránh cả 2 khuynh hướng cực đoan: “đóng” một cách cứng nhắc, máy móc, làm thui chột sự sáng tạo và “mở” một cách tùy tiện “không biên giới”, phi thẩm mỹ, phản giáo dục.
Theo tinh thần đó, ông Thống cho rằng hàng loạt câu hỏi tưởng đơn giản mà rất khó cần phải thống nhất. Chẳng hạn, thế nào là đề mở? Các hình thức mở là gì? Mức độ mở đến đâu? Đáp án mở thế nào? Lấy gì làm tiêu chí chung để so sánh các bài làm của HS? Thế nào là ý mới, ý sáng tạo…
GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cũng cho rằng ra đề thi gắn với thông tin thời sự là cả một vấn đề khoa học giáo dục, chứ không phải đơn giản là muốn làm thế nào cũng được. Mục đích của cách làm này không phải chỉ để HS nắm được thông tin thời sự, mà phải hiểu vấn đề thời sự ấy như thế nào, biết vận dụng các kiến thức được học để giải thích vấn đề thời sự ấy như thế nào, từ đó đánh giá được năng lực của người học chứ không phải chỉ nhằm mục đích gây sự chú ý hay làm cho một bộ phận giới trẻ thích thú.

3 yếu tố của đề thi

Một đề thi ít nhất phải có 3 yếu tố: tính hợp lý, tính giáo dục và sức hấp dẫn.
Tính hợp lý là đề phải sát với chương trình học, vừa sức đối với người học. Tính giáo dục thể hiện ở chỗ, đề thi phải có nội dung mang tính nhân bản, nhân văn, phù hợp văn hóa, thuần phong mỹ tục... Sức hấp dẫn chính là yếu tố làm cho đề thi không quá hàn lâm, già nua mà phải thổi được hơi thở thời sự, xã hội để giúp thí sinh hứng thú trong việc làm bài, để gắn kết giáo dục gần với cuộc sống...
Chính vì vậy, việc đưa các thông tin thời sự nóng vào đề thi phải dựa trên 3 yếu tố này. Theo các chuyên gia làm đề thi nhiều năm, thời sự muốn đưa vào đề thi phải có sự lựa chọn, sàng lọc cao, phải có tính điển hình và không nên chiếm mức điểm quá nhiều, tối đa 20% thang điểm.
Ngoài ra, cũng cần chú ý đến đặc trưng thể loại văn bản của đề thi. Theo tiến sĩ Nguyễn Thế Truyền, giảng viên ngôn ngữ học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đề thi là sự kết hợp giao thoa giữa hai dạng phong cách ngôn ngữ: phong cách ngôn ngữ khoa học và ngôn ngữ hành chính. Vì thế, từ nội dung cho đến cách trình bày, ngay cả những sự kiện nóng muốn đưa vào đề thi cần phải đảm bảo tính khoa học và tính nghiêm túc, trang trọng của văn bản hành chính, chứ không phải muốn đưa cái gì vào cũng được.
Trần Ngọc Tuấn


Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/khuyen-khich-hieu-biet-nhung-khong-tuy-tien-694533.html